Dẫn nước từ sông Hồng
Liên quan đến việc “hồi sinh” sông Tô Lịch, các đơn vị chức năng vừa tiếp tục kiến nghị TP cho phép dẫn nước sông Hồng vào bổ cập nước cho sông Tô Lịch. Theo nhiều chuyên gia, đề xuất này không mới nhưng là việc làm cần thiết để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại dòng sông mang nhiều giá trị này. Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cấp thoát nước và Môi trường GS.TS Trần Đức Hạ cho rằng, dẫn nước sông Hồng để bổ cập, từ đó cải thiện chất lượng nước sông Tô Lịch là biện pháp hợp lý kết hợp với việc thu gom toàn bộ nước thải để xử lý mà TP Hà Nội đang triển khai. “Đã là sông phải có dòng chảy và biện pháp dẫn nước sông Hồng vào bổ cập cho sông Tô Lịch là một trong những việc làm cần thiết” - GS.TS Trần Đức Hạ lý giải. Nhiều chuyên gia nhấn mạnh, việc dẫn nước sông Hồng vào sông Tô Lịch là rất cần thiết, đặc biệt khi Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá đi vào hoạt động. Theo lý giải của các chuyên gia, khi nhà máy hoàn thành, lượng nước thải từ các hộ dân dọc bờ sông sẽ chảy vào hệ thống cống gom, tức không còn chảy trực tiếp xuống sông. Như vậy, nếu không có nước bổ cập, chỉ trông chờ vào lượng nước tự nhiên thì sông Tô Lịch cũng chỉ là một cái ao tù, không có nhiều giá trị.Mỗi đề xuất có một giá trị riêngNhư đã nói, đề xuất dẫn nước sông Hồng vào bổ cập nước cho sông Tô Lịch không phải là đề xuất mới. Trước đó, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đã đề xuất phương án dẫn nước sông Hồng bổ cập cho sông Tô Lịch thông qua Hồ Tây. Theo phương án đề xuất, đơn vị sẽ xây dựng trạm bơm cố định sát mép nước sông Hồng, đặt tuyến ống dẫn nước từ trạm bơm đi qua ngõ 464 Âu Cơ, đê sông Hồng dẫn vào mương tiêu cạnh Công viên nước Hồ Tây; lọc nước qua bể lắng trước khi đưa nước vào Hồ Tây. Sau đó, dẫn nước từ Hồ Tây vào sông Tô Lịch thông qua các cửa điều tiết A và B để cải thiện tình trạng ô nhiễm, tạo dòng chảy cho dòng sông này.Theo Giám đốc Ban QLDA Đầu tư Xây dựng Công trình cấp nước, thoát nước và môi trường TP Hà Nội Nguyễn Văn Hùng, hiện nay TP đã có nhiều phương án, trong đó có phương án bổ cập nước sông Hồng cho sông Tô Lịch qua Hồ Tây. Tuy nhiên, qua khảo sát thực địa theo tuyến, các đơn vị liên quan đang báo cáo TP phương án bổ cập nước sông Hồng cho sông Tô Lịch qua cống Liên Mạc. Lý giải về việc lựa chọn phương án này, ông Nguyễn Văn Hùng cho rằng, hiện nay, trên hệ thống này, một số tuyến đã được xây dựng theo các quy hoạch chuyên ngành, nếu được TP phê duyệt thì phương án này sẽ đem lại rất nhiều lợi ích. Thứ nhất, là hợp quy hoạch. Thứ hai, là tiết kiệm thêm một dự án, Ban sẽ không phải lập thêm dự án mà sẽ dựa vào dự án thoát nước khu vực sông Tả Nhuệ để thực hiện thêm một số hạng mục để bổ cập nước cho sông Tô Lịch.Theo đánh giá của các chuyên gia thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Hà Nội, đây là những đề xuất có tính thiết thực cao nhằm cải thiện tình trạng ô nhiễm nguồn nước, tạo dòng chảy cho sông Tô Lịch. Đề xuất mà Ban QLDA Đầu tư Xây dựng Công trình cấp nước, thoát nước và môi trường TP Hà Nội tập trung chính vào sông Tô Lịch. Trong khi đó, đề xuất trước đó của Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội hướng đến 2 mục tiêu là cải thiện tình trạng ô nhiễm tại Hồ Tây và sông Tô Lịch. Do đó, rất khó để xác định biện pháp nào hiệu quả, kinh tế hơn, nó phải phụ thuộc vào cái đích hướng đến.
Việc bổ cập nước sông Hồng vào sông Tô Lịch đã được đưa vào quy hoạch thoát nước của Hà Nội, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cuối năm 2012. Bên cạnh đó, vào mùa khô, khi lượng mưa thấp, nếu không có nước bổ cập, sông Tô Lịch sẽ đứng trước nguy cơ chạm đáy và trở thành dòng sông chết. |