Ngày 21/12, TP Hải Phòng tổ chức hội nghị Báo cáo kết quả khai quật di tích bãi cọc Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên. Tham dự hội nghị có đại diện Viện khảo cổ học, Cục Di sản, Hội khoa học lịch sử Việt Nam, Viện địa chất, Bảo Tàng Hải Phòng, cùng các cơ quan ban ngành TP Hải Phòng.
Các đại biểu tham dự hội nghị |
Dấu tích còn lưu giữ
Trên cơ sở phát hiện mới đây của người dân làng Mai Động, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên về 2 thân cây gỗ nằm trong lòng đất thuộc vùng đê bao sông Đá Bạc, UBND huyện Thủy Nguyên, Bảo tàng Hải Phòng đã xuống hiện trường khảo sát, kiểm tra, lấy mẫu cọc gửi Viện Khảo cổ học (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) giám định niên đại.
Theo các nhà sử học Phan Huy Lê, Phan Đại Doãn, xã Liên Khê xưa thuộc Tổng Trúc Động, huyện Thủy Đường (nay là huyện Thủy Nguyên) chính là một trong những nơi được Hưng đạo đại vương Trần Hưng Đạo cho đóng cọc ngăn cửa sông, buộc địch phải chạy ra sông Bạch Đằng.
Địa danh Bạch Đằng đã đi vào lịch sử Việt Nam với những chiến công chói lọi gắn liền với tên tuổi các vị anh hùng dân tộc như Ngô Quyền, Lê Đại Hành và Hưng đạo đại vương Trần Quốc Tuấn. Trong những trận chiến hào hùng đó trên dòng sông huyền sử Bạch Đằng, quân và dân Hải Phòng đã tham gia tích cực, đóng góp nhiều sức người, sức của góp phần làm lên những chiến thắng vẻ vang của dân tộc.
Từ những phát hiện của người dân địa phương, ngành văn hóa và Bảo tàng Hải Phòng đã kết hợp cùng Viện khảo cổ học Việt Nam, Hội khoa học lịch sử, Khoa lịch sử Trường đại học KHXH&NV tiến hành khai quật trong 2 đợt: Đợt 1 từ ngày 16 - 19/10/2019 và đợt 2 từ 8 - 9/11/2019 với 3 hố.
Kết quả khai quật đã phát hiện được 24 hố chôn cọc và 27 cọc gỗ. Các cọc gỗ này gãy phần đầu, màu đỏ sẫm, rắn chắc, phân bố không thẳng hàng, nằm cách nhau theo chiều Đông Tây khoảng 5 - 7m, chiều Bắc Nam 3,5 - 5m. Đường kính cọc khá lớn từ 26 - 46cm, một cọc đường kính 14cm, cọc dài nhất 2,7m. Trong đó, có 4 cọc nằm nghiêng từ 20 - 45 độ theo các hướng Tây, Nam.
Kết quả xác định niên đại tuyệt đối C14 là từ năm 1.270 - 1.430 sau công nguyên (AD). Nghiên cứu địa tầng cho thấy khu vực xuất lộ cọc là lòng sông bị bồi lấp. Các cọc xuất lộ trong lớp bùn xám, có thể được chôn/đóng xuống qua lớp bùn đen lẫn cát hoặc tới lớp trầm tích sét trắng lẫn vàng loang lổ.
Trên các cọc có "ngoàm" dùng để luồn dây kéo hoặc mộng ở giữa cọc để giằng ngang. Dựa trên kết quả khảo sát khảo cổ học kết hợp với các tài liệu lịch sử, văn hóa dân gian… còn lưu giữ tại địa phương, bước đầu nhận định di tích bãi cọc Cao Quỳ có thể liên quan đến chiến trường Bạch Đằng năm 1288.
Tại hội nghị, các nhà khoa học lịch sử nhận định đây có thể là bãi cọc do quân và dân nhà Trần đóng xuống dọc bờ các "lạch triều" nhằm thu hẹp dòng chảy, dồn quân địch vào những khu vực do quân ta đã mai phục rồi từ đó tấn công bằng các hướng giáp công khác như hỏa công và thủy binh...
Qua biến thiên của thời gian, địa hình, địa mạo khu vực đã thay đổi nên việc phát hiện ra bãi cọc tại Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên là căn cứ sử liệu đáng tin cậy về trận chiến trên sông Bạch Đằng năm xưa của quân và dân nhà Trần trên mảnh đất Thủy Nguyên, Hải Phòng.
Theo GS.TS Nguyễn Quang Ngọc - Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Việt Nam, phát hiện bãi cọc tại cánh đồng Cao Quỳ xã Liên Khê đã làm sáng tỏ hơn về những phát hiện rải rác các đơn thể cọc trước đây quanh khu vực. Nó thể hiện trận chiến Bạch Đằng không chỉ diễn ra ở một địa điểm mà ở cả vùng rộng lớn kéo dài từ Quảng Yên (Quảng Ninh) đến Thủy Nguyên (Hải Phòng). Phát hiện này mang ý nghĩa lớn, minh chứng cho chiến thắng vĩ đại của dân tộc và mang tầm thời đại.
Còn GS.TSKH Vũ Minh Giang - Phó chủ tịch Hội Di sản văn hóa quốc gia cho biết, phát hiện bãi cọc cánh đồng Cao Quỳ có ý nghĩa hết sức to lớn, cộng với các địa danh "trù mật" như Lưu Kiếm, Lưu Kỳ, Liên Khê mở ra hướng nghiên cứu mới về trận chiến Bạch Đằng. Chiến thắng Bạch Đằng không những có ý nghĩa đối với dân tộc Đại Việt lúc bấy giờ mà còn có ý nghĩa to lớn với thời đại, vì chiến thắng lợi Bạch Đằng của quân và dân nhà Trần đã bắt đầu làm suy yếu sức mạnh của đế chế Nguyên Mông và suy giảm ý chí tấn công các khu vực khác như Nhật Bản và Đông Nam Á.
Di tích bãi cọc Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên |
Niềm tự hào của người dân TP Cảng
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, có một dòng sông gắn liền với những chiến thắng vĩ đại trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm - sông Bạch Đằng. Sông Bạch Đằng đoạn chảy qua huyện Thủy Nguyên là hợp lưu của nhiều nhánh sông, dài khoảng hơn 20km, nối từ thượng lưu sông Đá Bạc đến cửa biển Nam Triệu. Trong thời kỳ phong kiến, sông Bạch Đằng luôn giữ vị trí trọng yếu về quân sự, giao thương đường thủy.
Trong cả 3 trận chiến hào hùng đó, địa phận thuộc Hải Phòng ngày nay là một trong những địa bàn trọng yếu. Phía hữu ngạn sông Bạch Đằng thuộc huyện Thủy Nguyên ngày nay chính là nơi giăng đầy những trận địa cọc, là nơi đóng đại bản doanh của các vị chủ soái, là nơi tích trữ lương thảo, bày binh bố trận và là địa bàn chủ yếu diễn ra các trận đánh.
Quân và dân Hải Phòng đã tham gia rất tích cực, đóng góp nhiều sức người, sức của, góp phần làm nên các chiến thắng vẻ vang trên dòng sông lịch sử. Điều trùng hợp rất đặc biệt là cả 3 chiến thắng đều gắn liền với một trận địa độc đáo - trận địa cọc gỗ.
Đây cũng là điều mà các nhà nghiên cứu lịch sử Việt Nam, các nhà khảo cổ cùng nhiều thế hệ lãnh đạo, người dân Hải Phòng đều rất mong muốn tìm thấy một phần của trận địa cọc năm xưa trên mảnh đất Hải Phòng.
Với việc phát hiện ra bãi cọc tại Cao Quỳ lần này, các nhà khoa học cũng đặt vấn đề cần bảo tồn các giá trị văn hóa về chiến công lịch sử của cha ông và cũng cần nghiên cứu tổng thể về chiến thắng mang tầm thời đại trên dòng Bạch Đằng Giang huyền thoại.
Từ những báo cáo và ý kiến của Viện Khảo cổ học, các nhà khoa học, chuyên gia, TP Hải Phòng sẽ chỉ đạo các Sở, ngành liên quan để hoàn thiện các thủ tục tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin, các diễn đàn khoa học trong nước và quốc tế về phát hiện và kết quả khai quật bãi cọc Cao Quỳ.
Đồng thời, chỉ đạo Sở Văn hóa và Thể thao khẩn trương triển khai thủ tục công nhận di tích lịch sử cấp TP; xúc tiến các thủ tục đề nghị công nhận di tích cấp quốc gia đặc biệt cho bãi cọc; tổ chức khảo sát tổng thể trên phạm vi rộng từ khu vực xã Liên Khê dọc theo sông Đá Bạc đến Khu Di tích Bạch Đằng Giang, thị trấn Minh Đức, huyện Thủy Nguyên để lập quy hoạch và xây dựng Dự án hạ tầng kỹ thuật, nhằm khai thác, phát huy giá trị của bãi cọc Cao Quỳ cùng các di tích trong khu vực.
Trong đó, yêu cầu bảo đảm về đường giao thông, hệ thống cây xanh, công viên, bãi đỗ xe, khu vực tham quan, tìm hiểu bãi cọc cùng các công trình hạ tầng phục vụ người dân, du khách đồng bộ, liên hoàn, hiện đại.