Lịch sử hình thành và tên gọi của các di tích nói chung cũng như tên gọi của Di tích lịch sử khu vực Từ Lương Xâm - Căn cứ bản doanh của Ngô Quyền năm 938 nói riêng luôn gắn liền với quá trình hình thành vùng đất, con người, quá trình dựng làng, giữ nước, chống giặc ngoại xâm cũng như truyền thống văn hóa mang đậm bản sắc của cộng đồng dân cư địa phương nơi có di tích. Cụ thể hơn, các di tích ấy thường là nơi thờ phụng thần linh gắn với tôn giáo, tín ngưỡng và tùy theo đối tượng, nội dung thờ tự mà có tên gọi khác nhau cho phù hợp.
Ngược dòng lịch sử với hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, Nhân dân ta không khỏi tự hào và biết ơn một vùng quê nơi cửa biển Bạch Đằng thuở xưa, nơi đã từng sinh dưỡng những người anh hùng góp phần làm nên những chiến công hào hùng lưu danh sử sách. Đến nay vẫn còn lưu lại những dấu tích, những câu chuyện, truyền thuyết về dòng sông Bạch Đằng với những “vũ công cao cả vang dội đến nghìn thu”, về những người anh hùng đã làm nên lịch sử. Vùng quê cửa biển đó chính là tổng Lương Xâm trước kia, nay thuộc phường Nam Hải, quận Hải An, thành phố Hải Phòng, nơi người anh hùng dân tộc Ngô Quyền đặt đại bản doanh trong cuộc chiến đấu chống quân xâm lược Nam Hán trên dòng sông Bạch Đằng lịch sử.
Để tri ân, tưởng nhớ công lao to lớn đó, cũng như lưu giữ lại một chứng tích lịch sử cho thế hệ mai sau, Nhân dân địa phương đã lập đền ngay tại Lương Xâm thuở ấy để tôn thờ vị tổ trung hưng đất nước, người anh hùng dân tộc Ngô Quyền, đền có tên gọi là Di tích lịch sử khu vực Từ Lương Xâm - Căn cứ bản doanh của Ngô Quyền năm 938.
Theo lời kể của các bậc cao niên, trước đây, lễ hội Di tích lịch sử khu vực Từ Lương Xâm - Căn cứ bản doanh của Ngô Quyền năm 938 hàng năm được tổ chức trong 3 ngày, từ ngày 16 đến 18 tháng Giêng, đúng vào dịp kỷ niệm ngày mất Đức Vương Ngô Quyền.
Khu tưởng niệm Vương triều Mạc là quần thể di tích lịch sử - khảo cổ bên cạnh các công trình kiến trúc được xây mới, nằm trên địa bàn xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng. Nổi bật hơn cả, nơi đây được xem là kinh đô đầu tiên của người dân vùng biển do nhà Mạc dựng lên.
Theo sử sách ghi lại, Mạc Đăng Dung (1483-1541), người làng Cổ Trai, huyện Nghi Dương, trấn Hải Dương (nay là làng Cổ Trai, xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng) là người có trí dũng hơn người, ông đã trúng Đô lực sĩ xuất thân - Võ Trạng nguyên, được sung quân Túc vệ.
Trong giai đoạn triều Lê suy yếu, các tướng chia bè phái, bên ngoài nông dân nổi dậy khởi nghĩa, Mạc Đăng Dung được giao trấn thủ Hải Dương. Vua Lê Chiêu Thống ở kinh thành Thăng Long bị quân khởi nghĩa của Nguyễn Kính nổi loạn. Mạc Đăng Dung mang quân về kinh thành cứu giá, một mình dẹp loạn, được phong làm Bình Chương quân quốc trọng sự thái phó Nhân quốc công.
Tháng 6/1527, ông được Lê Cung Hoàng nhường ngôi vua, lập ra nhà Mạc với niên hiệu Minh Đức. Đến năm 1529, ông nhường ngôi cho con cả là Mạc Đăng Doanh - tức Mạc Thái Tông, lui về làm Thái thượng hoàng, xây dựng thành nhà Mạc tại vùng đất Hải Phòng ngày nay, và kết thúc khi vua Mạc Mậu Hợp (đời vua thứ 5) bị quân Lê - Trịnh đánh bại vào cuối năm 1592.
Tuy nhiên, hậu duệ nhà Mạc vẫn còn cát cứ tại khu vực Cao Bằng để chống lại nhà Hậu Lê đến tận năm 1677 mới mất hẳn. Vương triều Mạc tồn tại trong thời gian 65 năm và trải qua 5 đời vua: Mạc Đăng Dung (1527-1529), Mạc Đăng Doanh (1530-1540), Mạc Phúc Hải (1541-1546), Mạc Phúc Nguyên (1547-1561) và Mạc Mậu Hợp (1562-1592).
Dưới triều Mạc, kinh tế, văn hóa, xã hội của Việt Nam có nhiều thành tựu được lịch sử ghi nhận. Đó là thời thịnh trị của chợ búa, cảng thị sầm uất, văn hóa dân gian nở rộ. An ninh trật tự, kỷ cương nghiêm minh.
Về kinh tế, nhà Mạc không theo chính sách “trọng nông, ức thương” như thời Lê sơ, mà có chính sách rất cởi mở với nội thương và ngoại thương, phát triển sản xuất hàng hóa, thông thương thị trường nội địa với nước ngoài. Sản phẩm gốm hoa lam của nhà Mạc ở Bát Tràng, ở Nam Sách độ tinh xảo, xuất khẩu sang nhiều nước trong khu vực.
Về văn hóa, nhà Mạc luôn chú trọng chính sách thi cử, đào tạo nhân tài cho đất nước (kể cả đối với phụ nữ), cứ 3 năm mở một kỳ thi Hội.
Như vậy, Hải Phòng đã có 5 di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, gồm: danh lam thắng cảnh Quần đảo Cát Bà (huyện Cát Hải), di tích lịch sử Đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (huyện Vĩnh Bảo), di tích lịch sử Bến tàu không số K15 (quận Đồ Sơn), cụm di tích liên quan đến nhà Mạc ở huyện Kiến Thụy và cụm di tích Từ Lương Xâm ở quận Hải An.