Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hải quan Hà Nội tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phục hồi xuất nhập khẩu

Nguyên Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2024, Cục Hải quan Hà Nội thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước 33.570 tỷ đồng, cao hơn dự toán được giao năm 2023 (33.160 tỷ đồng). Đây là nhiệm vụ khó khăn trong bối cảnh tình hình sản xuất, xuất nhập khẩu của doanh nghiệp vẫn đang từng bước phục hồi.

 Nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp

Năm 2023, tình hình xuất nhập khẩu có dấu hiệu chững lại, nhiều doanh nghiệp không có đơn hàng nên nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu phục vụ sản xuất của doanh nghiệp giảm. Một số nhóm mặt hàng chính giảm nhiều về kim ngạch nhập khẩu có thuế và số thu ngân sách. Cụ thể, 10 nhóm mặt hàng có tổng kim ngạch là 5,1 tỷ USD/7,3 tỷ USD, giảm 29,9% so với cùng kỳ năm 2022; giảm mạnh nhất là nhóm mặt hàng: nguyên phụ liệu thuốc lá; hóa chất và sản phẩm; máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; linh kiện, phụ tùng ô tô…

Bên cạnh đó, số lượng doanh nghiệp làm thủ tục nhập khẩu tại đơn vị cũng giảm đáng kể, với hơn 24.600 doanh nghiệp, giảm khoảng 8% so với cùng kỳ năm 2022.

Hải quan Hà Nội tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phục hồi xuất nhập khẩu - Ảnh 1
Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan Gia Thụy (Cục Hải quan Hà Nội). Ảnh: N.Linh

 

Những khó khăn của năm 2023 dự báo vẫn còn kéo dài sang năm 2024. Do đó để thực hiện tốt nhiệm vụ thu ngân sách, Cục Hải quan Hà Nội xác định tăng cường các giải pháp để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phục hồi xuất nhập khẩu. Trong đó, những giải pháp, sáng kiến đã phát huy hiệu quả năm 2023 sẽ được nhân rộng trong năm 2024. Chẳng hạn, Chi cục Hải quan Bắc Hà Nội đã xây dựng được cơ chế làm việc 3 bên thông qua việc ký biên bản hợp tác giữa Hải quan và Hiệp hội logistics Hà Nội; thiết lập Nhóm làm việc chung Hải quan – Doanh nghiệp logistics, đại lý làm thủ tục hải quan-doanh nghiệp xuất nhập khẩu để đảm bảo các thông tin, vướng mắc của doanh nghiệp; các hướng dẫn, hỗ trợ của cơ quan Hải quan được ghi nhận và xử lý nhanh chóng.

Mô hình này được Cục Hải quan Hà Nội xác định sẽ nhân rộng tới một số chi cục tập trung nhiều doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics như: Bắc Thăng Long, Hòa Lạc... Đồng thời, đơn vị cũng nghiên cứu mở rộng nội dung hợp tác với các hiệp hội theo các chuyên đề gắn liền với ngành hàng, đặc thù hoạt động của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, nhằm lan tỏa hơn nữa Chương trình thí điểm doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan, Cục Hải quan Hà Nội kiến nghị Tổng cục Hải quan cụ thể hóa lợi ích của doanh nghiệp thành viên Chương trình để thúc đẩy doanh nghiệp tham gia; đơn giản hóa và kết hợp nội dung của Bên bản ghi nhớ và kế hoạch hành động để giảm bới thời gian, thủ tục và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia. Thay đổi một số tiêu chí rà soát các doanh nghiệp tham gia chương trình theo hướng mở rộng các tiêu chí, tạo điều kiện và động lực cho các doanh nghiệp tham gia chương trình.

Liên quan đến vấn đề soi chiếu, Cục Hải quan Hà Nội đề xuất Tổng cục đối với các doanh nghiệp có chỉ số rủi ro thấp (hạng 1, 2, 3) và đã soi chiếu 3 lần không vi phạm/năm, không tiếp tục đưa vào danh sách soi chiếu trừ các trường hợp có thông tin nghi vấn rõ ràng.

Thường xuyên rà soát đánh giá rủi ro trong thông quan

Trưởng phòng Thuế xuất nhập khẩu (Cục Hải quan Hà Nội) Nguyễn Thị Bích Liên cho biết, ngoài các giải pháp tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, Cục Hải quan Hà Nội tập trung các giải pháp nghiệp vụ để nâng cao quản lý hải quan, thực hiện tốt nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước như: nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, chống thất thu, gian lận thương mại trong thực hiện nhiệm vụ. Rà soát, thực hiện kiểm tra tên hàng, mã số, mức thuế tại khâu thông quan, khâu sau thông quan để phát hiện và xử lý các trường hợp khai sai mã số, khai nguỵ trang tên hàng hoặc khai tên hàng không rõ ràng, đầy đủ để được áp dụng mức thuế thấp hoặc được hưởng các mức thuế ưu đãi đặc biệt trong đó tập trung kiểm tra những mặt hàng thuộc danh mục hàng hoá XNK rủi ro về phân loại và áp dụng mức thuế.

Tăng cường thực hiện kiểm tra, tham vấn trị giá trong khi làm thủ tục hải quan, kiểm tra trị giá sau thông quan đối với những mặt hàng và doanh nghiệp có rủi ro khai báo sai về trị giá, nhằm xác định đúng trị giá hải quan, trị giá tính thuế... Đồng thời thường xuyên đánh giá tình hình thu ngân sách nhà nước, tăng cường rà soát, nắm vững nguồn thu chính của chi cục, phân tích sự biến động tăng, giảm số thu từng tháng để đề xuất và triển khai các giải pháp tăng thu, chống thất thu ngân sách nhà nước.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Phòng Thuế xuất nhập khẩu cho biết, một trong những giải pháp sẽ được Cục Hải quan Hà Nội tập trung triển khai trong năm 2024 là tăng cường hiệu quả, chất lượng công tác tự kiểm tra, kiểm soát nội bộ tại các chi cục, thực hiện rà soát đánh giá, phân tích rủi ro trong thông quan đối với hàng hoá xuất nhập khẩu có nguy cơ, tiềm ẩn rủi ro gian lận về mã số, trị giá, số lượng, công tác miễn giảm hoàn thuế, thực hiện đúng các văn bản pháp luật và hướng dẫn về công tác phân loại, áp mức thuế, xác định trị giá để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các trường hợp gian lận thương mại, trốn thuế.