Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Tĩnh: Tăng cường bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên

Văn Chương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục tăng cường công tác bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học, khai thác hiệu quả các giá trị mà thiên nhiên đặc ân ban tặng cho vùng đất này.

Hồ Ngàn Trươi nằm trong Vườn Quốc gia Vũ Quang nơi được công nhận là "Vườn Di sản ASEAN"
Hồ Ngàn Trươi nằm trong Vườn Quốc gia Vũ Quang nơi được công nhận là "Vườn Di sản ASEAN"

Tỉnh Hà Tĩnh hiện có 3 di sản thiên nhiên, gồm: Vườn Quốc gia Vũ Quang, Khu Bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ (khu dự trữ thiên nhiên) và danh lam thắng cảnh chùa và hồ Thiên Tượng.

Trong đó, Vườn Quốc gia Vũ Quang được công nhận là “Vườn Di sản ASEAN”, nơi có tính đa dạng sinh học cao với nhiều loài động, thực vật nguy cấp, quý hiếm cần được bảo vệ như: Sao La, Mang lớn, Voi, Voọc chà vá chân nâu, Vượn má trắng…

Vườn Quốc gia Vũ Quang tái thả động vật rừng về môi trường tự nhiên
Vườn Quốc gia Vũ Quang tái thả động vật rừng về môi trường tự nhiên

Khu Bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ (khu dự trữ thiên nhiên) được xác lập theo quy định của pháp luật về đa dạng sinh học, lâm nghiệp và thủy sản. Nơi đây lưu giữ nhiều nguồn gen quý hiếm phục vụ cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học như: Gà lôi lam đuôi trắng, gà lôi lam mào đen...

Danh lam thắng cảnh chùa và hồ Thiên Tượng ở thị xã Hồng Lĩnh, được xác lập theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích Danh lam thắng cảnh cấp Quốc gia.

Với sự đang dạng các loại hình hệ sinh thái, Hà Tĩnh được đánh giá là một trong những tỉnh có mức độ đa dạng sinh học cao, phong phú về loài và nguồn gen. Vì vậy, công tác bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên, đa dạng sinh học được chính quyền các cấp, các địa phương, đơn vị liên quan chú trọng.

UBND tỉnh đã tích hợp các nội dung Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 vào Quy hoạch tỉnh; xem xét ban hành, kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược Quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.

Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phục hồi rừng tự nhiên, làm giàu vốn rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ tốt các hệ sinh thái, các loài động, thực vật rừng; khai thác tốt các giá trị của Danh lam thắng cảnh chùa và hồ Thiên Tượng.