Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Hải Phòng hành trình 70 năm - dấu ấn quan trọng trong định hướng phát triển

Kinhtedothi- Hải Phòng là vùng đất đầu sóng, ngọn gió, “phên dậu” phía Đông của Tổ quốc, có vị thế chiến lược trong toàn bộ tiến trình đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc.

Trải qua 70 năm xây dựng và phát triển kể từ Ngày Giải phóng (13/5/1955), từ một đô thị công nghiệp và cảng biển truyền thống, thành phố Hải Phòng đã vươn lên trở thành một trong những trung tâm kinh tế lớn của Việt Nam, là cực tăng trưởng trọng điểm khu vực phía Bắc. Với chiến lược quy hoạch hiệu quả, thu hút đầu tư mạnh mẽ và quản lý tài chính bền vững, Hải Phòng hiện nằm trong nhóm 5 địa phương có quy mô kinh tế dẫn đầu cả nước, cùng với Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai​.

Kinh tế thành phố Hải Phòng duy trì tốc độ tăng trưởng cao, quy mô nền kinh tế thường xuyên duy trì vị trí thứ hai vùng đồng bằng sông Hồng, sau thủ đô Hà Nội. Đây là sự khẳng định về tiềm năng, vị thế, vị trí địa chính trị duy nhất ở miền Bắc cũng như sự quyết tâm của thành phố Hải Phòng trong quá trình xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng trở thành đô thị năng động, hiện đại, là cửa ngõ giao thương của Việt Nam với thế giới.

Một góc thành phố. Ảnh Tiến Bảo

Công nghiệp phát triển mạnh mẽ, chuyển dịch theo hướng hiện đại. Giai đoạn 2020 - 2025, thành phố đã tập trung cao hoàn thiện các thành phần kinh tế, gắn với chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ cao. Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP đạt 43,86% năm 2024, đây là tỷ lệ khá cao, thể hiện kết quả của thành phố Hải Phòng để hoàn thành mục tiêu là địa phương đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Bằng nguồn lực đầu tư dồi dào, hầu hết các công trình, dự án trong giai đoạn 2016-2020, 2021-2025 đều bảo đảm đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, có nhiều công trình đóng góp lớn cho kết nối và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương như: Cầu Tân Vũ – Lạch Huyện, các bến cảng của cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện, cảng hàng không quốc tế Cát Bi,…một số công trình đạt thi công vượt tiến độ đề ra như cầu Hàn, cầu Đăng, cầu sông Hóa, nút giao Nam cầu Bính, tuyến đường vào và Khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ, đường Hồ Sen – Cầu Rào 2,...

Hải Phòng đã khẳng định vị thế là một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn bậc nhất Việt Nam. Thành phố thu hút được nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn, đầu tư vào các lĩnh vực kinh tế trọng yếu với nhiều dự án lớn có tổng mức đầu tư hơn 200 nghìn tỷ đồng.

Trong 4 năm liên tiếp (2021-2024), Hải Phòng đứng top 5 toàn quốc về thu hút vốn FDI. Năm 2024, thành phố Hải Phòng đã đạt được kết quả ấn tượng trong thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), với tổng vốn đăng ký đạt 4,94 tỷ USD, vượt 145% so với kế hoạch đề ra và tăng hơn 34% so với cùng kỳ năm trước. Các tập đoàn lớn như LG (Hàn Quốc), Pegatron (Đài Loan), Fujifilm (Nhật Bản)… đã chọn Hải Phòng làm điểm sản xuất, tạo ra chuỗi giá trị công nghiệp quy mô toàn cầu, đóng góp lớn vào xuất khẩu và ngân sách thành phố. Hải Phòng tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng “thu hút đầu tư có chọn lọc, chất lượng, công nghệ cao, thân thiện môi trường”, từng bước hình thành hệ sinh thái công nghiệp – đô thị – dịch vụ hiện đại.

Cảng biển nước sâu Lạch Huyện đưa vào sử dụng từ năm 2018 là cảng nước sâu lớn nhất miền Bắc Việt Nam.

Sông Tam Bạc thành phố Hải Phòng. Ảnh Tiến Bảo

Với mục tiêu phát triển đô thị hiện đại, mang tầm vóc thành phố biển năng động nhất miền Bắc, thành phố đã đầu tư xây dựng Trung tâm Chính trị - Hành chính thành phố Hải Phòng tại Khu đô thị mới Bắc sông Cấm với kỳ vọng về một biểu tượng mới của thành phố, đồng thời thúc đẩy mở rộng không gian đô thị về phía Bắc, góp phần quan trọng vào việc mở rộng địa giới hành chính, tái cơ cấu đô thị, thu hút đầu tư và nâng tầm vị thế của Hải Phòng trong khu vực và cả nước…

Một dấu ấn quan trọng trong định hướng phát triển chiến lược của thành phố là hình thành khu kinh tế ven biển mới này sẽ là động lực tăng trưởng đột phá, khẳng định vai trò Hải Phòng là trung tâm kinh tế biển hàng đầu của cả nước, đóng góp quan trọng vào sự phát triển bền vững vùng duyên hải Bắc Bộ và cả nền kinh tế quốc gia.

Thành phố Hải Phòng được Quốc hội thông qua các cơ chế, chính sách đặc thù thí điểm theo Nghị quyết số 35/2021/QH15, tạo hành lang pháp lý quan trọng, góp phần tăng tính chủ động trong điều hành, rút ngắn thời gian thực hiện nhiều thủ tục hành chính, và tăng cường phân cấp, phân quyền.

Hiện nay, thành phố đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện hồ sơ báo cáo Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 35/2021/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng, trong đó có nội dung về việc thành lập Khu Thương mại tự do tại Hải Phòng, sẽ trình Quốc hội tại Kỳ họp tháng 5/2025 và trình cấp có thẩm quyền quyết định thành lập Khu Thương mại tự do thành phố Hải Phòng ngay trong năm 2025.

Sự cải thiện rõ nét về PCI không chỉ thu hút thêm nhiều nguồn lực đầu tư mà còn tạo môi trường kinh doanh minh bạch, hiện đại, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của toàn nền kinh tế thành phố.

Nhìn lại chặng đường 70 năm xây dựng và phát triển, đặc biệt trong giai đoạn đổi mới và hội nhập, thành phố Hải Phòng đã khẳng định được vị thế là một cực tăng trưởng quan trọng của cả nước với những thành tựu đột phá và bền vững.

Trong không khí phấn khởi kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Hải Phòng và Lễ hội Hoa Phượng Đỏ 2025, việc nhìn lại và khẳng định những thành tựu nổi bật của thành phố có ý nghĩa quan trọng. Đây không chỉ là niềm tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố, mà còn là động lực để Hải Phòng tiếp tục phát huy truyền thống năng động, sáng tạo, trung dũng, kiên cường, khẳng định vai trò là động lực cho phát triển đất nước trong hiện tại và tương lai.

Hải Phòng đón nhận Danh hiệu “thành phố Anh hùng”

Hải Phòng đón nhận Danh hiệu “thành phố Anh hùng”

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Ba nhóm ngành đang cần tuyển dụng lao động nhiều nhất

Ba nhóm ngành đang cần tuyển dụng lao động nhiều nhất

04 May, 03:57 PM

Kinhtedothi – Sản xuất trang phục; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic; chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ, tre, nứa; sản phẩm từ rơm, rạ, vật liệu tết bện có nhu cầu tăng người lao động vào làm việc trong quý II/2025.

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ