Ảnh minh họa.
Cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện, vốn do liên minh cầm quyền của Thủ tướng Abe kiểm soát, diễn ra trước khi Thượng viện bắt đầu họp vào ngày 18/2 tới để thảo luận gói ngân sách bổ sung của năm tài khóa 2012 (tính đến tháng 3/2013), khoản ngân sách có quy mô lớn từ hai từ trước đến nay.
Nhiều khả năng Thượng viện do phe đối lập kiểm soát sẽ bỏ phiếu chống lại gói ngân sách bổ sung này. Tuy nhiên, dự thảo ngân sách bổ sung này vẫn được kích hoạt do Hiến pháp Nhật Bản ưu tiên các quyết định của Hạ viện so với Thượng viện.
Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) và một số các đảng đối lập khác phản đối việc thông qua ngân sách tại Hạ viện vì cho rằng các biện pháp kích thích của Chính phủ Abe dựa quá nhiều vào các dự án công cộng không cần thiết và sẽ đặt các quy định tài chính của nước này vào tình thế nguy hiểm.
Theo nguồn tin từ các nghị sỹ, liên minh cầm quyền của đảng Dân chủ Tự do (LDP) dự định sẽ thông qua ngân sách này tại Quốc hội trước khi Thủ tướng Abe thăm Mỹ, có thể là ngày 21/2 tới.
Ngân sách bổ sung nói trên là khoản chi lớn nhất kể từ khi Nhật Bản thông qua gói ngân sách bổ sung trị giá 14.700 tỷ yen trong tài khóa 2009. Gói ngân sách này bao gồm 10.300 tỷ yen dùng để chi cho các biện pháp kích thích như xây dựng các công trình công cộng để thúc đẩy nhu cầu nội địa trong bối cảnh lĩnh vực xuất khẩu đang chững lại.
Chính phủ Nhật Bản sẽ phát hành thêm nợ mới nhằm gây quỹ cho các dự án như tái thiết khu vực Đông Bắc bị thiệt hại nặng nề bởi trận động đất và sóng thần hồi năm 2011 và tăng cường khả năng chống chịu thiên tai của các công trình hạ tầng ở nước này.
DPJ, chính đảng bị LDP đánh bại trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 12/2012, đã kêu gọi xem xét lại gói ngân sách này, đồng thời chỉ trích chính phủ đang khiến tình cảnh nợ nần của Nhật Bản càng thêm chồng chất bằng cách tiếp tục mở rộng các khoản chi cho các công trình công cộng.
Tuy nhiên, Thủ tướng Abe cho biết chính phủ của ông sẽ khôi phục tăng trưởng với chính sách tài chính linh hoạt và biện pháp nới lỏng tiền tệ mạnh mẽ của BOJ.
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) cùng ngày 14/2 đã quyết định không thay đổi chính sách tiền tệ để đánh giá tác động của mục tiêu lạm phát 2% mới được đưa ra, đồng thời cập nhật đánh giá về nền kinh tế Nhật Bản trong bối cảnh có các dấu hiệu phục hồi ở các nền kinh tế nước ngoài.
Ban chính sách BOJ đã nhất trí duy trì lãi suất ngắn hạn ở mức 0-0,1% và quyết định không thay đổi kế hoạch mở rộng quy mô chương trình thu mua tài sản lên 101.000 tỷ yen đến cuối năm nay.
Trong đánh giá về nền kinh tế Nhật Bản tháng thứ 2 liên tiếp, BOJ nhận định tốc độ suy yếu của nền kinh tế nước này đã tạm ngừng và sự suy giảm trong xuất khẩu cũng đang chậm lại. Trong cuộc họp trước hồi tháng Một vừa qua, BOJ cho rằng nền kinh tế “tương đối yếu.”
Cuộc họp của Ban chính sách BOJ diễn ra trong bối cảnh đồng yen mất giá nhiều so với các đồng tiền chủ chốt khác trong khi có hy vọng bắt nguồn từ chính sách nới lỏng tiền tệ tích cực mà Thủ tướng Shinzo Abe theo đuổi. Đồng yen mất giá đã giúp cho chứng khoán Nhật Bản tăng giá cao hơn.
Về triển vọng của nền kinh tế Nhật Bản, BOJ hy vọng sẽ quay trở lại con đường phục hồi khiêm tốn khi nhu cầu trong nước vẫn tăng, một phần do các biện pháp kích thích kinh tế của chính phủ và các nền kinh tế nước ngoài đã thoát khỏi giai đoạn suy giảm.
Tuy nhiên, ngân hàng này cũng cảnh báo vẫn tồn tại “mức độ bất ổn cao” đối với nền kinh tế Nhật Bản do các yếu tố như vấn đề nợ công ở châu Âu và quan hệ xấu đi giữa Nhật Bản và Trung Quốc.