Hai Bộ sẽ tổng rà soát nguồn nhân lực y tế trong khu vực công

Vân Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Bộ Y tế tổng rà soát, tham mưu cho Chính phủ đề án phát triển nguồn nhân lực y tế trong khu vực công đến năm 2030 một cách căn cơ, cụ thể, chiến lược, bảo đảm nhân lực y tế khu vực công trong tình hình mới.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà giải trình một số nội dung đại biểu quan tâm.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà giải trình một số nội dung đại biểu quan tâm.

Chiều 29/5, Quốc hội đã thảo luận về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Cần đánh giá toàn diện về nhân lực y tế dự phòng

Sau phần thảo luận của các đại biểu Quốc hội, giải trình một số nội dung các đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà khẳng định: Thành công trong công cuộc phòng, chống dịch Covid-19 có sự đóng góp lớn, có vai trò quan trọng quyết định của mô hình tổ chức y tế dự phòng, y tế cơ sở; đồng thời có vai trò rất quan trọng của đội ngũ nhân viên y tế, trong đó có y tế dự phòng, y tế cơ sở.

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, đại dịch đã làm bộc lộ những khó khăn, bất cập trong bộ máy tổ chức và các mặt hoạt động của mạng lưới y tế dự phòng, y tế cơ sở: Vẫn còn những sự thiếu đồng bộ cả về mô hình tổ chức lẫn thực tiễn quản lý; nhân lực y tế còn có những bất cập cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu kết luận nội dung thảo luận chiều 29/5
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu kết luận nội dung thảo luận chiều 29/5

Để giải quyết tổng thế vấn đề này, Bộ trưởng cho rằng cần đặt việc giải quyết tổ chức, bộ máy, nhân sự y tế - nhất là nhân sự y tế dự phòng, y tế cơ sở trong tổng thể Nghị quyết 19 và theo đúng định hướng, yêu cầu của Nghị quyết 20 là tăng cường bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe của Nhân dân, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn với những vấn đề mới phát sinh để có giải pháp phù hợp hơn trong thời gian tới.

Theo đó, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Bộ Y tế tổng rà soát, tham mưu cho Chính phủ đề án phát triển nguồn nhân lực y tế trong khu vực công đến năm 2030 một cách căn cơ, cụ thể, chiến lược, bảo đảm nhân lực y tế khu vực công trong tình hình mới.

Đặc biệt, cần đánh giá toàn diện về tổ chức bộ máy, nhân lực y tế dự phòng, y tế cơ sở để đề xuất với Chính phủ xây dựng mới, hoặc bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo ổn định về mô hình tổ chức bộ máy, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ cụ thể của các tổ chức này; xem xét kỹ lưỡng mô hình tổ chức để đảm bảo các yêu cầu về mặt chính trị, xã hội, pháp lý cũng như thực tiễn, để thực hiện tốt nhất nhiệm vụ bảo đảm sức khỏe của Nhân dân.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan tiếp thu, giải trình một số nội dung đại biểu đề cập
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan tiếp thu, giải trình một số nội dung đại biểu đề cập

Cơ bản giải quyết được tình trạng thiếu thuốc 

Làm rõ một số vấn đề liên quan đến huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực cho phòng, chống dịch Covid-19, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, việc quy định sát giá về số tài sản tài trợ hay là thẩm định giá đối với tài sản công, căn cứ theo Nghị định 29/2018/NĐ-CP thì đơn vị tiếp nhận căn cứ vào hóa đơn xuất của bên viện trợ để ghi tăng tài sản công, không thẩm định lại. Thời gian tới Bộ sẽ có hướng dẫn cụ thể hơn về vấn đề này.

Về đầu tư cơ sở vật chất y tế, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, Nghị quyết 43/2022/QH15  đã bố trí nguồn để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt cho y tế cơ sở. Ngoài ra còn bố trí ngân sách địa phương và ngân sách trung ương cho việc đầu tư các dự án để sửa chữa, nâng cao và hiện đại hóa y tế cơ sở. Bộ sẽ tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về chính sách cho cán bộ y tế và phụ cấp y tế, ưu đãi nghề và bảo hiểm y tế để tiếp tục hoàn thiện.

Tiếp thu, giải trình nội dung đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan bày tỏ sự trân trọng cảm ơn của ngành y tế đối với sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ đã hỗ trợ cho ngành y tế trong thời gian vừa qua; bày tỏ sự tri ân đối với sự đóng góp của Nhân dân, cử tri cả nước đã luôn đồng hành cùng với Chính phủ, với ngành y tế trong trận tuyến chống dịch Covid-19.

Với ý kiến các đại biểu về việc chuyển từ bệnh nhóm A sang bệnh nhóm B đối với dịch Covid-19, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, ngày 5/5/2023, Tổ chức Y tế thế giới công bố dịch Covid-19 không còn tình trạng khẩn cấp y tế công cộng gây quan ngại toàn cầu nhưng đại dịch chưa kết thúc.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu giải trình 
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu giải trình 

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế cũng đang phối hợp cùng với các Bộ, ngành rà soát các quy định của pháp luật, tham khảo kinh nghiệm của các nước trên thế giới và rà soát các biện pháp thực tiễn triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam. Bộ Y tế đã chủ trì cùng với các Bộ, ngành xây dựng hồ sơ để chuyển phân loại bệnh từ bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sang bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B.

Để chuẩn bị cho việc công bố hết dịch Covid - 19, dự kiến vào cuối tuần này, Thủ tướng Chính phủ chủ trì Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid - 19 bàn thảo các cái nội dung liên quan đến nội dung này, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, hiện nay để giải quyết căn cơ việc thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị y tế thì Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành trình Quốc hội sửa đổi Luật Đấu thầu, Luật giá. Bộ Y tế đang hoàn thiện hồ sơ để trình Quốc hội trình Quốc hội sửa đổi Luật Dược, Luật Bảo hiểm y tế, Luật phòng bệnh…  Với các giải pháp tích cực, đến thời điểm này cơ bản giải quyết được tình trạng thiếu thuốc phục vụ khám bệnh, chữa bệnh.

Bộ Y tế mong muốn nhận được sự đồng hành để tháo gỡ vấn đề liên quan đến tâm lý sợ mua sắm, sợ đấu thầu bằng những chính sách, giải pháp mang tính chất pháp lý đầy đủ và căn cơ.