Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hai người phụ nữ có ảnh hưởng lớn đến cuộc đời của Bác

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cụ Hoàng Thị Loan, mẹ Hồ Chủ tịch mất và mai táng tại Huế. Trong lúc Nguyễn Ái Quốc nặng gánh nước non, bôn ba hải ngoại, bà Nguyễn Thị Thanh, chị gái cả đã thay các em đưa hài cốt mẹ về quê làng Kim Liên (Nam Đàn, Nghệ An) của mình.

Hành trình đưa di cốt mẹ về quê là một hành trình gian khổ của người con chí hiếu Nguyễn Thị Thanh, người được suy tôn Bạch Liên nữ sĩ…  Chắc chắn hình ảnh mẹ và chị đã giúp Hồ Chí Minh viết lên bản tuyên ngôn vĩ đại, Bản Tuyên ngôn đầu tiên và duy nhất đến được với những người phụ nữ.

Hình ảnh mẹ thôi thúc con đường cách mạng của Người

Năm 1895, gia đình Bác Hồ vào sống tại Huế. Năm 1900, bà Hoàng Thị Loan sinh thêm người con trai út, đặt tên là Nguyễn Sinh Xin. Từ khi sinh thêm cậu Xin, cuộc sống quá chật vật, vất vả, kham khổ, bà ốm đau luôn. Trước đó ít lâu, ông Nguyễn Sinh Sắc lại được triều đình cử đi tham gia tổ chức kỳ thi Hương khoa Canh Tý ở Thanh Hoá. Người con trai lớn là Nguyễn Sinh Khiêm cũng được đi Thanh Hoá để giúp đỡ ông Sắc trong sinh hoạt hàng ngày. Ở Huế, còn lại mình cậu Nguyễn Sinh Cung mới 10 tuổi đã phải lo liệu mọi việc, khi bà Loan phải nuôi em Xin mới sinh, rồi bị ốm phải nằm trên giường bệnh, rồi qua đời đột ngột ngày 10 tháng 2 năm 1901 (tức ngày 22 tháng Chạp năm Canh Tý).
Đồng chí Trần Đăng Ninh (thứ 2 từ phải sang), đặc phái viên của Hồ Chủ tịch trong chuyến công tác Liên khu 4 những năm đầu kháng chiến chống Pháp, được Bác giao về thăm bà Nguyễn Thị Thanh (thứ 2 từ trái sang) tại Làng Sen. Ảnh tư liệu nhà văn Sơn Tùng.
Đồng chí Trần Đăng Ninh (thứ 2 từ phải sang), đặc phái viên của Hồ Chủ tịch trong chuyến công tác Liên khu 4 những năm đầu kháng chiến chống Pháp, được Bác giao về thăm bà Nguyễn Thị Thanh (thứ 2 từ trái sang) tại Làng Sen. Ảnh tư liệu nhà văn Sơn Tùng.
Cụ Hoàng Thị Loan từ giã cõi đời khi vừa kết thúc tuổi 32, sắp sửa bước sang tuổi 33, khi ông Nguyễn Sinh Sắc, Nguyễn Thị Thanh, Nguyễn Sinh Khiêm đang đi xa, ở kinh đô Huế chỉ còn lại Nguyễn Sinh Cung 10 tuổi, Nguyễn Sinh Xin vừa chào đời được vài tháng, thời điểm chỉ còn có 8 ngày thì đến giao thừa tết Tân Sửu (1901). Nguyễn Sinh Cung bế em Xin đón Tết trong cảnh tang tóc… mất mẹ, vắng cha, vắng cả anh chị. Thi hài của cụ Hoàng Thị Loan, được bà con lao động trong phố Đông Ba táng ở núi Tam Tầng, thuộc dãy núi Ngự Bình, bên hữu ngạn dòng sông Hương thơ mộng của kinh thành Huế.

Hình ảnh bà Hoàng Thị Loan, người mẹ, người phụ nữ bất hạnh này đã khắc sâu trong tâm khảm của Nguyễn Sinh Cung. Sau này trên con đường đấu tranh cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành cả tâm huyết để giải phóng phụ nữ, giải phóng cho những người có nhiều thiệt thòi trong cuộc sống đời thường.

Đưa mẹ về với quê nhà

Cũng trong thời điểm này, ở quê hương Kim Liên, người con gái đầu lòng của bà Hoàng Thị Loan là Nguyễn Thị Thanh (1884 - 1954), được nhân dân tôn vinh là Bạch Liên nữ sĩ, đã hoạt động tích cực chống Pháp dưới ngọn cờ yêu nước của chí sĩ Phan Bội Châu. Ngày 5/ 2/1918 Nguyễn Thị Thanh cùng Nguyễn Kiên tổ chức lấy trộm súng trong doanh trại của lữ đoàn lính khố xanh đóng tại thành Vinh. Bị địch phát giác nên bà Nguyễn Thị Thanh bị chúng nhốt vào nhà tù tra tấn dã man.

Ngày 4/6/1918, thực dân Pháp chỉ thị cho bọn phong kiến Nam Triều mở phiên tòa số 80 - 1918 xử phạt Nguyễn Thị Thanh bị đánh đòn 100 trượng và 9 năm khổ sai.

Ngày 2/12/1918, chúng đày Nguyễn Thị Thanh vào giam tại nhà lao Quảng Ngãi. Án sát tỉnh Quảng Ngãi lúc đó là Phạm Bá Phổ có người vợ bị bệnh tắc sữa, không cho con bú được. Nhiều thầy thuốc trong vùng ra sức cứu chữa nhưng không khỏi. Thương người phụ nữ bị bệnh hoạn như vậy, bà Nguyễn Thị Thanh đã dùng phương thuốc nam của mình chữa cho, ít ngày sau bệnh khỏi, dòng sữa con bú được phục hồi. Từ đó Phạm Bá Phổ rất kính nể bà Nguyễn Thị Thanh. Phạm Bá Phổ đã xin đưa bà Thanh về nhà riêng làm hành dịch và dạy cho con cái học.

Năm 1922, Phạm Bá Phổ được thăng làm tham tri bộ hình. Phạm Bá Phổ ra kinh đô Huế cũng đưa Nguyễn Thị Thanh ra Huế luôn. Để người mẹ kính yêu phải nằm lại một mình ở kinh thành Huế xa cách quê hương Kim Liên gần 400km, lòng day dứt khôn nguôi nên  khi ra kinh đô Huế được ít lâu, bà Thanh yêu cầu Phạm Bá Phổ để cho cô tách khỏi nhà riêng của y và chịu sự quản lý của bọn thống trị ở Huế theo chế độ tù an trí.

Khi được chuyển sang chế độ an trí, bà Nguyễn Thị Thanh tìm cơ hội cùng với mấy người bạn gái thân thiết đã bí mật lấy hài cốt cụ Hoàng Thị Loan, dùng nước thơm rửa sạch gói vào tấm lụa quý, cho vào một cái túi đẹp giống như hành lý của người khách đi đường rồi đi bộ theo đường Thiên Lý, hơn hai tuần lễ mới về đến quê hương Kim Liên. Trí tuệ minh mẫn và dũng khí mãnh liệt của người con chí hiếu đối với mẹ đã giúp cho cuộc hành trình đầy mạo hiểm của bà Nguyễn Thị Thanh không hề gặp cản trở, khó khăn gì. Đưa một bộ hài cốt đi xa như vậy khi đang bị mang án quản thúc, không được phép rời Huế là một hành trình hiểm nguy cho bà Nguyễn Thị Thanh. Sau đó, hài cốt cụ Hoàng Thị Loan được yên vị trong khu vườn nhà cụ Nguyễn Sinh Sắc tại làng Kim Liên.

Năm 1942, hài cốt của cụ Hoàng Thị Loan lại được ông Nguyễn Sinh Khiêm đưa lên cải táng tại ngọn núi Động Tranh Thấp trong dãy Đại Huệ, Nam Đàn. Năm 1984, để bày tỏ tấm lòng biết ơn sâu sắc đối với người đã có công sinh thành và dưỡng dục Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Nghệ Tĩnh (cũ) và lực lượng vũ trang QK4 thay mặt cho đồng bào và chiến sỹ cả nước đã xây dựng khu mộ của cụ Hoàng Thị Loan khang trang và đẹp đẽ.

Đến cuối đời, bà Thanh vẫn giữ bên mình chiếc bình vôi của mẹ. Bà kể “Ông bình vôi này là vật thiêng của mẹ o để lại. Năm 1922, sau lúc o được ra tù, o đã đi vào Huế, bí mật đưa hài cốt mẹ o về Nam Đàn. Khi mẹ o qua đời, o không có mặt để chịu tang, chỉ có mình cậu Thành và em út. Nay khi bốc mộ mẹ, o mới biết ngày chôn cất mẹ o, bà con ở thành nội đã chôn theo chiếc bình vôi mà thường ngày mẹ o lấy vôi để ăn trầu. Nay cải táng, bác Cả Khiêm lo việc phần mộ, o xin giữ lại chiếc bình vôi này để o đỡ nhớ mẹ, bõ những ngày không được ở bên mẹ o. Cháu biết không, khi mẹ o ở Huế, cha mẹ o để o phải về Nam Đàn chăm sóc ông bà ngoại. O xa mẹ, o nhớ lắm cháu ơi! Ai không được gần mẹ, thiệt thòi lắm cháu ơi!". (Nhà văn Sơn Tùng).