Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Hamlet” - giải “cơn khát” Shakespeare của sân khấu Việt

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Làng kịch đang ngóng chờ sự trở lại của vở kịch kinh điển "Hamlet" (William Shakespeare) được phục dựng trên sân khấu Việt.

Theo tiết lộ của Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam Nguyễn Thế Vinh, vở kịch được đầu tư hơn 1 tỷ đồng (mức đầu tư lớn so với các vở kịch Việt Nam hiện nay). Chính vì vậy các đơn vị nghệ thuật phải cần 2 - 3 năm mới dám "chơi" kịch kinh điển một lần.

Khởi dựng sau nhiều lần ngắt quãng

Vở "Hamlet" từng được Nhà hát kịch Hà Nội phục dựng từ cách đây hơn 10 năm. Nhưng sau những thay đổi của sân khấu, vở kịch kinh điển của Shakespeare hoàn toàn vắng bóng trên sân khấu. Cách đây vài năm, đoàn Kịch hình thể của Nhà hát Tuổi trẻ đã dàn dựng "Hamlet", nhưng dưới dạng thể nghiệm hình thể nên không giải tỏa được nỗi ước mong của người làm sân khấu cũng như khán giả.
NSND Đỗ Doãn Châu và NSƯT Anh Tú giới thiệu về thiết kế sân khấu của vở kịch “Hamlet”.
NSND Đỗ Doãn Châu và NSƯT Anh Tú giới thiệu về thiết kế sân khấu của vở kịch “Hamlet”.
Quyết định phục dựng "Hamlet" lần này của Nhà hát Kịch Việt Nam cũng là "con đường tìm lại chính mình", tìm lại danh hiệu "anh cả đỏ của làng kịch Việt", sau thời gian dài trải qua những biến động. Hơn nữa, lần khởi dựng này còn mang theo kỳ vọng những nghệ sĩ của thế kỷ XXI sẽ tạo nên một vở kịch mang hơi thở khác. "Thế giới cũng có nhiều bản phim "Hamlet". Tôi từng xem phim "Hamlet" của Nga, của Hollywood với Mel Gibson (Hamlet), Glenn Close (hoàng hậu Gertrude) đóng, nhưng tôi không thích. Tôi tiếp cận một bản dựng của sân khấu Đức, nói thật cũng không ưng nốt: Ít hành động, nói quá nhiều. Độc thoại rất cần trong những vở cổ điển, nhưng chúng ta phải luôn nghĩ là làm cho khán giả xem và nghe" - NSƯT Anh Tú, người được kỳ vọng là thổi hồn cho "Hamlet" trong vai trò đạo diễn lần này chia sẻ.

Có Việt hóa “Hamlet”?

Chia sẻ về tính thời đại của vở kịch, đạo diễn Anh Tú đầy hồ hởi: "Tư tưởng chủ đề lần này, chúng tôi chọn một Hamlet đối đầu và quyết liệt tiêu diệt tận cùng tội ác, dù phải trả giá đắt. Những người phạm tội ác toàn là hoàng thân quốc thích, nếu không vạch mặt chỉ tên, không tiêu diệt thì không còn xã hội loài người. Tính thời đại nằm ở đó - không khoan nhượng với tội ác". Đây cũng là thông điệp vượt mọi thời đại của vở kịch mà vị đạo diễn này muốn gửi gắm đến khán giả Việt ngày hôm nay.

Không định Việt hóa "Hamlet", nhưng rõ ràng, dưới bàn tay phục dựng của người làm sân khấu Việt, vở kịch của William Shakespeare sẽ có sự gần gũi với con người mảnh đất hình chữ S. Bởi ngay từ buổi đầu giới thiệu về vở diễn, người ta đã thấy sự cộng hưởng của rất nhiều gương mặt nghệ sĩ tài năng. Tính dân gian đương đại cùng sự sâu lắng trong âm nhạc khiến Giáng Son được chọn là người phụ trách âm nhạc trong vở diễn lần này. Không chỉ chịu trách nhiệm sáng tác các ca khúc mới phù hợp với vở diễn, Giáng Son phải sử dụng nhiều đoạn thơ làm chất liệu chuyển thể ca khúc trong vở diễn. Ngoài ra, những gương mặt nghệ sĩ "gạo cội" gắn bó với kịch Shakespeare như NSND Đỗ Doãn Châu, họa sĩ Trần Thị Tình... cũng được "huy động" cho vở diễn này. Không hổ danh là "người yêu Shakespeare kinh khủng" như lời ông nói, sau những đêm thức trắng trăn trở NSND Đỗ Doãn Châu đã xây dựng được thiết kế sân khấu vừa sang trọng, giàu giá trị biểu diễn và tiện lợi cho các phần chuyển cảnh của kịch bản.

Cũng nhiều người thắc mắc về lựa chọn diễn viên hài quen mặt như Xuân Bắc trong vai Hamlet, bên cạnh diễn viên của kíp chính là Tạ Tuấn Minh, phải chăng tên tuổi Xuân Bắc được lấy làm yếu tố tạo sự chú ý cho vở diễn? Song, đạo diễn Anh Tú chia sẻ: "Thời gian gần đây Xuân Bắc trở lại chính kịch đạt nhiều thành công, đặc biệt trong vở "Bệnh sĩ" của Lưu Quang Vũ. Đó là lý do Ban giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam phân vai Hamlet cho Xuân Bắc. Thực tế nhiều vai không như ý, diễn viên được hình thể thì hỏng đài từ và ngược lại. Không thể cầu toàn, đành làm với những gì mình có và phải vượt khó vậy thì mới có đủ tự tin để lần sau tiếp tục phục dựng Shakespeare".

Lần phục dựng "Hamlet" của Nhà hát Kịch Việt Nam năm 2015 không chỉ giải "cơn khát" kịch Shakespeare cho khán giả Việt mà còn hướng đến cuộc chơi chung của Festival Shakespeare toàn cầu năm 2016.