Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hài hòa lợi ích doanh nghiệp - người lao động

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Như báo Kinh tế & Đô thị online đã đăng bài ngày 7/8, Hội đồng Tiền lương Quốc...

Kinhtedothi - Như báo Kinh tế & Đô thị online đã đăng bài ngày 7/8, Hội đồng Tiền lương Quốc gia hôm 6/8 đã chốt phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2015 (tăng từ 300 - 400 ngàn đồng) để trình Chính phủ xem xét, quyết định. Xung quanh phương án được coi là "có tính trung hòa giữa đề xuất của các bên" này vẫn còn một số luồng ý kiến khác nhau. Để rộng đường dư luận, báo Kinh tế & Đô thị xin trích đăng ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý và người lao động.
Hài hòa lợi ích doanh nghiệp - người lao động - Ảnh 1

Ông Đặng Minh Thuần -Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội:

Chỉ đáp ứng được 75% nhu cầu sống tối thiểu

Có ý kiến cho rằng không nên đặt ra mức lương tối thiểu, mà để người lao động (NLĐ) và doanh nghiệp (DN) tự thỏa thuận theo cơ chế của thị trường lao động. Thực ra, đây đúng là một xu hướng cần tiệm cận, nhưng trong điều kiện hiện nay của thị trường lao động Việt Nam thì khó mà thực hiện được. Nguyên nhân là bởi nguồn cung lao động hiện đang vượt cầu, trong khi việc chấp hành quy định về pháp luật của người sử dụng lao động chưa nghiêm. Ví dụ, hiện trên địa bàn TP, số DN tham gia BHXH chiếm 30%, nhưng đã nợ khoảng 1.500 tỷ đồng BHXH. Đấy là những quy định bắt buộc mà DN còn không thực hiện. Trở lại vấn đề tiền lương, trong khi nguồn lao động cung vượt cầu như vậy, NLĐ khó có thể "ra giá" với người sử dụng được. Một vấn đề nữa, quy định của Luật Lao động sửa đổi là lương tối thiểu phải đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu, nhưng hiện còn chưa đạt được, nếu để tự thỏa thuận, chắc NLĐ khi đó còn có mức lương thấp hơn nữa. Đấy là một điều rất khó và Chính phủ phải đứng ra quy định mức lương tối thiểu và luôn khuyến khích DN trả cao hơn.

Cơ sở để đề xuất mức tăng lương tối thiểu ngoài bám vào mức sống tối thiểu, còn dựa vào tăng trưởng kinh tế hàng năm. Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đang được thảo luận cũng dự kiến là năm 2018, việc đóng BHXH sẽ dựa trên mức lương thực tế cộng các khoản thu nhập khác, do đó, cái đích của lộ trình tiền lương không thể lùi lại sau năm 2018 được. Đó là lý do Tổng LĐLĐ đặt ra mục tiêu lương tối thiểu mỗi năm tăng khoảng 19% và đảm bảo đến năm 2018 sẽ tiến đến "cái đích" là lương tối thiếu đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu. Theo khảo sát của Viện Công nhân Công đoàn, mức sống tối thiểu năm 2015 là khoảng 4,2 triệu đồng/tháng, nên mức tăng đã được chốt để trình Chính phủ chỉ đáp ứng được khoảng 75% và tôi nghĩ rằng, Chính phủ sẽ đồng ý với mức tăng này. Nhưng tôi hơi lo lắng khi năm nay không tăng được nhiều, những năm sau bắt buộc phải tăng nhiều hơn và nếu DN cứ kêu khó khăn, thì đến năm 2018 sẽ khó mà đạt lộ trình.
Hài hòa lợi ích doanh nghiệp - người lao động - Ảnh 2

Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam:
Tiền lương thực tế tăng 10% là hợp lý
Trong tình hình hiện nay, bất kỳ chính sách nào ảnh hưởng làm tăng chi phí đầu vào của DN cũng rất cần phải cân nhắc. Chính phủ cần có các biện pháp đồng bộ hỗ trợ DN để DN thực hiện được lộ trình tăng lương, giải quyết đời sống cho NLĐ nhưng cũng đồng thời nâng cao tay nghề, năng suất lao động... Điều cốt yếu nhất lúc này là cần có biện pháp để hỗ trợ DN nâng cao hiệu quả, nâng cao cạnh tranh. Trong lúc này, NLĐ và DN cần chia sẻ trách nhiệm, hy sinh một phần lợi ích để thúc đẩy đầu tư, sản xuất, đảm bảo NLĐ không bị mất việc làm.

Việc tăng lương là cần thiết nhưng quan trọng là phải căn cứ vào lạm phát, năng suất lao động. So với các nước, tiền lương ở Việt Nam vẫn tương đối thấp nên dần dần phải nâng cao để cải thiện đời sống cho NLĐ. Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã thống nhất đề xuất mức lương tối thiểu vùng năm 2015 sẽ tăng trung bình 15%. Như vậy, sau khi trừ đi lạm phát khoảng 5%, tiền lương thực tế tăng khoảng 10% là hợp lý. Sau 10 năm, lương của công nhân tăng gấp đôi và khi năng suất lao động tăng thì đương nhiên NLĐ phải được hưởng.
Hài hòa lợi ích doanh nghiệp - người lao động - Ảnh 3

Ông Đặng Như Lợi - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban các Vấn đề xã hội của Quốc hội:

Không nên quy định mức lương tối thiểu cho doanh nghiệp

Tăng lương vẫn là vấn đề cần đặt ra, nhưng theo tôi, phải đặt cho đúng. Lương là giá cả sức lao động trong thị trường thì phải để thị trường định đoạt. Việc quy định mức lương tối thiểu chung của xã hội để làm những chức năng khác chứ không phải làm chức năng của tiền lương. Còn để tránh tình trạng DN không trả lương đúng với giá trị sức lao động của NLĐ thì phải có sàn lương tối thiểu. Bởi trong một vùng, với các DN có điều kiện tổ chức công nghệ khác nhau, tổ chức lao động khác nhau, năng suất lao động khác nhau, chất lượng lao động, hiệu quả khác nhau, thậm chí hao phí lao động, giá trị lao động mang đến tương ứng với đó cũng khác nhau. Nếu quy định chung một mức lương cho một vùng như vậy cũng chưa chuẩn xác, bởi mức lương ấy sẽ áp dụng cho DN nào, đối tượng lao động nào? Tôi đã nhiều lần đưa ra quan điểm, Nhà nước không nên quy định mức lương tối thiểu cho DN. Vì dù có đưa ra một mức cố định, DN cũng sẽ tìm mọi cách để "lách". Có thể DN chỉ trả lương cho NLĐ cao hơn một chút so với quy định hoặc tăng lương nhưng lại cắt giảm các khoản phúc lợi khác, do đó, nói là tăng lương nhưng thực chất đời sống NLĐ không thay đổi.
Hài hòa lợi ích doanh nghiệp - người lao động - Ảnh 4

Chị Trần Thị Huyền (công nhân của Công ty TNHH Yamaha Motor Việt Nam,  KCN Nội Bài - Hà Nội):

Giá cả phải ổn định tăng lương mới có giá trị

Với một công nhân làm tại công ty từ 1 - 2 năm, cộng các khoản phụ cấp, thu nhập mới được khoảng trên 3 triệu đồng/tháng. Bản thân tôi đã làm tại Công ty 12 năm nhưng thu nhập mới được khoảng 4,41 triệu đồng/tháng. Mức lương này không đủ sống, trong khi nhiều khoản tiền phải chi trả như tiền thuê nhà, điện, nước… Cả hai vợ chồng phải gắng hết sức mình để đảm bảo hoàn thành định mức công việc ở Công ty và bắt buộc phải đăng ký làm thêm giờ để có thêm thu nhập từ các khoản: Chuyên cần, làm thêm giờ...

Cuộc sống anh chị em công nhân chúng tôi cực kỳ khó khăn. Nếu mức lương tối thiểu tăng lên 3,4 triệu đồng/tháng thì cuộc sống công nhân sẽ bớt khó khăn hơn. Việc tăng lương tối thiểu rất cần thiết với NLĐ, tuy nhiên, trước khi quy định mức lương tối thiểu thì các cơ quan Nhà nước cần tìm hiểu sát với thực tế mức thu nhập, chi tiêu của NLĐ để đưa ra được mức lương đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ. Đặc biệt, để giữ chân NLĐ và ổn định kinh doanh, ngoài việc tăng lương, Nhà nước cần có biện pháp bình ổn giá, chứ lương tăng lên chút ít, giá cả lại tăng vùn vụt, thì lương có tăng đến mấy cũng chẳng lợi ích gì với  những NLĐ như chúng tôi.