Nhiều công trình mới phát sinh
Theo báo cáo tại phiên giải trình của Thường trực HĐND Hà Nội về quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn TP mới đây, trên địa bàn TP vẫn còn một số công trình nhà “siêu mỏng, siêu méo” tồn đọng cũ chưa được giải quyết; đồng thời tiếp tục phát sinh các thửa đất, công trình “siêu mỏng, siêu méo” trên một số tuyến đường, tuyến phố mới mở gây mất mỹ quan chung của TP.
Những năm qua, mặc dù chính quyền TP Hà Nội đã có nhiều biện pháp quản lý từ mọi cấp ngành, chính quyền địa phương, lực lượng thanh tra song trên thực tế tình trạng nhà “siêu mỏng, siêu méo” vẫn còn khá phổ biến. Đặc biệt là các tuyến đường sau khi hoàn thành việc cải tạo, mở rộng đường đều vẫn còn tồn tại các ô đất hay dạng công trình “khó xử” này.
KTS Hoàng Quang Huy - Phó Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nhìn nhận, công trình "siêu mỏng, siêu méo" giống như một mắt xích lỗi trong thiết kế đô thị. Vấn đề này bắt đầu từ công tác quy hoạch. Những người làm công tác quy hoạch đã xây dựng phương án tối ưu để thực hiện dự án, nhưng lại “bỏ quên” các mảnh đất nhỏ, mảnh đất có góc nhọn khi dự án đi qua.
“Khi quy hoạch không tính đến phương án thu hồi hay sử dụng những mảnh đất này như thế nào, nên về pháp lý nó vẫn thuộc quyền sở hữu của cá nhân và họ vẫn có nhu cầu ở, sinh sống trên mảnh đất đó cho dù là nó rất nhỏ, rất méo, không đủ các tiêu chí của luật đề ra” - ông Hoàng Quang Huy nói.
Ghi nhận thực tế, tại Dự án Đầu tư mở rộng đường Vành đai 3, trên tuyến Phạm Văn Đồng đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long đang được triển khai. Mặc dù đường chưa hoàn thiện, nhưng đã có nhiều công trình, nhà ở dạng "siêu mỏng, siêu méo" được xây dựng, cá biệt một số công trình có chiều cao từ 5 - 6 tầng vẫn “hiên ngang” mọc lên, bất chấp lệnh cấm của UBND TP Hà Nội.
"Hiện nay, mọi người đều biết về mặt thẩm mỹ và cảnh quan thì các công trình “siêu mỏng, siêu méo” là sai thiết kế đô thị, vi phạm trật tự xây dựng. Trong bản vẽ xin phép xây dựng nhà ở tư nhân không thể hiện rõ ràng. Tức là bản vẽ xin phép xây dựng đều thể hiện được sự quan tâm đến không gian sống và thẩm mỹ đô thị, mà thực chất chỉ là những sơ đồ thể hiện sự “chặt trước lùi sau”. Đến khi công trình hoàn thiện mới lộ ra hết những hạn chế của nó, thì “sự đã rồi”, vì vậy công tác quản lý, giám sát cần phải tiến hành chặt chẽ hơn." - Thạc sĩ, kỹ sư Nguyễn Minh Ngọc - Hội KTS Việt Nam |
Về vấn đề này, KTS Hoàng Quang Huy cho rằng, việc có quá nhiều mảnh đất méo mó được hình thành từ các dự án ắt sẽ có những công trình dạng "siêu mỏng, siêu méo" mọc lên, nó tồn tại một cách khách quan, nhưng cũng là kết quả mang tính chủ quan, mà trong đó có sự “lách luật” và cơ chế “xin - cho” để các công trình này có thể tồn tại.
Bài toán nan giải
Để hạn chế các công trình “siêu mỏng, siêu méo” mới phát sinh, UBND TP Hà Nội đã đưa ra quyết định, yêu cầu các quận, huyện, thị xã trên địa bàn tiến hành hợp thửa, hợp ô đối với mảnh đất không đủ điều kiện xây dựng.
Tuy nhiên, về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm Nguyễn Thị Nắng Mai cho biết, trên địa bàn hiện có 71 trường hợp nhà, đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng đã ra thông báo yêu cầu hợp thửa, hợp khối. “Nhưng trên thực tế để thực hiện là tương đối khó khăn vì không phải gia đình nào cũng đủ điều kiện tài chính để làm” - bà Mai chia sẻ.
Cùng quan điểm, Thạc sĩ Đinh Quốc Thái - chuyên gia về quản lý đô thị cho biết, khó khăn nhất của việc xử lý các công trình "siêu mỏng, siêu méo" đó là vấn đề sở hữu cá nhân và nguồn lực tài chính của Nhà nước. Khi mở đường, Nhà nước chỉ tập trung tài chính để đền bù những phần đất nằm trong chỉ giới đường đỏ của dự án, đối với những phần đất nhỏ hẹp bên cạnh chỉ giới thì không được bố trí kinh phí đền bù.
Theo Thạc sĩ Đinh Quốc Thái, thời gian tới, khi TP triển khai mở rộng và cải tạo thêm nhiều tuyến đường khác, cần phải làm tốt công tác quy hoạch, xây dựng kế hoạch thu hồi, sử dụng những phần đất không đủ điều kiện xây dựng và chuẩn bị thêm nguồn tài chính để thực hiện việc này.