Hai đầu tàu kinh tế - Kết quả và tiềm năng hợp tác

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh có sứ mệnh không thể thay thế trong đời sống kinh tế-chính trị-xã hội của đất nước.

 Tiềm năng hợp tác từ hai đầu tàu kinh tế 

Thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh có sứ mệnh không thể thay thế trong đời sống kinh tế-chính trị-xã hội của đất nước. Sự hợp tác kinh tế giữa hai thành phố-đầu tầu kinh tế này dựa trên các thành tựu và nhu cầu phát triển kinh tế mỗi địa phương và vì sự phát triển chung cả nước; đồng thời, được khuyến khích bởi các chủ trương và cơ sở pháp lý cần thiết, cũng như sự chủ động nhận thức và chỉ đạo thực hiện của chính phủ và Thành ủy, chính quyền các cấp của mỗi địa phương. Điều này không chỉ do vị trí tự nhiên và sứ mệnh mà cả hai gánh vác, mà còn do những tiềm năng và kết quả phát triển kinh tế của mỗi địa phương.

 
TP. Hồ Chí Minh. Ảnh minh họa
TP. Hồ Chí Minh. Ảnh minh họa
Với tốc độ tăng GDP hàng năm cao hơn từ 1,5-1,7 lần tốc độ tăng trung bình cả nước, tổng số dân chiếm chưa tới 17% và  diện tích chỉ chiếm 1,6% cả nước, nhưng ‘hợp lực” của hai thành phố đã chiếm khoảng 1/3 tổng GDP, tổng vốn FDI, tổng kim ngạch xuất khẩu và tổng vốn đầu tư toàn xã hội; gần 50% tổng thu ngân sách và tổng số doanh nghiệp; khoảng 80% tổng giá trị và giao dịch tài chính, cũng như cán bộ khoa học đầu ngành và cán bộ khoa học có trình độ sau đại học của cả nước. Cả hai thành phố đều là trung tâm mạng lưới giao thông đồng bộ, đa dạng, hiện đại, thuận tiện kết nối trực tiếp với nhau và cả nước, thế giới. Trên địa bàn hai Thành phố có hội sở của nhiều công ty, doanh nghiệp và tập đoàn kinh tế mạnh trong nước và thế giới 

TP Hà Nội là hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và TP.HCM là hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Mỗi thành phố đều có tới 3 nghị quyết của Bộ Chính trị trực tiếp chỉ đạo về về phương hướng và nhiệm vụ phát triển, chưa kể Luật Thủ đô và Nghị quyết số 53/NQ-TƯ của Bộ Chính trị…Theo đó, cả hai đều có vai trò đô thị đặc biệt, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đóng góp ngày càng lớn với khu vực và cả nước; từng bước trở thành trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học – công nghệ của đất nước và khu vực Đông Nam Á; góp phần tích cực đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020

Những thành công mà mỗi địa phương đạt được đều có tầm vóc và sức lan tỏa và trở thành thành tựu, niềm vui, niềm tự hào chung của hai thành phố và nhân dân cả nước

Những kết quả và triển vọng hợp tác giữa hai đầu tầu kinh tế

Xác định được tiềm năng, vị thế của mình và trách nhiệm với cả nước, hai thành phố luôn có ý thức phát triển hợp tác song phương, đa phương với nhau và với các địa phương khác trong vùng và trên cả nước. 

Sự hợp tác giữa 2 thành phố đã và  đang diễn ra trong khuôn khổ hợp tác giữa các địa phương trong các vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và phía Nam; trong khuôn khổ giữa các thành phố cùng trực thuộc trung ương với nhau; cũng như hợp tác song phương trực tiếp giữa hai thành phố; ngày càng mở rộng cả về quy mô, đa dạng về kênh và hình thức, đồng bộ về lĩnh vực và nội dung hợp tác; diễn ra trên tinh thần phát huy tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương và trách nhiệm chung với cả nước, “vì cả nước, cùng cả nước”.  

Hà Nội đã chính thức ký kết hợp tác phát triển với khoảng 30 tỉnh, thành trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và lân cận, cũng như trên phạm vi cả nước. Đến nay, hầu hết các sở, ngành, đơn vị của Hà Nội đã có kế hoạch hợp tác cụ thể với các tỉnh, thành phố trong khu vực và với TP.Hồ Chí Minh theo chức năng và trách nhiệm quản lý nhà nước, phù hợp với lĩnh vực và các nội dung cam kết, trong đó nổi bật là hợp tác về trao đổi thông tin và kinh nghiệm trong lập các quy hoạch chuyên ngành, phát triển và quản lý đô thị, quản lý sử dụng đất và quản lý doanh nghiệp; xúc tiến đầu tư nước ngoài và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư, mở đại lý bán hàng, đặt văn phòng đại diện, tham gia hội chợ, trưng bày sản phẩm tại Phòng trưng bày và giới thiệu sản phẩm; quảng bá, khai thác và thực hiện các tour du lịch liên tỉnh, nối tour du lịch đảm bảo an toàn, thuận lợi; giảm thiểu ô nhiễm môi trường lưu vực các con sông, các làng nghề, khu-cụm công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp; quản lý nhà nước hoạt động văn hóa thông tin, thực hiện nếp sống văn minh và tổ chức hoạt động lễ hội; chữa trị cai nghiện, giáo dục học nghề; xây dựng và triển khai kế hoạch phối hợp thực hiện công tác quản lý an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; đấu tranh phòng, chống tội phạm như mua bán, vận chuyển ma túy; buôn bán, vận chuyên hàng nhập lậu; tội phạm hình sự và tệ nạn xã hội...

Cuối tháng 11/2014, Hà Nội đã kết nối với hơn 40 tỉnh, TP trên cả nước trong “Chương trình quảng bá thương hiệu đặc sản vùng, miền tại Hà Nội 2014” quy mô 120 gian hàng của trên 100 DN, để giới thiệu và quảng bá các đặc sản vùng, miền, qua đó thực hiện việc kết nối cung- cầu, tạo sự liên kết vững chắc giữa “Nhà sản xuất- Nhà phân phối- Người tiêu dùng”. Năm 2015, Hà Nội sẽ tổ chức giao thương tại 5 vùng kinh tế trọng điểm trên cả nước và đón đoàn của các tỉnh, thành phố về giao thương tại Hà Nội. Hà Nội dự định sẽ tổ chức thường niên các hoạt động này, nhằm quảng bá, bảo tồn, phát triển nét văn hóa truyền thống mang đặc trưng của các vùng, miền trên cả nước và đẩy mạnh việc tìm đầu ra cho sản phẩm, hướng tới xuất khẩu. Hà Nội đã ký văn bản hợp tác du lịch với khoảng 20 tỉnh thành, phối hợp với các ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch của các địa phương trọng điểm về du lịch trong cả nước để khảo sát, trao đổi học tập kinh nghiệm và hợp tác phát triển du lịch, tham gia các lễ hội, hội chợ, liên hoan du lịch ở một số địa phương trong nước, tham gia sự kiện du lịch ở hơn 30 tỉnh thành trong cả nước như: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Phú Thọ, Điện Biên, Huế, Đà Nẵng, Đà Lạt, thành phố Hồ Chí Minh…; 

Tuy nhiên, những kết quả đạt được mới là bước đầu, chủ yếu là trao đổi thông tin, kinh nghiệm, giao lưu, ký kết văn bản ở cấp sở, ngành hoặc đang ở bước nghiên cứu xây dựng các chương trình dự án cụ thể. 

Trong giai đoạn tới, sự hợp tác giữa hai thành phố cần triển khai toàn diện trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, xây dựng Ðảng, an ninh quốc phòng, hợp tác với các tỉnh, thành phố trong cả nước và với các thủ đô, thành  phố lớn trên thế giới… Đặc biệt, cần tập trung vào hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế và quản lý đô thị; trao đổi kinh nghiệm tái cơ cấu, hướng tới mô hình tăng trưởng dựa trên nâng cao năng suất lao động, chất lượng và sức cạnh tranh, đẩy mạnh nghiên cứu và triển khai, tăng hàm lượng khoa học - công nghệ và tỉ trọng giá trị nội địa, xây dựng các cụm liên kết sản xuất, tạo điều kiện phát triển công nghiệp hỗ trợ;  phát triển các nhóm ngành dịch vụ chất lượng cao, trình độ cao; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư và phát triển hợp tác về kinh tế đối ngoại; nghiên cứu, đề xuất các thể chế tăng cường phát triển kinh tế vùng và liên kết vùng; xúc tiến thương mại và đầu tư; phát triển “chuỗi” sản xuất và thương mại; xây dựng hệ thống thông tin và  tham vấn giữa các nhà lãnh đạo, nhà quản lý, nhà khoa học, các doanh nghiệp và nhà đầu tư; tổ chức hội thảo, hội nghị bàn về các vấn đề chiến lược phát triển cả Vùng và từng tỉnh, Thành phố; Tăng sức thu hút và động lực lan tỏa, thể hiện rõ vai trò trung tâm thúc đẩy sự phát triển của kinh tế cho cả vùng kinh tế trọng điểm và cả nước…