Tại đoạn đường Bến Thốc khoảng 1 km nhưng có tới gần chục cơ sơ kinh doanh có ống xả thải trực tiếp ra biển với màu nước đen ngòm, bốc mùi hôi thối nồng nặc. Một người dân tại khu vực này cho biết: Tôi sinh sống tại Đồ Sơn vài chục năm nay, tôi thấy vô cùng xấu hổ khi nhắc đến môi trường tại đây. Mấy cái nhà hàng, nhà nghỉ to lắm họ cứ vô tư xả nước thải trực tiếp ra biển mà không qua hệ thống xử lý. Nhà tôi sống cạnh đường ống xả thải của một nhà nghỉ lớn, mùi hôi thối bốc lên thật kinh khủng. Sự việc này diễn ra nhiều năm rồi, nhưng các cơ quan có trách nhiệm vẫn không xử lý dứt điểm.
“Cống xả thải của khách sạn Công Đoàn từ nhiều năm nay, ngày này qua ngày khác cứ hồn nhiên xả nước bẩn trực tiếp ra biển, chúng tôi bán hàng quanh năm ở đây thấy ô nhiễm kinh khủng lắm. Đồ Sơn nếu cứ tiếp tục bị ô nhiễm như vậy chắc chắn khách du lịch sẽ chạy hết về Cát Bà, Hạ Long. Tôi nghe nói, Cát Bà đầu tư cho hệ thống xử lý nước thải tập chung bài bản và quy mô lắm. Nếu khách du lịch nhìn thấy những cống nước xả thải đen ngòm đổ ra biển thế này, chắc họ sẽ thất vọng, không dám quay trở lại đây nữa. Chúng tôi chứng kiến, nhiều khách du lịch tắm biển ở khu II còn bị vướng “cá khoai” ở trên đầu (người dân nơi đây họ gọi bao cao su đã qua sử dụng là cá khoai cho đỡ phản cảm – PV). Vào những ngày biển có sóng và gió hướng tây thì chắc chắn khách đi tắm sẽ gặp “cá khoai” từ những nhà nghỉ trôi theo ra biển”, một người bán hàng nhỏ lẻ tại bãi biển Đồ Sơn khu 1 phản ánh.
Lý giải với PV về việc khách sạn Công Đoàn xả nước thải trực tiếp ra biển, ông Nguyễn Văn Tâm – GĐ Trung tâm đào tạo và hội nghị cán bộ Công đoàn Đồ Sơn cho rằng: “Nguyên Trung tâm này trước đây là nhà khách Công đoàn của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, nhà khách được xây dựng từ cách đây mấy chục năm nên khi về tiếp quản thì nó đã vốn như vậy rồi. Ý thức được việc xả thải ra môi trường là việc làm cấp bách nên thời gian vừa qua Trung tâm đã xin ý kiến Tổng Liên đoàn Lao động để đầu tư hệ thống xả thải với kinh phí lên tới hàng tỷ đồng, dự kiến sẽ đưa vào sử dụng trong tháng 6 tới. Và có lẽ cả khu I cũng chỉ có duy nhất một Trung tâm này có hệ thống xả thải bài bản”.
Trao đổi về vấn đề nêu trên ông Hoàng Đình Thắng – Phó trưởng phòng TNMT quận Đồ Sơn cho biết: “Đồ Sơn tuy là quận có lợi thế và trở thành nổi tiếng từ nhiều năm nay về du lịch nhưng cho đến thời điểm hiện tại quận lại chưa có điểm thu gom nước thải. Vì thế, rất nhiều khu vực trong quận bị ô nhiễm về môi trường. Các nhà hàng, nhà nghỉ hiện vẫn xả trực tiếp ra cửa biển gây ô nhiễm, phản cảm, mất mỹ quan của khu du lịch. Năm 2016 đã có gần chục cơ sở bị phạt hành chính mức cao nhất lên tới 32 triệu đồng: như nhà hàng Tằng Hậu, nhà khách Quân khu 2, Binh đoàn Hương Giang, Trung tâm đào tạo và hội nghị cán bộ Công Đoàn...và nhiều cơ sở vi phạm khác nữa. Nhưng thẩm quyền của quận chỉ làm được vậy còn cao hơn thì phải phụ thuộc vào các cơ quan chức năng có liên quan. Mặc dù UBND quận đã có văn bản đôn đốc nhắc nhở nhưng cái chính là các cơ sở không tự giác chấp hành, không đầu tư cơ sở hạ tầng trong khi việc xử lý theo kiểu truyền thống không còn phù hợp nữa. Giá như, thành phố quan tâm hơn nữa đầu tư cho quận hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt thì mới khắc phục được tình trạng này”.
Có lẽ Đồ Sơn đang rất cần sự quan tâm của các cơ quan chức năng trong việc làm thế nào để giảm thiểu tối đa nhất hệ thống nước thải xả trực tiếp ra biển. Cứ tình trạng như thế này Đồ Sơn sẽ mất dần khách du lịch trong thời gian không xa. Những hình ảnh về một bãi biển đẹp với buổi chiều lộng gió sẽ chẳng còn khách nếu ngay từ bây giờ các khách sạn, nhà hàng, nhà nghỉ không có giải pháp cho hệ thống nước thải. Rất cần sự quan tâm hơn nữa từ phía UBND thành phố Hải Phòng.