Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Tĩnh: Vận chuyển động vật, những “chiêu trò” trốn kiểm dịch

Văn Chương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Gần tết Nguyên đán, hoạt động buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật qua địa bàn tỉnh Hà Tĩnh diễn ra sôi động. Mặc dù các cơ quan chuyên môn đã tăng cường kiểm soát, song một bộ phận không nhỏ lái xe lại trốn tránh, không thực hiện kiểm dịch theo quy định.

Trạm kiểm dịch động vật (Quốc lộ 1A) ở phường Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh
Trạm kiểm dịch động vật (Quốc lộ 1A) ở phường Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh

Những ngày này, tại nhiều tuyến đường trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh rất dễ bắt gặp xe ô tô tải chở lợn, trâu bò, gia cầm đi tiêu thụ. Trong đó, sôi động nhất là tuyến Quốc lộ 1A, đường ven biển, đường mòn Hồ Chí Minh, Quốc lộ 8 và nhiều tuyến giao thông huyết mạch.

Phương tiện vận chuyển lợn lưu thông trên tuyến Quốc lộ 8 đoạn qua địa bàn huyện Hương Sơn
Phương tiện vận chuyển lợn lưu thông trên tuyến Quốc lộ 8 đoạn qua địa bàn huyện Hương Sơn

Qua tìm hiểu được biết, động vật được xuất bán từ các trang trại chăn nuôi ở tỉnh Hà Tĩnh chỉ chiếm tỷ lệ rất ít, phần lớn là được vận chuyển từ các tỉnh miền Nam, Tây Nguyên ra miền Bắc. Phương tiện vận tải chở gia súc, gia cầm lưu thông ở nhiều tuyến đường khác nhau, trong khi đó công tác kiểm dịch chủ yếu được thực hiện tại Trạm kiểm dịch động vật (Quốc lộ 1A) ở phường Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh.

“Dịp giáp tết Nguyên đán, số lượng xe tải chở lợn từ miền Nam ra Bắc lưu thông trên đường ven biển tăng hơn nhiều so với ngày thường. Lo ngại nhất là thỉnh thoảng các phương tiện lại dừng đỗ trên đường, tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh dịch bệnh, nhất là từ nguồn lây nhiễm trung gian”, chị Nguyễn Thị Hà ở xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân cho biết.

Dịp giáp tết Nguyên đán, phương tiện vận chuyển gia súc, gia cầm qua địa bàn tỉnh Hà Tĩnh tăng hơn nhiều lần so với ngày thường.
Dịp giáp tết Nguyên đán, phương tiện vận chuyển gia súc, gia cầm qua địa bàn tỉnh Hà Tĩnh tăng hơn nhiều lần so với ngày thường.

Tài xế vận chuyển gia súc, gia cầm lựa chọn đường ven biển hoặc một số tuyến đường khác để lưu thông, nghĩa là đã dễ dàng vượt qua sự kiểm soát của cơ quan Thú y tỉnh Hà Tĩnh. Đó là chưa kể đến, ngay tại Trạm kiểm dịch động vật ở phường Đậu Liêu, nhiều lái xe khi đã vượt qua trạm nếu bị phát hiện, yêu cầu kiểm dịch lại đưa ra muôn vàn lý do biện bạch như: không để ý quan sát, động vật xuất chuồng đã được kiểm dịch, niêm phong hoặc trước đó đi qua các tỉnh đã kiểm dịch đầy đủ...   

Theo thống kê của Trạm kiểm dịch động vật ở phường Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh, ngày thường bình quân có khoảng 20 lượt phương tiện chở gia súc, gia cầm qua lại trên địa bàn, dịp gần tết số lượng phương tiện tăng lên nhiều hơn. Mỗi phương tiện dừng đỗ kiểm tra thú y, phun tiêu độc khử trùng lái xe phải nộp lệ phí là 44 nghìn đồng/01 phương tiện.

Trạm kiểm dịch động vật Hà Tĩnh kiểm tra hồ sơ, thủ tục vận chuyển gia súc, gia cầm.
Trạm kiểm dịch động vật Hà Tĩnh kiểm tra hồ sơ, thủ tục vận chuyển gia súc, gia cầm.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Quang Huân - Phụ trách Trạm kiểm dịch động vật Hà Tĩnh cho biết, về cơ bản vào ban ngày các lái xe đều chấp hành dừng đỗ phương tiện để phun tiêu độc khử trùng và kiểm tra thú y theo quy định. Tuy nhiên, trong đêm tối, nhất là từ khoảng 1-4 giờ sáng thì gần như tất cả các phương tiện đều “thông chốt” không chấp hành kiểm tra thú y, số lượng xe cụ thể chưa thống kê được.

“Lực lượng mỏng, thiếu phương tiện, công cụ hỗ trợ nên trong đêm tối khi phát hiện lái xe phóng nhanh vượt qua trạm kiểm dịch, nhân viên thú y chỉ bất lực đứng nhìn. Ngoài ra, hiện nay rất nhiều phương tiện chở động vật, sản phẩm động vật lưu thông trên đường ven biển và một số tuyên đường khác để né tránh kiểm dịch, trốn thu phí, nhưng chưa thể kiểm soát, ngăn chặn” - ông Nguyễn Quang Huân thông tin.

Lực lượng thú y Hà Tĩnh kiểm tra niêm phong, kẹp chì các phương tiện vận chuyển gia súc.
Lực lượng thú y Hà Tĩnh kiểm tra niêm phong, kẹp chì các phương tiện vận chuyển gia súc.

Lái xe thiếu ý thức, hoặc phớt lờ các quy định của Luật Thú y, không chấp hành dừng đỗ phương tiện để kiểm dịch diễn ra khá phổ biến trên địa bàn Hà Tĩnh. Trong khi đó, việc kiểm soát vận chuyển động vật, kiểm tra vệ sinh thú y là yêu cầu bắt buộc nhằm đảm bảo an toàn, phòng ngừa lây lan dịch bệnh.

“Đơn vị chủ yếu chỉ kiểm soát về chuyên môn, nhất là kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm, vệ sinh thú y, phòng ngừa dịch bệnh. Riêng công tác kiểm dịch trên Quốc lộ 1A và nhiều tuyến đường khác cần có sự phối hợp, hỗ trợ tích cực từ lực lượng Công an, Quản lý thị trường, đặc biệt là dịp cao điểm giáp tết”, bà Hoàng Thị Ngọc Diệp - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh cho biết.

Trong đêm tối, việc kiểm soát thú y ở Hà Tĩnh chủ yếu dựa vào ý thức của lái xe chấp hành dừng đỗ phương theo quy định.
Trong đêm tối, việc kiểm soát thú y ở Hà Tĩnh chủ yếu dựa vào ý thức của lái xe chấp hành dừng đỗ phương theo quy định.

Lựa chọn nhiều tuyến đường khác nhau để vận chuyển gia súc, gia cầm, trốn tránh kiểm dịch, tuy mang lại lợi ích cho một số bộ phận lái xe nhưng đặt ra không ít vấn đề trong công tác kiểm soát thú y. Tết Nguyên đán đang cận kề, bên cạnh sự vào cuộc tích cực từ các cơ quan chuyên môn, thì đội ngũ lái xe cần nêu cao ý thức, trách nhiệm, chấp hành những quy định của Luật Thú y, góp phần đảm bảo an toàn, phòng ngừa lây lan dịch bệnh.