Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hải Phòng: Ban Quản lý Khu kinh tế - Động lực phát triển kinh tế vùng

Vĩnh Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều ngày 30/9, Ban Quản lý Khu kinh tế (KKT) Hải Phòng long trọng tổ chức kỷ niệm 30 năm thành lập (1993 – 2023).

Năm 1993, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Khu chế xuất Hải Phòng – 96 (sau này là KCN Đồ Sơn) và thành lập Ban Quản lý Khu chế xuất Hải Phòng tại Quyết định số 358/TTg ngày 15/7/1993 (là Ban Quản lý KKT Hải Phòng ngày nay) để thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với Khu chế xuất, KCN.

Ban Quản lý KKT Hải Phòng kỉ niệm 30 năm thành lập. Ảnh Vĩnh Quân
Ban Quản lý KKT Hải Phòng kỉ niệm 30 năm thành lập. Ảnh Vĩnh Quân

Sau 30 năm xây dựng và phát triển các KCN và 15 năm thu hút đầu tư tại KKT Đình Vũ – Cát Hải. Đến nay đã thành lập được 14 KCN với diện tích 6.080 ha, tỷ lệ lấp đầy đạt trên 61%; KKT Đình Vũ – Cát Hải với tổng diện tích 22.540 ha được đầu tư xây đồng bộ, phát triển các KCN, trung tâm thương mại và cảng biển, logictisc tầm cỡ quốc tế…

Đến nay TP Hải Phòng có 14 KCN với diện tích 6.080 ha. 
Đến nay TP Hải Phòng có 14 KCN với diện tích 6.080 ha. 

Thu hút được gần 800 dự án đầu tư vào KKT, các KCN trong đó, 503 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 25 tỷ USD, dự án trong nước đạt 13,2 tỷ USD, đưa Hải Phòng đứng thứ 6 cả nước, đứng thứ 2 miền Bắc về thu hút đầu tư. Đặc biệt từ năm 2020 đến nay, thu hút vốn đầu tư tăng mạnh, ước đạt trên 11 tỷ USD; 9 tháng/năm 2023 đã thu hút được gần 3 tỷ USD, vượt kế hoạch được giao cả năm.

Hiện nay, Hải Phòng là địa điểm được lựa chọn đầu tư hàng đầu của các tập đoàn lớn, đa quốc gia: Các nhà đầu tư Hàn Quốc đã đầu tư 8,7 tỷ USD, chiếm 41%; Nhật Bản 3,2 tỷ USD chiếm 15%; Hong Kong 2,6 tỷ USD chiếm 12%; Singapore 2,5 tỷ USD chiếm 12%. Trong đó có nhiều nhà đầu tư là các doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam và nằm trong Top 500 doanh nghiệp lớn nhất thế giới (Tập đoàn: Vingroup, SK, Chevron, JD, JFE, LG, GE, Sumitomo, AEON, Idemitsu, Tongwei).

Cảng biển, logictics là lợi thế của TP Hải Phòng.
Cảng biển, logictics là lợi thế của TP Hải Phòng.

Vốn giải ngân vào KKT, KCN liên tục tăng, chiếm vị trí quan trọng trong cơ cấu vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn TP, giai đoạn 1993-2003 đạt 6.439 tỷ đồng, chiếm 13,9%; giai đoạn 2004 - 2013 đạt 162.438 tỷ đồng, chiếm 48,7%; giai đoạn 2014 đến nay đạt 680.468 tỷ đồng, chiếm 43,3% tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn TP.

Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2022 đã đạt 683 nghìn tỷ đồng, chiếm 82% giá trị sản xuất công nghiệp của TP gấp khoảng 19 lần giá trị sản xuất công nghiệp năm 2013, gấp khoảng 81 lần so giá trị sản xuất công nghiệp năm 2003; duy trì tốc độ tăng trên 15%.

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu năm 2022 đạt khoảng 47 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 25 tỷ USD chiếm 95,2% kim ngạch xuất, nhập khẩu của TP, đứng thứ 5 cả nước, đứng thứ 2 vùng đồng bằng sông Hồng, gấp 22,35 lần so với giá trị xuất khẩu năm 2013.

Các DN trong KKT, KCN đã nộp ngân sách liên tục tăng, năm 2022 đạt 17.842 tỷ đồng, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội.

Từng bước phát triển KKT, KCN công nghệ cao, logictics, cảng biển, công nghiệp đô thị: KCN Tràng Duệ trở thành trung tâm sản xuất điện tử; KCN Hải Phòng - Nhật Bản (Nomura) trở thành trung tâm công nghiệp chế tạo; ngoài ra, phát triển công nghiệp, đô thị hiện đại Vsip, Khu đô thị Kinh Bắc; dẫn chuyển sang mô hình công nghiệp sinh thái KCN Nam Cầu Kiền, KCN Deep C; công nghiệp gắn với cảng biển và khu phi thuế quan tại các khu công nghiệp cảng biển Deep C3, Xuân Cầu; Cảng quốc tế Lạch Huyện xếp thứ 28/100 cảng biển lớn của thế giới, đón tàu có trọng tải 200.000 nghìn tấn, các nhà đầu tư đang khẩn trương đầu tư các bến 3, 4, 5, 6, 7, 8, phần lớn sẽ khai thác vào năm 2025.

Tạo việc làm ổn định cho khoảng gần 200.000 lao động trực tiếp (chiếm 2/3 tổng số lao động toàn TP), thu nhập khoảng 10,2 triệu đồng/tháng, gấp 1,46 lần so mức thu nhập bình quân cả nước.

Đầu tư các thiết chế công đoàn, luôn luôn nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho công nhân, trong KKT đã xây dựng 2 khu nhà ở cho công nhân, tạo chỗ ở cho khoảng gần 5.000 chuyên gia, công nhân, dự kiến đến năm 2025 hoàn thành thêm 2 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân với gần 8.000 căn, đáp ứng khoảng 26.000 chỗ ở.

Ông Lê Trung Kiên – Trưởng ban Ban Quản lý KKT Hải Phòng phát biểu tại Lễ kỉ niệm. Ảnh Vĩnh Quân
Ông Lê Trung Kiên – Trưởng ban Ban Quản lý KKT Hải Phòng phát biểu tại Lễ kỉ niệm. Ảnh Vĩnh Quân

Phát biểu tại Lễ kỉ niệm, ông Lê Trung Kiên – Trưởng ban Ban Quản lý KKT Hải Phòng cho biết: “Sau 30 năm xây dựng và phát triển, đến nay các KKT, KCN tạo lực đẩy phát triển kinh tế - xã hội của TP; là động lực phát triển vùng Bắc Bộ; cơ bản hoàn thành trách nhiệm đặt nền móng đầu tiên cho cho thu hút FDI, giải quyết việc làm, thúc đẩy xuất khẩu, đô thị hóa đặc biệt, đã dần hình thành các khu đô thị công nghiệp hướng biển; trung tâm công nghiệp công nghệ cao; xây dựng hệ thống cảng biển, logictisc tầm cỡ quốc tế. Ban Quản lý KKT Hải Phòng tiếp tục đổi mới trong xây dựng, phát triển và quản lý KKT, các KCN hiện có và tập trung trí, lực để phát triển các KCN đã được quy hoạch, đặc biệt xây dựng thành công KKT Nam Hải Phòng. Tiếp tục thu hút đầu tư theo hướng công nghệ cao, công nghiệp xanh, tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu; áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn; tập trung thu hút tập đoàn, nhà đầu tư lớn của Mỹ và các nước Châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản”...

Trong thời gian tới, KKT tiếp tục xây dựng mới các KCN theo các mô hình KCN chuyên ngành như sản xuất chất bán dẫn, chíp, cơ khí chế tạo, điện điện tử, các dự án sử dụng năng lượng tái tạo…gắn với chuyển đổi số, xây dựng mô hình KCN sinh thái, bền vững với môi trường gắn với kinh tế tuần hoàn trong KCN.

Phấn đấu đến năm 2025, xây dựng được KKT Nam Hải Phòng mở rộng không gian phát triển; hoàn thành từ 10-12 bến thuộc Cảng quốc tế Lạch Huyện; xây dựng Khu phi thuế quan Xuân Cầu trở thành khu phi thuế quan lớn hàng đầu Việt Nam và tạo nên sản phẩm độc đáo trong khu vực Đông Nam Á, các KCN mới là điểm tựa mới cho phát triển TP trong giai đoạn mới.