Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Tĩnh: Tâm thần nặng vẫn đứng đơn ly hôn để bảo toàn gia sản

Thế An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bỏ qua dị nghị của người đời, những tưởng gửi gắm thân gái vào “danh gia” mong sẽ có một cuộc sống ấm cúng hơn, song hơn 17 năm làm “osin” với người chồng mang bệnh tâm thần nặng, chị cùng những đứa con thơ đang có nguy cơ bị gia đình chồng đẩy ra đường, không mảnh đất cắm dùi, không chốn nương thân.

Đấy là nội dung lá đơn đẫm nước mắt của chị Nguyễn Thị Hà (SN 1982, trú tại Khối phố (Kp) Hòa Linh, phường Thạch Linh, TP Hà Tĩnh) kêu cứu.

Hơn 17 năm làm dâu nhà “danh gia”

Ôm “mớ” văn bản của tòa án cùng lá đơn kêu cứu trên tay, chị Nguyễn Thị Hà tâm sự: Tôi được sinh ra trong gia đình thuần nông ở xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh), vì gia cảnh nghèo lại đông anh em nên vừa tròn 18 tuổi, qua mai mối tôi đã đồng ý lấy anh Nguyễn Mậu Mạnh (Sn 1978, trú tại Kp Hòa Linh, phường Thạch Linh, TP Hà Tĩnh). Quá trình chung sống đến nay đã có 3 con, gồm: Nguyễn Diệu Thúy (SN: 2003), Nguyễn Thị Phương Thảo (SN: 2013) và Nguyễn Thị Như Ý (SN: 2016), sau khi có mang cháu thứ nhất, chồng tôi đi xuất khẩu lao động ở Tiệp Khắc cùng anh trai. Ròng rã suốt hơn 10 năm chồng đi làm, một mình tôi phải thức khuya dậy sớm để cáng đáng mọi việc, từ việc chăm con, gia đình nhà chồng. Cũng chừng ấy năm, kinh tế trong gia đình đều do mẹ và anh trai chồng năm giữ, kể cả tiền của chồng đi làm cũng không ngoại lệ.

 Sau khi ly hôn, mẹ con chị Hà sẽ đi đâu, về đâu?

Đưa tay lên lau vội dòng nước mắt như chực chảy tràn trên đôi má gầy guộc của mình, chị Hà tâm sự tiếp: "Cuộc sống của tôi càng cơ cực hơn khi người chồng về nước, hai vợ chồng sống gần nhau chưa được bao lâu thì bệnh tâm thần của anh ấy trở nặng. Vợ chồng dắt díu nhau chạy chữa khắp nơi nhưng không thuyên giảm, tháng 12/2015, UBND TP Hà Tĩnh đã ra Quyết định số 3163/QĐ- UBND cho chồng tôi được hưởng trợ cấp xã hội ở dạng “Khuyết tật tâm thần nặng”.

 Ngôi nhà chị Hà từng làm osin hơn 10 năm, nay đã cho thuê.

Từ khi bước chân vào làm dâu nhà “danh gia” này, tôi đã phải chuyển đến 3 nơi ở khác nhau. Hơn 10 năm đầu, vợ chông tôi sống cùng bố mẹ chồng tại ngôi nhà mặt tiền tại đường Trần Phú (Tp Hà Tĩnh), sau khi bố chồng mất, ngôi nhà này được mẹ chồng cho thuê, vợ chồng cùng con gái lại dắt díu nhau về ngôi nhà khang trang tại Kp Hòa Linh (Thạch Linh – TP Hà Tĩnh) sống cùng mẹ chồng. Đến năm 2016, mẹ chồng mua đất để cho vợ chồng tôi làm nhà ở riêng ở Kp Đại Đồng (Thạch Linh - Tp Hà Tĩnh). Bao công sức của tôi đều đổ vào cho nơi ở mới này, nhưng rồi đây các con thơ của tôi sẽ phải cùng mẹ ra đường vì gia đình chồng cho rằng tôi “không có tên trong sổ đỏ, không có tên trong hóa đơn mua vật liệu”, theo như lời mẹ chồng nói là sau khi ly hôn cho “100 triệu” để tôi cùng các con thơ sẽ dắt díu nhau ra đi.

Ngôi nhà duy nhất để mẹ con tôi có chỗ trú thân, cũng là mồ hôi nước mắt ở Kp Đại Đồng (phường Thạch Linh) cũng có nguy cơ bị cướp mất. Điều đáng nói là gia đình nhà chồng tôi thuộc hàng “danh gia” ở đất Hà Tĩnh này, gia sản, đất đai rất nhiều, nhưng họ vẫn nhẫn tâm đuổi những đứa cháu còn thơ dại của mình ra đường không chốn nương thân.

            Ngôi nhà vợ chồng chị đã chuyển về sống cùng mẹ chồng 

Bà Phan T.T (75 tuổi) trú tại Kp Hòa Linh, Phường Thạch Linh, cho biết: Nguyên nhân của việc ly hôn là do chồng thì ngơ ngơ, mất trí còn chị Hà thì khôn khéo, sau này sẽ rút hết của gia đình họ. Việc làm nhà riêng, rồi đến ly hôn đồng nghĩa với việc đuổi mẹ con chị ấy ra đường với đôi bàn tay trắng bằng pháp luật, là những bước đi ngấm ngầm của họ để bảo toàn gia sản.

“Bảo toàn gia sản cho ai để rồi đây, gia đình họ thì sống trong nhung lụa, còn các cháu “gọi họ là bà nội, là bác, là o” sẽ ra sao khi bố nó thì mang bệnh “tâm thần”, không còn chỗ ở, gia tài mang theo những năm tháng tuổi thơ là cái sổ “Hộ nghèo” trên tay và đồng lương công nhân “còm” của mẹ.” - bà T. nhận định.

Tâm thần nặng vẫn được chấp nhận đứng đơn ly hôn

Với hơn 17 năm làm vợ người “không bình thường”, làm Osin cho gia đình “danh gia” nhưng từ cuối năm 2015 lại nay, chị Hà luôn sống trong nổi khốn khó với tâm trạng lo sợ, bất an. Phần thì phải lo kiếm tiền để nuôi các con, phần thì phải lo đối phó với “mớ trát” của Tòa án để kéo dài thời gian để cầu cứu, phần thì lo rồi đây sau khi ly hôn chị cùng các con thơ của mình sẽ đi đâu, về đâu. 

Để có chốn nương thân cho những đứa con thơ, chị Hà đã không chấp nhận ly hôn nên sau nhiều lần làm đơn xin vắng mặt, ngày 11/7/2018, chị Hà đã có Đơn đề nghị gửi Tòa án nhân dân TP Hà Tĩnh về việc tạm đình chỉ vụ án, trong đơn nêu rõ: “Ông Nguyễn Mậu Mạnh không có ý định ly hôn với tôi, bởi vì chồng tôi là một người bị khuyết tật thần kinh, tâm thần ở mức độ nặng, thì không thể tỉnh táo và tự mình tiến hành các thủ tục ly hôn với tôi… Để bảo vệ tốt nhất cho quyền lợi của chồng tôi cũng như của các con, ngày 05/7/2018, tôi có đơn yêu cầu Tòa án Nhân dân TP Hà Tĩnh tuyên bố chồng tôi - ông Nguyễn Mậu Mạnh mất năng lực hành vi dân sự”. Ngày 21/3/2019, Tòa án Nhân dân TP Hà Tĩnh đã ra quyết định 01/2019/QĐDS - ST, không chấp nhận “Yêu cầu tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự” của chị.

Ngôi nhà này là chỗ trú thân duy nhất của chị Hà cùng các con đang có nguy cơ phải trả lại cho nhà chồng 
Để tiếp tục giữ lại sự yên ấm và hạnh phúc gia đình cho các con, chị lại làm đơn kháng cáo lên cấp phúc thẩm. Những tưởng, sẽ tìm được sự công minh ở cán cân của công lý ở bậc cao hơn, nhưng một lần nữa Tòa án Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh phúc thẩm giải quyết dân sự về việc yêu cầu tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự đã ra Quyết định 01/2019/ QĐPT -VDS, ngày 10/6/2019, không chấp nhận yêu cầu việc giải quyết dân sự của bà Nguyễn Thị Hà về việc “Yêu cầu tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự”.
Theo nhận định của Tòa: “Tòa án cấp phúc thẩm nhận thấy rằng ông Mạnh không có lệch lạc gì về nhận thức và khả năng điều khiển hành vi của mình và hiện nay ông từ chối không đi giám định pháp y tâm thần nên Tòa án phúc thẩm không có căn cứ để xem xét”.
Theo lời của một sĩ quan quân đội nghỉ hưu, nhiều năm làm công tác xã hội tại khối Hòa Linh (phường Thạch Linh), cho biết: “Chị Hà có một cuộc sống hết sức vất vả, người chồng thì bị thần kinh đã được nhà nước cho hưởng trợ cấp, con cái học hành chỉ bằng đồng lương công nhân môi trường. Khi vợ chồng chị ấy ở đây, tuy đã có nhiều điều tiếng về “con, cháu nguyên Giám đốc Sở”, nhưng khối phố phải đưa vào diện hộ nghèo để hỗ trợ vì khó khắn quá, cho dù chị Hà cũng đã xoay sở đủ đường” .   
Dư luận đang cho rằng liệu một người “thần kinh không bình thường” như anh Nguyễn Mậu Mạnh có thể làm đơn ly hôn được hay không. Việc ly hôn này nhằm mục đích gì, ai là người vụ lợi khi mà một người bị bệnh nặng như thế sẽ rất cần đến vợ, con giúp đỡ chăm sóc. Một người đã được các cơ quan chức năng của TP Hà Tĩnh xác định là “khuyết tật tâm thần nặng” và cho hưởng chế đội theo quy định của nhà nước như anh Mạnh thì liệu có đủ “tỉnh táo” để làm các thủ tục ly hôn, để thực thi theo các điều khoản của pháp luật hay không.
Rồi đây phiên tòa ly hôn của vợ chồng chị Hà cũng sẽ được Tòa án xử, song tòa án lương tâm sẽ luôn kết án những kẻ mưu lợi từ mồ hôi, công sức cũng như phá vỡ sự yên ấm, hạnh phúc, tương lai của những đứa trẻ đang luôn hướng về họ để làm gương.