Theo Đề án cắt giảm, di chuyển tháo dỡ cơ sở nuôi trồng thủy sản trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà, huyện Cát Hải sẽ thực hiện tháo dỡ 440 cơ sở nuôi trồng thủy sản với 516 nhà chòi, 8.216 ô lồng, 58.790m² giàn nuôi nhuyễn thể nhằm tạo cảnh quan cho các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà, nhằm thu hút khách du lịch và từng bước xây dựng quần đảo Cát Bà trở thành Di sản thiên nhiên thế giới.
UBND huyện Cát Hải cho biết, tổng khối lượng sản phẩm cá hiện tại trên vịnh cần hỗ trợ thu mua là 2.203.900kg, tổng khối lượng nhuyễn thể là 4.204.050kg. Đây là khối lượng thủy sản của các lồng bè nằm trong diện di dời, hiện chưa thể tiêu thụ được do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Giá bán các sản phẩm được công khai. Trong đó, cá song (tổng khối lượng 1.381.430kg) có giá từ 200 - 500 nghìn đồng/kg, cá giò 120 nghìn đồng/kg, cá côi 130 nghìn đồng/kg, ngao hai cùi 60 nghìn đồng/kg, tu hài 250 nghìn đồng/kg…
Ghi nhận thực tế của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, đa phần các hộ nuôi trồng thủy sản đều đã được tuyên truyền về cơ chế chính sách cũng như lộ trình di dời.
Ông Đinh Hữu Giỏi (quê huyện Thuỷ Nguyên) là một trong những hộ nuôi trồng có thâm niên từ năm 2003 đến nay cho biết, về chủ trương của nhà nước cá nhân ông rất đồng tình ủng hộ. Hiện gia đình ông có khoảng 65 ô lồng và tồn khoảng 20 tấn cá.
Ông Giỏi mong muốn trước mắt cần bán được cá để có tiền trả nợ cho ngân hàng, sau đó đề nghị cơ quan chức năng quan tâm giúp tìm kiếm công ăn việc làm khi phải di dời. Bên cạnh đó là phương án đền bù phù hợp cho người dân.
Ông Hoàng Đình Tâm (quê xã Văn Phong, huyện Cát Hải) cũng cho biết đã nuôi cá từ năm 2003, hiện có khoảng 25 ô lồng với số lượng cá tồn 20 tấn (chủ yếu là cá song). Hiện nay, cứ 3 ngày ông Tâm phải chi khoảng 120 triệu tiền mua thức ăn cho cá. Do vậy, điều mong muốn lớn nhất với gia đình ông lúc này là được chính quyền hỗ trợ để có thể bán được số cá còn tồn lại.
Giám đốc Ban Quản lý dự án vịnh Cát Bà Nguyễn Công Hoà thông tin, để tháo gỡ khó khăn cho các hộ nuôi trồng, vướng mắc trong quá trình thực hiện, UBND huyện Cát Hải đã có văn bản đề nghị Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng kêu gọi sự chung tay của các doanh nghiệp, nhà máy, tổ chức, cá nhân kinh doanh lĩnh vực chế biến thủy sản tại các khu, cụm công nghiệp ở trong, ngoài Thành phố thực hiện thu mua sản phẩm thủy sản từ các giàn bè bị tháo dỡ, nhằm giảm bớt các khó khăn cho người dân trong quá trình thực hiện các chính sách của nhà nước.
Huyện cũng đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông-khuyến ngư, các ngành, liên kết các tổ chức, cá nhân trong và ngoài Thành phố hoạt động trong lĩnh vực chế biến thủy hải sản thực hiện thu mua các sản phẩm; Sở Công Thương chỉ đạo các ngành có liên quan, các siêu thị, ban quản lý các chợ đầu mối thủy sản, các cơ sở kinh doanh, chế biến thủy sản trong và ngoài Thành phố hỗ trợ thu mua sản phẩm…
Ông Bùi Tuấn Mạnh - Chủ tịch UBND huyện Cát Hải cho biết thêm, trước mắt để giúp bà con nuôi cá lồng bè trên đảo có thể bán được sản phẩm, huyện đã có văn bản gửi các sở ngành trên toàn Thành phố giúp người dân tiêu thụ.
Về thực hiện đề án cắt giảm, di chuyển tháo dỡ cơ sở nuôi trồng thuỷ sản trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà lộ trình 2021 - 2022, UBND huyện đã thành lập 4 tổ công tác nhằm tuyên truyền, vận động các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thực hiện tháo dỡ cơ sở nuôi trồng thủy sản trên vịnh Cát Bà; tổ chức kiểm đếm toàn bộ vật kiến trúc của các cơ sở nuôi trồng thủy sản, lên phương án thẩm định, tiếp thu xin ý kiến nhân dân, trình phương án hỗ trợ...
Quá trình thực hiện gồm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, huyện sẽ kiểm đếm, tổng hợp nhân khẩu liên quan đến 231 nhà chòi,3.918 ô lồng, 58.790 m2 giàn nuôi nhuyễn thể tại khu vực Vịnh Lan Hạ, Vịnh Trà Báu, xong trước ngày 31/8/2021. Giai đoạn 2, tổng hợp nhân khẩu liên quan đến 285 nhà chòi; 4.298 ô lồng, tại các khu vực còn lại, xong trước ngày 30/9/2021.
Về giải pháp hỗ trợ của Thành phố, UBND TP Hải Phòng đã lên phương án sơ bộ. Theo đó, Thành phố hỗ trợ 19.857.983 đồng/nhà chòi; mức hỗ trợ đối với ô lồng nuôi cá là 4.836.000 đồng/ô lồng; mức hỗ trợ đối với giàn nuôi nhuyễn thể 89.008 đồng/m2.
Bên cạnh đó, Thành phố hỗ trợ ổn định đời sống đối với thành viên hộ gia đình là chủ cơ sở nuôi trồng thủy sản bị tháo dỡ sinh sống trên các cơ sở nuôi trồng thủy sản trước ngày 1/7/2021. Mức hỗ trợ 6.480.000 đồng/1 nhân khẩu. Tổng kinh phí dự kiến hỗ trợ là 68.453.215.548 đồng.