Đối tượng áp dụng là tổ chức, cá nhân tổ chức biểu diễn nghệ thuật; tổ chức, cá nhân sản xuất phim, phát hành phim, phổ biến phim, phân loại phim; diễn viên tham gia trong tác phẩm điện ảnh, biểu diễn nghệ thuật; tổ chức, cá nhân khác liên quan trong tác phẩm điện ảnh, sân khấu.
Thông tư nêu rõ, không dùng hình ảnh diễn viên sử dụng thuốc lá trong tác phẩm điện ảnh, sân khấu, trừ 2 trường hợp. Thứ nhất, việc dùng hình ảnh diễn viên sử dụng thuốc lá nhằm phê phán, lên án các hành vi bị nghiêm cấm quy định tại Điều 9 và hành vi vi phạm nghĩa vụ của người hút thuốc lá quy định tại Điều 13 của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Thứ hai, việc dùng hình ảnh diễn viên sử dụng thuốc lá trong tác phẩm điện ảnh, sân khấu nhằm mục đích nghệ thuật thực hiện theo quy định tại Điều 4 và Điều 5 Thông tư này.
Thông tư cũng hướng dẫn cụ thể 3 trường hợp được dùng hình ảnh diễn viên sử dụng thuốc lá trong sân khấu nhằm mục đích nghệ thuật bao gồm: khắc họa hình tượng nhân vật lịch sử có thật; tái hiện một giai đoạn lịch sử nhất định; phê phán, lên án hành vi sử dụng thuốc lá. Khi sử dụng thuốc lá nhằm mục đích nghệ thuật, diễn viên không thực hiện hành vi hút thuốc thật trên sân khấu.
Trường hợp phim có nhiều cảnh diễn viên sử dụng thuốc lá theo đánh giá của Hội đồng thẩm định, phân loại phim thì việc phổ biến phim phải bảo đảm các yêu cầu: thực hiện mức phân loại phim, cảnh báo theo quy định tại Thông tư số 05/2023/TT-BVHTTDL ngày 5/4/2023 của Bộ trưởng Bộ VHTT&DL; đồng thời có cảnh báo sức khỏe về tác hại của thuốc lá bằng chữ hoặc hình ảnh.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/1/2025. Thông tư số 25/2018/TT-BVHTTDL ngày 30/8/2018 của Bộ VHTT&DL quy định hạn chế hình ảnh diễn viên sử dụng thuốc lá trong tác phẩm sân khấu, điện ảnh hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực.
Bộ VHTTT&DL giao Cục Điện ảnh, Cục Nghệ thuật biểu diễn căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn có trách nhiệm phối hợp với Vụ Pháp chế hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện Thông tư này trong phạm vi cả nước.