Hạn chế đốt vàng mã: Hành trình còn dài

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước việc hàng trăm tỷ đồng của người dân đổ vào đồ vàng mã, Bộ VHTT&DL chủ trương giao cho Viện Văn hóa nghệ thuật (VHNT) Việt Nam nghiên cứu đề án hạn chế tình trạng này.

Tuy nhiên, rất khó để đo tính khả thi của một đề án nghiên cứu vấn đề tâm linh. Phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trò chuyện với TS Từ Thị Loan – quyền Viện trưởng Viện VHNT xung quanh quá trình thực hiện đề án này.
Hạn chế đốt vàng mã: Hành trình còn dài - Ảnh 1
 Hơn một năm nay, Bộ VHTT&DL đã giao cho Viện VHNT nghiên cứu đề án hạn chế đốt vàng mã ở đền Bà Chúa Kho, để từ đó nhân rộng ra các di tích khác. Bà có thể cho biết, đề án đang thực hiện đến giai đoạn nào?

- Năm 2014, chúng tôi mới chỉ nghiên cứu tiền khả thi, nên mới hình thành được báo cáo đánh giá hiện trạng trình Bộ VHTT&DL. Trong cuộc họp tổng kết của ngành vừa qua, Bộ trưởng tiếp tục giao cho Viện
Các quy định về cấm đốt vàng mã hiện chưa rõ ràng, còn bất cập. Trong khi Nghị định 103/2009/NĐ-CP quy định "cấm đốt đồ mã nơi công cộng" thì Nghị định 158/2013/NĐ-CP lại là "cấm đốt vàng mã sai nơi quy định". Chính vì vậy, việc đốt đồ mã, thanh tra chỉ có thể nhắc nhở, xử lý ngoài đường hoặc trong không gian lễ hội, còn nếu đốt nhiều mà đốt trong các lò hóa mã do ban quản lý di tích bố trí thì không sao. Trong khi đó, việc sản xuất, vận chuyển đồ mã cũng chưa có quy định cấm hay hạn chế nào.

Ông Phạm Xuân Phúc - Phó Chánh thanh tra Bộ VHTT&DL

Đốt vàng mã là nghi lễ truyền thống, vì thế không nên bài trừ. Thay vào đó, nhà quản lý cần tuyên truyền, giáo dục để người dân thay đổi hành vi.

TS Lương Hồng Quang - Phó Viện trưởng Viện VHNT Việt Nam

 
xây dựng đề án nghiên cứu hạn chế đốt vàng mã ở đền Bà Chúa Kho, để nếu thành công sẽ nhân rộng ra các mô hình khác. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn đang loay hoay, bởi phải chờ văn bản giao việc chính thức từ Bộ mới có nguồn ngân sách để thực hiện. Hơn nữa, khi đã là đề án để hình thành văn bản quản lý thì phải nghiên cứu một cách thấu đáo, nếu không sẽ phản tác dụng.

Theo bà, điểm khó trong việc xây dựng đề án này là gì?

- Khi Bộ trưởng giao việc, nói thật là chúng tôi rất lo lắng. Bởi vì việc nghiên cứu hạn chế đốt đồ vàng mã không giống như đề án phát ấn đền Trần chỉ kéo dài 1 - 2 ngày, mà trải dài từ mùa Đông sang Xuân, không chỉ ở đền Bà Chúa Kho mà nhiều nơi. Hơn nữa, đốt vàng mã cũng không phải có tiêu chí phân biệt như linh vật ngoại lai. Đó là chưa kể tôi rất buồn là trong đợt khảo sát sơ bộ năm 2014, khi hỏi 200 người đi lễ chùa và người bán hàng ở đền Bà Chúa Kho về Nghị định 158, rất nhiều người dân chưa biết, số ít có biết nhưng vẫn đốt theo tục lệ. Như vậy, phải chăng là chúng ta tuyên truyền còn hạn chế và thực thi quy định của pháp luật chưa nghiêm tại một số di tích và lễ hội?

Thực hiện chủ trương hạn chế đốt vàng mã của Chính phủ, Bộ VHTT&DL chỉ được giao xử lý phần ngọn, xử lý hành vi ứng xử ở nơi sử dụng vàng mã. Trong khi đó, quá trình vận chuyển, sản xuất, lưu thông thì không ai hạn chế. Trong chuyến đi thực tế về làng tranh Đông Hồ (Bắc Ninh), tôi đã thấy có tới 90% hộ gia đình chuyển từ sản xuất tranh sang sản xuất vàng mã hình nhân thế mạng. Nhìn mà cứ thấy đau lòng. Thực tế này sẽ làm khó cho các nhà nghiên cứu chúng tôi.

Vậy theo bà, giải pháp nào để hạn chế được tình trạng đốt vàng mã trong các lễ hội?

- Chúng ta chỉ có cách “giải thiêng” cho vấn đề này, tuyên truyền để người dân hiểu không phải đốt nhiều là thế giới âm nhận nhiều, phát nhiều lộc. Ví dụ như chiếc ấn ở đền Trần, sau khi được “giải thiêng”, các nhà khoa học chỉ rõ đó là chiếc ấn có từ thời Nguyễn không phải từ thời Trần, thì hiện tượng đổ xô đi xin ấn đã giảm. Hoặc mấy năm gần đây, tình trạng kinh tế khó khăn, người ta đi cúng nhiều, đốt nhiều vãng mã, nhưng cầu cũng không còn thiêng nên tư duy của người lễ chùa cũng đã đổi. Có lẽ Nhà nước phải nghĩ đến biện pháp tăng thuế mặt hàng này để người mua phải đắn đo.

Dự kiến khi nào Bộ VHTT&DL có thể ban hành văn bản quản lý đốt vàng mã ở các di tích từ đề án nghiên cứu của Viện?

- Ngay những ngày cận Tết, Viện sẽ cử đoàn đi thực tế, sau đó tổ chức tọa đàm giữa nhà nghiên cứu, những người trông coi ban quản lý di tích để họ tư vấn một số sáng kiến. Chúng tôi chắc chắn lựa chọn nhiều phương án khác nhau chỉ ra mặt được, mặt chưa được để lựa chọn giải pháp tốt nhất. Và nếu có thể ra được một văn bản quản lý từ đề án này thì cũng phải đến cuối năm 2015 và áp dụng cho mùa lễ hội 2016.

Xin cảm ơn bà!