Theo đó, dự án tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh khi chạy qua địa bàn tỉnh, để bảo đảm không chồng lấn với khu công nghiệp, giảm đất xen kẹp, tránh lãng phí đất đai, hạn chế ảnh hưởng đến tính liên kết hạ tầng giao thông trong khu công nghiệp, tăng hiệu quả, tránh lãng phí.
Đối với đoạn tuyến từ Hưng Yên đi qua Quốc lộ 38 (là khu tránh dân cư Đông Giao thuộc huyện Cẩm Giàng), vượt khu công nghiệp Cẩm Điền - Lương Điền, vượt Quốc lộ 5 và sông Sặt, đi vào trục quy hoạch đường sắt qua khu công nghiệp Phúc Điền mở rộng, đến vị trí đặt ga Bình Giang. Ra khỏi ga Bình Giang, tuyến đi về hướng đông nam qua đường tỉnh 395, 394 qua sông Đình Đào tới địa phận xã Yết Kiêu (huyện Gia Lộc) và đến ga Hải Dương Nam.
UBND tỉnh Hải Dương đề nghị Ban Quản lý dự án đường sắt nghiên cứu lại phương án trắc dọc tuyến đi trên mặt đất đoạn qua khu công nghiệp Phúc Điền mở rộng và phương án hoàn trả cầu vượt và bố trí đường gom đường sắt cho khu công nghiệp này, bảo đảm an toàn cho tuyến đường sắt khi đưa vào vận hành, sử dụng.
Dự án đi qua tỉnh Hải Dương sẽ được quy hoạch 3 ga. Ga Bình Giang thuộc địa phận xã Hùng Thắng, là ga hỗn hợp tác nghiệp hành khách và hàng hóa, quy mô 6 đường đón tiễn; 1 đường xếp dỡ, diện tích khoảng 10,5ha. Dự kiến trong tương lai đề nghị xây dựng thành ga liên vận quốc tế.
Ga Hải Dương Nam quy hoạch tại thị trấn Gia Lộc, phía nam thôn Chằm, xã Yết Kiêu, phía bắc đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và đường vành đai II TP Hải Dương là ga hỗn hợp tác nghiệp hành khách và hàng hóa. Quy mô 7 đường đón tiễn, 2 đường xếp dỡ, diện tích khoảng 10,5ha.
Ga Tứ Kỳ ở xã Chí Minh, là ga kỹ thuật nhường tránh. Quy mô 3 đường đón tiễn, diện tích khoảng 5,3ha. Trong tương lai, khi tuyến đường sắt hoàn thiện đường đôi, xem xét chuyển đổi thành ga hàng hóa.
Vì vậy, UBND tỉnh Hải Dương đề nghị Ban Quản lý dự án đường sắt chỉnh tuyến đường sắt bảo đảm không chồng lấn với ranh giới khu công nghiệp Hoàng Diệu, huyện Gia Lộc.
Tính toán, thiết kế đầu tư xây dựng các tuyến đường bộ kết nối với các ga vào trong dự án, nhất là các tuyến đường bộ từ khu kinh tế chuyên biệt tỉnh Hải Dương kết nối với các ga, để phát huy hiệu quả khai thác đồng bộ, phát triển vận tải đa phương thức.
Dự án tuyến đường sắt có đoạn qua Hải Dương dài khoảng 41km, đi qua 5 huyện gồm Tứ Kỳ (khoảng 11,2km), Gia Lộc (khoảng 10,5km), Bình Giang (khoảng 9,3km), Thanh Hà (khoảng 7,9km), Cẩm Giàng (khoảng 2,6km).
Đây là dự án có điểm đầu tại vị trí nối ray với đường sắt Trung Quốc thuộc TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai; điểm cuối tại cảng Lạch Huyện, TP Hải Phòng.
Chiều dài tuyến khoảng 417km (trong đó chính tuyến dài khoảng 396,67km, có 2 nhánh kết nối với cảng Nam Đồ Sơn và cảng Đình Vũ dài khoảng 20,33km). Tuyến đi qua địa phận 9 tỉnh, TP bao gồm: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng
Tổng mức đầu tư dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng dự kiến 11,6 tỷ USD. Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án sẽ được xác định trong báo cáo cuối kỳ bước lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án.
Dự án dự kiến phân kỳ đầu tư thành 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 đầu tư đường đơn và xây dựng các công trình trên tuyến, GPMB toàn bộ, sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 8,57 tỷ USD. Giai đoạn 2 xây dựng hoàn chỉnh đường đôi và xây dựng các công trình trên tuyến theo quy hoạch.