Những nỗ lực từ chính quyền địa phương
Ghi nhận từ thực tế trên vịnh, mới thấu hiểu hết được những nỗ lực từ chính quyền huyện Cát Hải trong suốt thời gian qua. Hàng trăm ô lồng đã được người dân di dời sau khi nhận tiền hỗ trợ từ phía huyện. Mặt nước có phần thoáng đãng hơn, không còn cảnh các ô lồng đan xen nhau dày đặc như trước.
Vừa dẫn đoàn phóng viên đi thực tế, gạt những giọt mồ hôi còn vương trên trán do thời tiết nắng nóng, ông Phùng Quang Tuyền – GĐ Ban quản lý các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà cho biết: “Thực hiện quy hoạch vùng nuôi trồng thuỷ sản nhằm đáp ứng điều kiện cần thiết để UNESCO công nhận vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà là Di sản thiên nhiên thế giới, đồng thời xây dựng thương hiệu du lịch “Cát Bà xanh”, TP Hải Phòng đang triển khai giải tỏa lồng bè nuôi trồng thủy sản trên các vịnh. Nhiều tháng qua chính quyền địa phương cùng các cơ quan chức năng đã tới từng hộ dân tuyên truyền để người dân tự giác chấp hành tháo dỡ và nhận tiền hỗ trợ. Tính đến hiện tại trong số 435 cơ sở xét hưởng các chính sách theo Nghị quyết 05 đã lập phương án hỗ trợ, thẩm định, ban hành quyết định phê duyệt cho 429 cơ sở, 06 cơ sở còn lại đã tự tháo dỡ trong quá trình thực hiện nghị quyết.
Với sự đồng thuận từ các hộ dân, UBND huyện Cát Hải đã thực hiện việc tháo dỡ 294/440 cơ sở bè nuôi cá = 66,8%. Trong đó có 261 hộ được hỗ trợ và tháo dỡ hoàn toàn, có 27 được hỗ trợ tháo dỡ một phần, 06 cơ sở tự tháo dỡ không nhận tiền hỗ trợ. Hiện còn 29 cơ sở mới nhận tiền chưa tháo dỡ. Tháo dỡ 35.910,23m2/58.790 = 61% giàn nuôi nhuyễn thể. Dự kiến đến hết 31/12/2022 huyện Cát Hải sẽ phải thực hiện tháo dỡ xong các cơ sở nuôi cá lồng bè không đúng quy hoạch trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà.
Nhiều hộ dân đã nhận tiền và thực hiện việc di dời
Trao đổi với PV Báo Kinh tế và Đô thị, ông Bùi Văn Luyện hộ dân nuôi cá nhiều năm lớn nhất trên vịnh vui vẻ thông tin “Gia đình tôi nuôi trồng thuỷ sản trên vịnh từ những năm 1990, có thể nói là một trong những hộ tiên phong nuôi cá lồng bè thời điểm đó. Qua thời gian cho đến hiện tại chúng tôi đã có 240 ô lồng, với sản lượng cá bán ra hàng năm tới hàng chục tấn cá. Về việc TP có chủ trương tháo dỡ, chúng tôi chấp hành và đã nhận tiền hỗ trợ từ phía UBND huyện. Số tiền này gia đình sẽ dành để tái đầu tư nuôi theo phương pháp mới, chất liệu mới để đảm bảo hạn chế tốt nhất ô nhiễm môi trường”…
Ông Nguyễn Văn Dũng - hộ nuôi cá khác cho biết “Từ khi thành phố có đề án hỗ trợ tháo dỡ lồng bè, trả lại cảnh quan cho các vịnh và đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế du lịch, chúng tôi rất ủng hộ. Gia đình đã nhận được hỗ trợ chi phí để thực hiện đóng mới bè tại vị trí quy hoạch của UBND TP. Tuy nhiên, khó khăn hiện tại của bà con là việc tiêu thụ sản phẩm thủy sản. Chúng tôi mong muốn nhân dân và du khách, các tổ chức, doanh nghiệp chung tay hỗ trợ thu mua, tiêu thụ các sản phẩm thủy sản để bà con sớm thực hiện tháo dỡ lồng bè đúng như chủ trương của TP”.
Theo ghi nhận của PV, hiện nay hầu hết các chủ cơ sở nuôi trồng thuỷ sản đa phần đều có ý thức chấp hành thực hiện theo lộ trình Nghị Quyết 05 và tích cực tiêu thụ sản phẩm để tháo dỡ. Tuy nhiên, lượng tiêu thụ chưa đáp ứng để giải phóng hết lượng sản phẩm cá trong từ nay đến 31/12/2022. Ban Quản lý các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà đang phối hợp Tổ công tác số 01 phân công cụ thể các thành viên phụ trách từng hộ nuôi trồng thủy sản trên các khu vực, tuyên truyền, hỗ trợ, hướng dẫn các chủ cơ sở khẩn trương triển khai hoàn thành việc đóng mới bè.
Phòng Nông nghiệp&PTNT đã phối hợp Ban Quản lý vịnh, các đầu mối đảm bảo cung cấp đầy đủ, kịp thời các vật tư, thiết bị cần thiết để các chủ cơ sở hoàn toàn chủ động thi công không bị gián đoạn.
Tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền để về đích đúng hẹn
Để hỗ trợ người dân, thuận lợi cho công tác tháo dỡ, trong khi lượng cá, nhuyễn thể còn tồn đọng khá nhiều do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 chậm tiêu thụ, TP Hải Phòng cùng với các sở ban ngành đã phối hợp huyện tìm đầu ra cho sản phẩm thủy sản nuôi trồng lồng bè ở các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà. Tổng số từ khi thực hiện nghị quyết đến ngày 11/10/2022, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm khoảng 2.482,85 tấn.
Theo ông Bùi Tuấn Mạnh – Chủ tịch UBND huyện Cát Hải, UBND huyện đang phối hợp với các cơ quan ban ngành nghiên cứu, quy hoạch lại vị trí, cách thức nuôi trồng làm sao đảm bảo môi trường, đồng thời tạo cảnh quan phục vụ hoạt động du lịch.
Trong thời gian tới, Tổ công tác số 01 phối hợp Ban Quản lý các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, đôn đốc, hướng dẫn các chủ cơ sở đẩy nhanh tiến độ hoàn thành việc đóng bè trong tháng 10 và đầu tháng 11/2022; vận động các chủ hộ khu vực Gia Luận, Trà Báu tiếp tục bàn giao hết các diện tích giàn nuôi nhuyễn thể để tháo dỡ.
Đẩy nhanh tiến độ tháo dỡ, tiêu hủy các diện tích giàn nuôi nhuyễn thể khu vực Gia Luận, Trà Báu. Kiểm tra, tuyên truyền, vận động và đôn đốc các chủ cơ sở thuộc địa bàn ngoài huyện tích cực chủ động tiêu thụ sản phẩm để nhận hỗ trợ tháo dỡ và chuyển đầu tư sản xuất đến các địa bàn khác ngoài huyện Cát Hải.
Về tiến độ triển khai đóng bè mới, UBND thị trấn Cát Bà, xã Việt Hải, xã Gia Luận phối hợp Ban Quản lý vịnh Cát Bà và các đơn vị, tổ chức liên quan tích cực tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, giám sát các chủ cơ sở đẩy nhanh tiến độ đóng mới và hoàn thiện cơ sở nuôi trồng thuỷ sản đảm bảo đúng thời gian.