Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hai phương án cho hình thức kỷ luật “giáng chức”

Vũ Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xử lý kỷ luật cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu là một nội dung mới nhận được nhiều sự tán thành khi Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức được trình ra Quốc hội, chiều 24/5.

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, ý kiến các bộ ngành, địa phương đều nhất trí với việc bổ sung quy định về xử lý kỷ luật hành chính đối đối tượng này khi phát hiện vi phạm trong thời gian công tác.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, một số ý kiến đề nghị cân nhắc về tính pháp lý vì đối tượng này không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật. Đặc biệt là hệ quả pháp lý của việc xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm tại thời điểm có hành vi vi phạm thì những văn bản, quyết định của những người này ký còn hiệu lực hay không.
 Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trình Dự Luật
Tờ trình của Chính phủ nhận định, đây là hình thức xử lý kỷ luật mới, đối tượng áp dụng tương đối rộng nên thực tế có thể phát sinh một số vấn đề pháp lý khác nhau đối với các đối tượng khác nhau. Vì vậy, những nội dung này Chính phủ báo cáo Quốc hội cho phép quy định chi tiết ở Nghị định.
Liên quan đến xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu, thẩm tra về Dự án Luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban tán thành với Chính phủ để thể chế hóa yêu cầu trong nghị quyết T.Ư đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn. Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra đề nghị tách nội dung này thành điều riêng để thể hiện rõ hơn vấn đề này trong dự thảo luật và nghiên cứu quy định về các hình thức xử lý kỷ luật phải bảo đảm hệ quả pháp lý gắn trực tiếp với quyền lợi cá nhân về vật chất, tinh thần mà người có hành vi vi phạm đã được hưởng trong thời gian công tác hoặc nghỉ hưu nhằm có tính răn đe, thuyết phục cao hơn.
Trong Dự Luật lần này, về các hình thức kỷ luật để tương ứng với các hình thức kỷ luật của Đảng, Dự Luật đề xuất bỏ hình thức kỷ luật “giáng chức” để bảo đảm xử lý kỷ luật nghiêm đối với người giữ chức vụ có hành vi vi phạm.
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, để xin ý kiến Quốc hội, cơ quan soạn thảo đưa ra hai phương án. Phương án một, đó là không tiếp tục quy định hình thức kỷ luật “giáng chức”, bởi vì việc quy định đồng thời 2 hình thức kỷ luật “giáng chức” và “cách chức” áp dụng đối với những người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý dễ dẫn đến tình trạng nể nang, chỉ áp dụng hình thức “giáng chức” thay vì phải áp dụng hình thức “cách chức”.
Ngoài ra, quy định về hình thức kỷ luật “giáng chức” là không phù hợp với việc bố trí công chức theo vị trí việc làm. Hình thức “giáng chức” thực chất là bổ nhiệm vào chức vụ thấp hơn, trong khi đó tại vị trí được bổ nhiệm đã xác định đủ số lượng lãnh đạo, quản lý. Để bảo đảm tính nghiêm minh, sự nghiêm khắc đối với các hành vi vi phạm, đặc biệt là các hành vi vi phạm của công chức lãnh đạo, quản lý, tránh tình trạng lợi dụng quy định để xử lý kỷ luật ở mức độ nhẹ hơn thì dự thảo Luật không tiếp tục quy định hình thức kỷ luật “giáng chức”.
Phương án hai là giữ hình thức kỷ luật “giáng chức” như luật hiện hành, bởi vì quy định hình thức xử lý kỷ luật “giáng chức” đối với những người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý là cần thiết, mang tính răn đe cao. Việc bỏ đi một hình thức kỷ luật sẽ gây khó khăn trong việc áp dụng hình thức kỷ luật tương ứng với hành vi vi phạm của đội ngũ công chức lãnh đạo, quản lý.
“Dự Luật trình Quốc hội theo phương án không tiếp tục quy định hình thức kỷ luật giáng chức (phương án một)”- Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết.
 Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định. Ảnh: quochoi.vn
 Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, nhiều ý kiến trong Ủy ban Pháp luật tán thành phương án 2 tiếp tục giữ quy định về hình thức kỷ luật “giáng chức”. Theo Chủ nhiệm Nguyễn Khắc Định, nhiều ý kiến cho rằng, về mặt pháp lý quy định hình thức xử lý kỷ luật “giáng chức” đối với những người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý là cần thiết, mang tính răn đe cao và thực tế thời gian qua căn cứ vào quy định này của Luật Cán bộ, công chức hình thức kỷ luật “giáng chức” cũng đã được áp dụng.
Ngược lại quan điểm một số ĐB cho rằng vẫn nên giữ hình thức kỷ luật này, ĐB Phan Viết Lượng (đoàn Bình Phước) cho rằng, không nên thực hiện quy định “giáng chức” mà cần “cách chức”. Bởi theo ĐB những người có chức vụ quyền hạn thì phải có tính gương mẫu, nhất là T.Ư đã có quy định về trách nhiệm nêu gương. “Chả nhẽ vi phạm lại giáng chức xuống chức thấp hơn vậy xuống chức đó có đủ tiêu chuẩn hay không?”- ĐB đặt câu hỏi. Và cho rằng, lãnh đạo cấp cao vi phạm vì giáng chức xuống chức thấp hơn cũng không đủ tiêu chuẩn vì bản thân đã “thiếu tính gương mẫu”. Như vậy bố trí việc sẽ ra sao?, làm ảnh hưởng đến công tác điều hành. Do đó nên thực hiện “cách chức” thay vì “giáng chức”.