Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hạn chế những sự cố rác thải: Sớm thực thi giải pháp tổng thể

Vân Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vừa qua, một số người dân xã Hồng Kỳ và Nam Sơn (huyện Sóc Sơn) tiếp tục dựng lều, bạt… chặn xe chở rác vào Khu Liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn.

Đây là lần thứ 2 trong năm 2020 và lần thứ 15 từ trước đến nay bãi rác lớn nhất Thủ đô xảy ra cố như vậy. Theo nhiều chuyên gia, những sự cố như trên hoàn toàn có thể tiếp diễn nếu không có biện pháp tức thì và dài hơi.

Hệ lụy của công nghệ chôn lấp

Nguyên nhân khiến người dân 2 xã Nam Sơn, Hồng Kỳ chặn xe chở rác là do người dân bức xúc trong việc chậm GPMB vùng bán kính 500m cũng như liên quan đến các vấn đề khác như bảo hiểm y tế, nước sạch… Song, theo nhiều chuyên gia, nguyên nhân sâu xa của vụ việc bắt nguồn từ chính công nghệ chôn lấp và những hệ lụy phát sinh.
 Công nhân thu gom rác thải ùn ứ tại huyện Mê Linh. Ảnh: Chiến Công
Khu Liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn được đưa vào khai thác, sử dụng từ năm 1999, giai đoạn 1 có diện tích 83,5ha với 10 ô chôn lấp, khối lượng rác đã tiếp nhận 17,3 triệu tấn. Giai đoạn 2 bao gồm khu phía Nam được đưa vào vận hành năm 2016, diện tích 37ha, gồm 9 ô chôn lấp, khối lượng rác thải được phép tiếp nhận theo thiết kế trên 4,9 triệu tấn. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của xã hội, Khu Liên hợp xử lý rác thải trên đang quá tải lượng rác và nước rác phải xử lý hàng ngày.

Ngoài ra, trong quá trình vận chuyển rác lên bãi, tập kết rác, xử lý… tình trạng nước rỉ rác bị rơi vãi ra đường hay mùi hôi thối khó chịu bốc ra từ bãi rác đã gây ảnh hưởng đến công tác đảm bảo VSMT, cuộc sống của người dân trong khu vực. “Nếu những bất cập trên không được giải quyết kịp thời sẽ khiến người dân bức xúc” - một chuyên gia nhận định.

Đến năm 2021, hoàn thành nhà máy đốt rác phát điện

Theo nhiều chuyên gia, để giải quyết các sự cố về rác tại Hà Nội, tránh tái diễn việc người dân chặn xe chở rác, điều quan trọng nhất phải thay đổi biện pháp, hạn chế những hệ lụy trong quá trình xử lý rác. TS Hoàng Dương Tùng - nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) cho hay, chôn lấp rác thải là một phương pháp xử lý đã lỗi thời, lạc hậu. Tại nhiều quốc gia, rác thải không còn là thứ bỏ đi mà đã trở thành một nguồn tài nguyên quý giá phục vụ cuộc sống. Thậm chí, tại một số quốc gia, các DN còn phải nhập khẩu rác để phục vụ hoạt động sản xuất của các nhà máy, do lượng rác chưa đáp ứng được nhu cầu.

Nhận thức rõ vấn đề này, từ nhiều năm nay, TP Hà Nội đã quy hoạch các vị trí như xã Tả Thanh Oai (Thanh Trì); Nam Sơn, Bắc Sơn (Sóc Sơn); Đồng Ké (Chương Mỹ); Châu Can (Phú Xuyên)… để xây dựng các dự án nhà máy đốt rác và phát điện. Đặc biệt, dự án Nhà máy đốt rác phát điện của Công ty Thiên Ý với công suất 4.000 tấn/ngày đang khẩn trương xây dựng để đưa vào sử dụng, dự kiến hoàn thành vào tháng 2/2021. Theo dự kiến, khi dự án đi vào hoạt động, tỷ lệ rác thải chôn lấp tại Hà Nội sẽ giảm xuống dưới 5%, thay vì khoảng 80% như hiện nay.

Từ thực tế trên, chuyên gia môi trường và chính quyền các địa phương khẳng định, biện pháp xây dựng nhà máy đốt rác, biến rác thành tài nguyên phục vụ việc phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo VSMT, giảm thiểu ô nhiễm là hết sức cần thiết. Song, trong thời gian chờ dự án nhà máy đốt rác đi vào hoạt động, biện pháp quan trọng nhất là việc hạn chế thấp nhất những hệ lụy trong quá trình thu gom, vận chuyển, xử lý rác theo phương pháp truyền thống – chôn lấp. Lãnh đạo huyện Sóc Sơn cho rằng, các đơn vị chức năng cần tập trung xử lý nghiêm những trường hợp xe chở rác làm rò rỉ rác ra đường trong quá trình vận chuyển. Đồng thời tuân thủ nghiêm các quy định trong quá trình tiếp nhận, xử lý rác để hạn chế ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân trong khu vực.

Khắc phục tồn tại, vận hành an toàn Khu Liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn

Ngày 27/10, UBND TP Hà Nội ban hành Văn bản số 5148/UBND-ĐT chỉ đạo xử lý khắc phục các tồn tại, hạn chế, bảo đảm công tác vận hành an toàn Khu Liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn.

Theo đó, rất nhiều giải pháp tổng thể đã được UBND TP chỉ đạo các sở̉, ban, ngành chức năng cùng tổ chức thực hiện. Trong đó, giao Sở Xây dựng chủ trì cùng Urenco, UBND huyện Sóc Sơn thực hiện biện pháp cấp bách để giảm thiểu mùi hôi phát thải từ ô chứa nước rỉ rác (bằng cách tăng cường phun chế phẩm khử mùi, dùng bạt che phủ...), xong trước ngày 30/10/2020. Về rà soát, giải quyết những khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh công tác GPMB; giải quyết chính sách hỗ trợ người dân tại các khu vực bị ảnh hưởng, Chủ tịch UBND TP giao UBND huyện Sóc Sơn tập trung cao độ thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, GPMB các ô chôn lấp 1.1, 1.2 giai đoạn 2, xong trước ngày 20/11/2020. Các trường hợp chây ì, không thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được phê duyệt, thực hiện biện pháp cưỡng chế thu hồi đất, GPMB theo thẩm quyền để bảo đảm tiến độ nêu trên.


Theo thống kê của Bộ TN&MT, mỗi năm Việt Nam thải ra 25 triệu tấn chất thải rắn sinh hoạt; trong đó, 30% được xử lý đốt hoặc sản xuất phân hữu cơ, 70% chôn lấp trực tiếp. Trong đó, trung bình cứ 1m3 rác thải được chôn xuống đất sẽ sinh ra 1,3m3 nước rỉ rác.