Hải Dương: Sản lượng cà rốt vụ Đông 2022 - 2023 ước đạt trên 63.000 tấn

Hải Yến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vụ Đông năm nay, năng suất cà rốt tại Hải Dương bình quân ước đạt 495,8 tạ/ha, sản lượng ước đạt trên 63.000 tấn, cao hơn năm trước khoảng 3.000 tấn.

Năm nay, toàn tỉnh Hải Dương gieo trồng được 1.272 ha cà rốt, tập trung chủ yếu tại huyện Cẩm Giàng (530ha), Nam Sách (432ha), thị xã Chí Linh (209) ha, còn lại một số ít được trồng rải rác ở các bãi sông thuộc địa phận huyện thanh Hà, Ninh Giang, Tứ Kỳ, Thanh Miện và TP Hải Dương.

Thời gian trồng cà rốt tập trung từ tháng 9 - 10 và cho thu hoạch từ trung tuần tháng 1 đến tháng 4 năm sau (tập trung thu trong tháng 2, tháng 3). Sản phẩm cà rốt của Hải Dương hầu hết được sản xuất theo quy trình an toàn VietGAP.  Riêng cà rốt của huyện Cẩm Giàng đã được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể.

Các công nhân sơ chế để đóng gói xuất khẩu cà rốt. Ảnh Hải Yến
Các công nhân sơ chế để đóng gói xuất khẩu cà rốt. Ảnh Hải Yến

Vụ Đông năm nay, năng suất cà rốt bình quân ước đạt 495,8 tạ/ha, sản lượng trên 63.000 tấn, cao hơn năm trước khoảng 3.000 tấn. Hiện nay cây cà rốt đã thu được gần 600ha (đạt khoảng 45% diện tích). Về tiêu thụ dự kiến, gần 90% sản lượng cà rốt được sơ chế, bảo quản lạnh để xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Malaysia và các nước Trung Đông, 10% còn lại được tiêu thụ ở trong nước dưới dạng củ tươi, một phần nhỏ sấy khô cung cấp cho chế biến thực phẩm.

Hiện, trên địa bàn tỉnh có 17 cơ sở sơ chế, chế biến cà rốt, chủ yếu là cơ sở sơ chế, bảo quản lạnh để phục vụ xuất khẩu như: Công ty Cổ phần Ameii Việt Nam, Công ty TNHH Hưng Việt, Công ty TNHH Tân Hương, Hợp tác xã Đức Chính, Hợp tác xã Tân Minh Đức...

Để đảm bảo chất lượng sản phẩm, cà rốt sau khi thu hoạch ở ruộng về sẽ được rửa sạch, đưa qua hệ thống sục khí ozon, nước lạnh và chạy qua hệ thống băng truyền để công nhân phân loại theo các kích cỡ (size) khác nhau. Sau phân loại, sản phẩm củ cà rốt sẽ được đóng trong các thùng catton theo quy cách 4 kg/thùng, 4,5 kg/thùng, 10 kg/thùng (tùy theo thị trường nhập khẩu) và chuyển vào kho lạnh để bảo quản đảm bảo đủ độ lạnh. Sau đó cà rốt được xếp vào container lạnh để xuất khẩu hoặc cũng có thể đóng trong túi nilon trước khi đưa vào kho lạnh để bảo quản.

Xác định cây cà rốt vẫn là cây trồng chính, mang lại thu nhập cao cho bà con nông dân, cuối năm 2022, khi Hàn Quốc đưa ra cảnh báo về tuyến trùng gây hại trên các loại cây trồng có củ nhập khẩu vào nước này, Sở NN&PTNT Hải Dương đã kiểm tra, đánh giá và khẳng định, cà rốt trồng tại Hải Dương không nhiễm sâu bệnh, báo cáo Bộ NN&PTNT để có đàm phán với phía Hàn Quốc và có các biện pháp giữ ổn định lượng hàng, cam kết nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu sang thị trường nước này.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hải Dương Lương Thị Kiểm thông tin, toàn tỉnh đang bước vào chính vụ thu hoạch cà rốt. Để đảm bảo chất lượng sản phẩm, ngành nông nghiệp đã chỉ đạo các đơn vị chức năng làm tốt công tác cấp mã số vùng trồng, kiểm soát về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và phòng chống các loại côn trùng gây hại; yêu cầu các doanh nghiệp khi thu mua, phân loại, đóng gói phải đảm bảo chất lượng thương hiệu cà rốt Hải Dương, nhất là đối với các lô hàng xuất khẩu