Hải Phòng: Sẽ thực hiện cưỡng chế đối với 18 hộ nuôi thuỷ sản trái phép

Vĩnh Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - UBND TP Hải Phòng vừa đồng ý chủ trương tổ chức cưỡng chế buộc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với các hộ nuôi trồng thủy sản không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép trên khu vực biển huyện Kiến Thụy (giai đoạn 2)

Bắt đầu từ 7 giờ 30 phút, ngày 9/5/2023, cơ quan chức năng TP Hải Phòng sẽ tiến hành cưỡng chế buộc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với 18 hộ/22 bãi vi phạm hành chính trên khu vực biển huyện Kiến Thụy.

Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng yêu cầu tháo dỡ toàn bộ chòi canh ngao và các công trình phục vụ nuôi ngao vi phạm khác, chỉ để lại một số ít cọc tiêu để phân định, xác định ranh giới khu vực nuôi ngao của các hộ dân.

Cơ quan chức năng cho phép các hộ dân sau khi cưỡng chế và đã tự nguyện tháo dỡ được thu hoạch ngao đến hết ngày 30/6/2023. Theo đó, từ ngày 1/7/2023, sẽ tiếp tục tháo dỡ toàn bộ các cọc tiêu còn lại trên khu vực biển.

Liên quan đến việc xem xét trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc ký kết hợp đồng cho thuê mặt nước bãi triều, văn bản xác nhận cho hoạt động nuôi ngao trên địa bàn thành phố, Chủ tịch UBND thành phố khẳng định, việc một số cán bộ phường, xã tại các quận, huyện: Đồ Sơn, Hải An, Kiến Thụy và Tiên Lãng đã thực hiện việc xác nhận vào đơn xin nuôi ngao, ký kết hợp đồng cho thuê mặt nước bãi triều hoặc ban hành các văn bản không đúng dẫn đến việc các hộ dân có lý do tự ý dựng chòi, tổ chức nuôi ngao vi phạm các quy định của pháp luật về đất đai, thủy sản làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự tại thành phố.

UBND huyện Kiến Thuỵ sẽ tổ chức cưỡng chế đối với những hộ nuôi ngao trái phép. Ảnh Vĩnh Quân
UBND huyện Kiến Thuỵ sẽ tổ chức cưỡng chế đối với những hộ nuôi ngao trái phép. Ảnh Vĩnh Quân

Ông Nguyễn Văn Tuấn – Chủ tịch UBND huyện Kiến Thuỵ cho biết: "Đối với giai đoạn 1 đã tổ chức cưỡng chế thành công 38 hộ/1.515,0 ha; 48/48 chòi canh. Tính đến ngày 17/3/2023, đã hoàn thành tháo dỡ 612 cọc tiêu, cọc quây (trong đó: 251 cọc tiêu, 361 cọc quây bãi ngao) còn lại giai đoạn. Từ đó đến nay tình hình địa bàn ổn định, không có đơn thư khiếu kiện và tập trung đông người".

Hiện trên địa bàn toàn huyện giai đoạn 2 còn 54 hộ/63 bãi/84 chòi/diện tích 1.422,2 ha (huyện Kiến Thụy: 39 hộ; trên địa bàn thành phố: 07 hộ; Các tỉnh thành khác: 08 hộ). Huyện đã vận động được 53/54 hộ (61 bãi, 81 chòi) tự nguyện tháo dỡ chòi canh, cọc quây. Số hộ không có đơn bàn giao mặt bằng nhưng đã tự nguyện tháo dỡ chòi canh: 17 hộ/20 bãi/33 chòi canh. Hiện còn 01 hộ/02bãi/03 chòi không chấp hành tháo dỡ (hộ ông Nguyễn Văn Trường, thôn Nam Hải, xã Đoàn Xá, huyện Kiến Thuỵ).

Thực hiện chỉ đạo và sự đồng ý của Chủ tịch UBND TP Hải Phòng dự kiến ngày 9/5/2023 huyện sẽ tiến hành cưỡng chế những hộ có chòi nhưng đã tháo dỡ phần mái chòi canh, không chấp hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính…

Huyện tổ chức cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với 18 hộ/ 22 bãi (Trong đó 17 hộ đã tháo dỡ phần mái chòi canh, còn lại sạp và chân chòi; 01 hộ không chấp hành Quyết định định xử phạt vi phạm hành chính) và hỗ trợ 02 hỗ tháo dỡ chòi (hộ bà Bùi Thị Lại; hộ ông Ngô Văn Trường). Đối với Quyết định cưỡng chế xử phạt hình thức phạt chính (phạt tiền) sẽ thực hiện khi xác định được thu nhập và tài sản của cá nhân vi phạm.

Bộ đội Biên phòng thành phố, Công an thành phố hỗ trợ UBND huyện Kiến Thuỵ trong công tác rà phá bom mìn, vật liệu nổ, hỗ trợ phương tiện, lực lượng cần thiết để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông cho toàn bộ quá trình tổ chức thực hiện cưỡng chế tuyệt đối an toàn, thông suốt, đảm bảo an ninh, chính trị, trật tự xã hội trước, trong và sau quá trình tổ chức cưỡng chế.

 

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần