Hải Phòng: Dự án của doanh nghiệp gặp khó vì các hộ nuôi trồng thủy sản trái phép

Vĩnh Quân
Chia sẻ Zalo

Kinthtedothi - Công ty Cổ phần Khu công nghiệp Hải Phòng (HPIP) được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại Khu công nghiệp Deep C 2A với tổng diện tích hơn 513ha. Nhưng từ năm 2012 đến nay công ty này vẫn chưa nhận được hết mặt bằng sạch.

Đến nay Công ty Cổ phần Khu công nghiệp Hải Phòng vẫn chưa thể nhận bàn giao hết mặt bằng do các hộ dân nuôi ngao trái phép chưa chịu di dời. Ảnh Hải Yến.

Ngày 8/10/2021, Công ty Cổ phần Khu công nghiệp Hải Phòng (HPIP) có văn bản số HPIP/LDR-LET-EN-VN-2021.08 báo cáo lãnh đạo TP Hải Phòng, về việc một số hộ dân gây cản trở thi công xây dựng tại khu vực Deep C 2A.

Theo đó, ngày 6/8/2021, UBND TP Hải Phòng có Công văn số 5378/UBND-NC1 về việc đảm bảo trật tự cho việc triển khai nạo vét duy tu luồng hàng hải Hải Phòng năm 2021. TP Hải Phòng có ý kiến ''giao Công an TP, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP, UBND quận Hải An hỗ trợ, tạo điều kiện đảm bảo an ninh trật tự trên mặt bằng thi công tại khu vực bãi chứa thuộc Khu công nghiệp (KCN) Deep C 2A theo đề nghị của Tổng Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc''.

Ngày 23/8/2021 quận Hải An có Thông báo số 550 ''đề nghị Công ty Cổ phần Khu công nghiệp Hải Phòng khẩn trương rà soát bổ sung hoàn chỉnh kế hoạch triển khai cắm mốc xác định ranh giới khu đất thuộc Dự án Deep C 2A và vị trí hố chứa tạm''.

Thực hiện các ý kiến chỉ đạo trên, ngày 10/9/2021 HPIP cùng với các đơn vị liên quan đã thực hiện xong việc khôi phục 30 mốc ranh giới (là cọc tạm bằng gỗ) và buộc cờ đánh dấu mốc ranh giới với vị trí, tọa độ nằm trên đường ranh giới giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) của HPIP đã được cấp.

''Tuy nhiên, ngày 2/10/2021 HPIP phát hiện cờ và 2 cọc mốc đã bị nhổ. Cùng ngày, HPIP thực hiện cắm lại nhưng chỉ cắm thành công 1 cọc. Trong quá trình cắm cọc thứ 2, HPIP bị một số người dân tự xưng đang nuôi trồng thủy sản trong khu vực đe dọa và gây cản trở việc thực hiện cắm cọc mốc nêu trên. Đến nay, việc cắm lại cọc mốc trên vẫn chưa thể thực hiện được", văn bản của HPIP nêu.

Ngày 5/10/2021, UBND phường Đông Hải 2 (quận Hải An) có tổ chức cuộc họp để làm việc với các hộ dân nuôi trồng thủy sản trái phép tại khu vực dự án của HPIP, và đưa ra kết luận ''đề nghị các hộ dân đang nuôi trồng thủy sản trên phần đất chồng lấn chủ động di dời và thu hoạch để bàn giao mặt bằng cho Công ty Deep C vì tại vị trí nuôi trồng thủy sản này không được cấp phép''.

HPIP cho biết, sau nhiều cuộc họp đến nay vẫn chưa thấy bất kỳ động thái nào từ các hộ dân lấn chiếm trái phép về việc di dời. Vì vậy đơn vị chưa thể thực hiện được việc xây dựng đê bao làm bãi tiếp nhận nạo vét từ dự án ''Nạo vét duy tu hàng hải Hải Phòng năm 2021'' theo đúng tiến độ của dự án được duyệt.

''Như vậy, việc chiếm đóng trái phép của một số hộ dân trong phạm vi khu công nghiệp, không chỉ làm chậm tiến độ hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào KCN Deep C nói riêng và thu hút đầu tư tại TP Hải Phòng nói chung, mà còn làm giảm khả năng khai thác của hệ thống cảng biển Hải Phòng, cản trở sự phát triển kinh tế của TP, đặc biệt trong tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay'', báo cáo của HPIP nhấn mạnh.

Chòi canh nuôi ngao của các hộ dân.
Trao đổi với phóng viên, ông Dương Đình Ổn - Chủ tịch UBND quận Hải An cho biết, Công ty Cổ phần Khu công nghiệp Hải Phòng đã có CNQSDĐ do Sở TN&MT Hải Phòng cấp năm 2012. Tuy nhiên, năm 2015, khi thi công giai đoạn 1 phần diện tích hơn 100ha phía công ty chưa cắm mốc đã phát sinh tranh chấp với 17 hộ dân nuôi trồng thủy sản. Việc những hộ dân tự ý nuôi ngao khi không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp phép theo quy định là hành vi vi phạm hành chính.
UBND quận Hải An đã có nhiều văn bản báo cáo UBND TP. Ngày 30/11/2021 quận Hải An tiếp tục có văn bản số 905/BC-UBND báo cáo UBND TP về việc cưỡng chế buộc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả đối với các hộ dân nuôi trồng thủy sản không phép trên khu vực biển thuộc KCN Deep C 2A. Văn bản này cho biết, ngày 25/10/2021 quận Hải An đã ban hành 17 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 17 cá nhân có hành vi vi phạm hành chính tự ý nuôi trồng thủy sản trên biển không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép theo quy định, và biện pháp khắc phục hậu quả phải thực hiện là buộc di dời, tháo dỡ công trình nuôi trồng thuỷ sản ra khỏi khu vực vi phạm.

Ngày 8/11/2021, UBND quận đã ban hành quyết định cưỡng chế và tiến hành tống đạt quyết định cưỡng chế đến 17 hộ nêu trên. Đã qua nhiều cuộc họp ở quận cũng như TP Hải Phòng với 17 hộ nuôi ngao về việc tuyên truyền, phổ biến để các hộ dân thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả kể từ khi nhận quyết định cưỡng chế, tuy nhiên đến hiện tại 17 hộ vẫn không di dời, tháo dỡ công trình nuôi trồng thuỷ sản ra khỏi khu vực vi phạm và có đơn khiếu nại gửi đến UBND quận.

“Theo chỉ đạo của TP, quận đã tiến hành đối thoại, động viên nhưng đến nay các hộ nuôi ngao này vẫn chưa hợp tác. Quận đã xây dựng kế hoạch cưỡng chế và tiếp tục xin ý kiến chỉ đạo của TP” - Chủ tịch UBND quận Hải An nói.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần