Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hải Phòng: Lại “nóng” vấn đề môi trường trên vịnh Cát Bà

Vĩnh Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vịnh Lan Hạ thuộc quần đảo Cát Bà đang có nguy cơ ô nhiễm môi trường nặng do rất nhiều nguyên nhân, trong đó có việc khách tham quan thiếu ý thức đã xả rác bừa bãi...

Cộng với đó là hàng nghìn lồng bè nuôi thả hải sản, các tàu du lịch chở khách tham quan đến những khu vực có độ nhạy cảm cao về đa dạng sinh học… đã tác động không nhỏ, làm ảnh hưởng đến môi trường trên vịnh Lan Hạ.
Các hộ kinh doanh lồng bè trên vịnh Cát Bà.
Ông Nguyễn Công Hòa - Giám đốc Ban quản lý các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà cho biết: Đối với vấn nạn vứt thả rác thải bừa bãi trên vịnh, Ban quản lý đã bố trí 12 lao động, 4 tàu vệ sinh môi trường thu gom rác, đội hình thu gom này làm cả ngày chủ nhật để nhằm bảo đảm môi trường vịnh mùa cao điểm. Trung bình một ngày thu gom khoảng 10 khối rác, Ban quản lý đã phối hợp với Công ty công trình công cộng vận chuyển về nơi tập kết rác để xử lý.
Theo thống kê của Ban quản lý vịnh hiện có tổng 441 cơ sở nuôi trồng thủy sản, 9.507 ô nuôi thủy hải sản, trong đó có 1.598 ô nhà ở, khoảng 16.000 quả phao xốp, hơn 100 tàu du lịch và hơn 1.000 dân đang sinh sống. Cơ quan chức năng mới chỉ vận động cắt giảm được 3 chủ cơ sở nuôi trồng thủy sản, 44 ô lồng, 51 giàn tre, 757 quả phao xốp, 2.207 cây tre, ngăn chặn 3 chủ cơ sở nuôi trồng thủy sản có hành vi cơi nới ô lồng… Hiện tại hệ thống nước thải, chất thải sinh hoạt của hơn 1.000 dân sinh sống tại các nhà bè được xả trực tiếp ra vịnh không qua bất kỳ hệ thống xử lý nào.

Đó là chưa kể các cơ sở kinh doanh dịch vụ xăng dầu trên vịnh, những nơi nuôi thả cá đã đổ một lượng không nhỏ thức ăn chưa phân hủy hết của cá ra môi trường, các thùng phao xốp chịu tác động, sự va đập sóng gió sẽ bị rã và gây ô nhiễm mặt nước. Bên cạnh đó còn tồn tại 525 giàn nuôi nhuyễn thể… Tất cả tạo thành chất thải rắn tại các bãi triều rạn ngầm, làm hỏng và mất đi môi trường sống của các sinh vật sống ở tầng đáy như san hô, rong rêu.
Các hộ kinh doanh lồng bè trên vịnh Cát Bà
Đứng trước thực trạng trên, Ban quản lý vịnh đã phối hợp chặt chẽ với các đội, tuyên truyền cho bà con tại điểm nuôi lồng bè, vận động các chủ cơ sở nuôi trồng thủy sản trên vịnh cắt giảm, tháo dỡ ô lồng, cần chấm dứt nuôi nhuyễn thể, vận động các chủ phương tiện thực hiện di chuyển các phương tiện khai thác, dịch vụ thủy sản, tàu xi măng, cơ sở sửa chữa cơ khí tại vịnh Bến Bèo, Lan Hạ.
Dự kiến, đến năm 2020 sẽ di dời 289 cơ sở nuôi thủy sản ra khỏi vịnh. Ban quản lý vịnh cũng theo dõi sát sao và ngăn chặn kịp thời các hành vi vận chuyển con giống, rổ nhựa, phao nâng nổi, tre gỗ. Một công việc không thể thiếu được chính là duy trì đảm bảo nhân lực và lịch thu gom vớt rác trên các vịnh, ấn định lịch trình thu gom vớt rác, tăng cường kiểm tra giám sát công tác thu vớt rác.

Về lâu dài, cần có lộ trình di dời các điểm nuôi trồng thủy sản ra khỏi vịnh, thiết kế hướng dẫn người dân nuôi trồng thủy sản theo các tiêu chuẩn cụ thể. Xây dựng các cơ sở nuôi trồng thủy sản trở thành làng chài để du khách có thể kết hợp tham quan tạo thành các điểm du lịch. Đối với các tàu du lịch cần được tuyên truyền về bảo vệ môi trường, nếu không tuân thủ sẽ không được cấp phép hoạt động.