Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hài hòa lợi ích trong bài toán giành lại vỉa hè

Thạc sĩ Quản lý kinh tế Hoàng Thu Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều năm qua Hà Nội đã loay hoay với bài toán dẹp vi phạm lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh gây mất trật tự, ATGT, văn minh đô thị nhưng hiệu quả mang lại còn hạn chế.

 Đã đến lúc cần cách tiếp cận khác, vừa giữ gìn vừa khai thác để vỉa hè là nơi sinh lời, hài hòa lợi ích các bên mới có thể giữ gìn trật tự.

Lực lượng chức năng quận Đống Đa kiểm tra trật tự đô thị trên địa bàn. Ảnh: Hải Linh
Lực lượng chức năng quận Đống Đa kiểm tra trật tự đô thị trên địa bàn. Ảnh: Hải Linh

Đừng để khó cho tất cả

Nhiều năm qua Hà Nội phát triển đô thị với một tốc độ rất nhanh, thu hút dân cư từ khắp các địa phương trên cả nước đến làm ăn, sinh sống. TP hiện đã có hơn 8 triệu người đăng ký thường trú, ngoài ra còn hàng triệu lao động tự do chưa thể thống kê hết.

Một phần rất lớn trong số dân cư đô thị không có nghề nghiệp ổn định, sống dựa chủ yếu vào kinh doanh nhỏ lẻ, bán hàng rong, phục vụ tại các nhà hàng, quán xá… Để kiếm sống, những người này sẵn sàng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để làm ăn.

Họ thậm chí chấp nhận sự bấp bênh, mệt mỏi, vừa buôn bán, làm việc vừa thấp thỏm “canh” công an, thấy bóng lực lượng chức năng là bỏ chạy. Nhưng ngay khi có thể lại quay về bám trụ vỉa hè, lề đường để bán hàng tiếp. Lực lượng chức năng hằng ngày vẫn duy trì tuần tra, kiểm soát nhưng xử lý không xuể, cũng không có biện pháp hữu hiệu nào để dứt điểm vi phạm.

 

Vấn đề dẹp vỉa hè đã quá cũ và bàn đi bàn lại bao nhiêu lần, "quyết" đập cả bục rồi thu dọn vỉa hè nhưng đâu lại nguyên đó. Để có thể xử lý vi phạm vỉa hè, thì TP không chỉ cần có kế hoạch xử lý nghiêm vi phạm, mà cần có quy định về trách nhiệm cá nhân khi để vi phạm này tái diễn.

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - kiến trúc Hà Nội

Cùng với đó, nhiều nhà hàng, cơ sở kinh doanh, trông giữ phương tiện bám mặt đường cũng đua nhau lấn chiếm hè, đường, chấp nhận bị xử phạt vì nguồn lợi thu về rất lớn. Không ít trường hợp còn tận dụng các mối quan hệ xã hội để xin xỏ, gây khó khăn cho lực lượng chức năng.

Gặp quá nhiều khó khăn trong xử lý vi phạm trật tự đô thị, lại kiêm nhiệm nhiều công tác trong khi nhân sự có hạn, một bộ phận không nhỏ lực lượng chức năng có thể đã nảy sinh tâm lý chán nản, bỏ mặc vi phạm, thậm chí là bao che.

Mặt khác, người dân dù bức xúc với vi phạm lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh, trông giữ phương tiện… nhưng chính bản thân mỗi người lại góp phần tạo nên vi phạm khi giữ thói quen tùy tiện trong mua sắm, đi lại, ăn uống.

Có thời điểm như khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát trong hai năm 2020 - 2021, khi mọi hoạt động kinh buộc phải tạm ngừng, người dân không ra khỏi nhà, vỉa hè, lòng đường “sạch bong”, không có vi phạm.

Nhưng tình huống bất khả kháng đó cũng khiến kinh tế suy thoái, bộ phận không nhỏ người dân sống chật vật do không có công việc, thu nhập. Khi mọi thứ trở lại bình thường, vỉa hè, lòng đường lại ngay lập tức được lấp đầy bằng những hàng quán, bãi đỗ xe…

Cần nhìn nhận thẳng vào thực tế rằng, tất cả các tầng lớp xã hội, từ người dân, người kinh doanh, lực lượng chức năng đều chưa thực sự quyết liệt với vấn nạn xâm chiếm hè đường có phần do tham lợi, nhưng cũng có yếu tố khách quan do hoàn cảnh bắt buộc.

Trong bối cảnh đó việc cấm hẳn mọi hoạt động kinh doanh lấn chiếm hè đường trên toàn TP là điều bất khả thi. Dẫu có đòi hỏi, thúc ép lực lượng chức năng bao nhiêu đi chăng nữa, việc dẹp loạn vỉa hè cũng sẽ không bao giờ mang lại kết quả như mong muốn. Hà Nội cần một cách tiếp cận khác, coi vỉa hè là một khu vực kinh doanh, nếu sắp xếp, quản lý tốt vừa có thể thu lợi cho Nhà nước, người dân, vừa tạo nên một trật tự rõ rệt, lâu dài.

Vỉa hè trên đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa thông thoáng, sạch đẹp. Ảnh: Thanh Hải
Vỉa hè trên đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa thông thoáng, sạch đẹp. Ảnh: Thanh Hải

Cho thuê để kinh doanh, tại sao không?

Nếu mạnh dạn nhìn nhận vỉa hè tại Hà Nội như một khu vực đa chức năng, vừa có thể cho phép kinh doanh, vừa phải đảm bảo phục vụ người đi bộ, giữ gìn mỹ quan đô thị, có thể TP sẽ tìm ra một nhóm giải pháp tổng hòa cho nó.

Nhiều tuyến đường phố tại Hà Nội rất đẹp, vỉa hè rộng, đủ để vừa cho phép kinh doanh vừa phân chia không gian cho người đi bộ. Ngay chính các quy định của pháp luật cũng chỉ yêu cầu giữ lại tối thiểu 1,2m bề rộng vỉa hè giành cho người đi bộ. Với những tuyến phố có vỉa hè rộng cả chục mét, nên xem xét “lồng ghép” quán xá, hoặc bãi đỗ xe để tận dụng tối đa không gian, đem lại lợi ích cho số đông.

 

Vỉa hè Hà Nội và các đô thị lớn cần một kế hoạch tổng thể, không chỉ tuyên truyền, xử lý là xong. Dẹp lấn chiếm vỉa hè phải đồng bộ với các giải pháp kinh tế - xã hội khác như hỗ trợ sinh kế người dân, quản lý các khu chợ để giá thuê kiot không cao sẽ thu hút người dân vào buôn bán. Sau đó, là sự kiên trì, bền bỉ giám sát để không cho vi phạm tái diễn.

TS Nguyễn Xuân Thủy - chuyên gia giao thông

Mặt khác, hạ tầng giao thông tĩnh của Hà Nội quá chậm phát triển, hiện mới có chưa đến 1% quỹ đất xây dựng đô thị được dành làm bãi đỗ xe, đáp ứng khoảng 10% nhu cầu. 90% lượng xe còn lại đỗ lang thang tại các điểm không được cấp phép, sinh lời cho tư nhân trong khi TP phải chịu chi phí duy tu, duy trì đường sá, vỉa hè. Vì sao không xây dựng một kế hoạch bài bản, tận dụng mọi không gian có thể, kể cả trong ngắn hạn để tổ chức trông giữ xe, tăng thu ngân sách, lấy nguồn tái đầu tư vào hạ tầng?

Vỉa hè, lề đường còn có một vai trò rất quan trọng đối với mục tiêu phát triển kinh tế đêm của Hà Nội, kích cầu du lịch. Nếu cấm tất cả hàng quán trên vỉa hè, thì ví dụ như khu vực phố cổ (quận Hoàn Kiếm) Hà Nội, sẽ rất khó khăn trong đáp ứng nhu cầu ăn uống, mua sắm của du khách. Khu vực này ban đêm vẫn rất nhộn nhịp khách du lịch, liệu có thể nới lỏng quy định cấm kinh doanh buôn bán trên vỉa hè theo giờ, để tạo điều kiện cho cả người dân lẫn du khách(?).

Vừa qua, quận Hoàn Kiếm đã thí điểm cho thuê vỉa hè để kinh doanh buôn bán tại một số tuyến phố, tuy nhiên hiệu quả mang lại chưa rõ rệt. Việc cho thuê vỉa hè nếu chỉ tập trung hướng đến các đối tượng là DN lớn sẽ bất công với người dân và dễ nảy sinh tình trạng xẻ thịt vỉa hè cho thuê lại, gây khó khăn cho công tác quản lý.

Hà Nội cần làm tốt ba vấn đề để có thể cho thuê vỉa hè kinh doanh. Thứ nhất là có quy hoạch rõ ràng, khu vực nào được kết hợp thương mại với giao thông, khu vực nào tuyệt đối không được kinh doanh, buôn bán. Thứ hai là UBND các phường, quận nên đứng ra làm người cho thuê, dù là DN lớn hay hộ kinh doanh nhỏ lẻ, nếu đáp ứng yêu cầu về trật tự, văn minh đô thị, vệ sinh môi trường đều có thể được thuê, tránh hiện tượng “lợi ích nhóm”.

Thứ ba, có chế tài, quy định riêng, đặc biệt là mức thuế riêng cho hoạt động kinh doanh trên vỉa hè, cao hơn các loại hình khác, tăng thêm nguồn thu cho ngân sách để tái đầu tư vào hạ tầng.

Vỉa hè của Hà Nội hiện nay cũng như một “mỏ vàng” bốn xung quanh trống trải. Càng cấm đoán, giữ gìn càng có nhiều người lăm le tranh đoạt, khó bảo vệ, dễ phát sinh tiêu cực, lợi vào túi tư nhân, thiệt hại TP chịu. Càng cố gò ép vỉa hè vào một trật tự đô thị cứng nhắc sẽ càng gây mệt mỏi và tiêu cực kéo dài. Chính quyền Thủ đô cần cách tiếp cận mới, không nên coi vỉa hè là nơi cần bảo vệ tuyệt đối nữa, mà hãy coi nó như một khu vực đa chức năng, có tiềm năng để khai thác và sinh lời.

 

Ban Chỉ đạo 197 TP Hà Nội ban hành Kế hoạch số 01/KH-BCD197 Tổng kiểm tra, xử lý, giải quyết vi phạm về trật tự ATGT, trật tự đô thị, trật tự công cộng trên địa bàn TP Hà Nội năm 2023 với mục tiêu "Giành lại vỉa hè phong quang, sạch đẹp cho người đi bộ". Kế hoạch được duy trì từ ngày 1/3 đến 1/11 theo hình thức kiểm tra đột xuất trên toàn địa bàn TP.