Lưu ý về sản phẩm bảo đảm quy tắc xuất xứ, tiêu chuẩn kỹ thuật "Để khai thác được tối đa lợi ích mà Hiệp định EVFTA cũng như các FTA mà Việt Nam đã ký kết, các DN Việt Nam đặc biệt là DN vừa và nhỏ, cần chủ động nghiên cứu thông tin để có sự chuẩn bị tích cực. Việc chuẩn bị nên được tiến hành toàn diện từ nghiên cứu cơ hội, thách thức của thị trường EU đến các giải pháp như nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm; phát huy lợi thế cạnh tranh, tăng hiệu suất... Cần lưu ý là để tận dụng được ưu đãi từ Hiệp định, DN cần bảo đảm sản phẩm của mình đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ, về tiêu chuẩn kỹ thuật và về vệ sinh an toàn động thực vật của EU." - Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh
Nhiều thuận lợi cho xuất khẩu nông sản "Hiệp định EVFTA, các nước EU tạo điều kiện thuận lợi cho DN Việt Nam XK nông sản thông qua việc quy định hạn ngạch. Cụ thể với mặt hàng gạo, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo (gồm 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm). Đặc biệt, EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm (giúp ta có thể XK tới 100.000 tấn tấm vào EU hàng năm). Đối với sản phẩm từ gạo, EU sẽ đưa thuế suất về 0% sau một lộ trình nhất định. Với mặt hàng đường, EU dành cho ta hạn ngạch 10.000 tấn đường trắng và 10.000 tấn sản phẩm chứa đường trên 80%. Với mật ong, EU sẽ xóa bỏ thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực và không áp dụng hạn ngạch thuế quan. Các sản phẩm củ quả, rau củ quả chế biến, nước hoa quả khác về cơ bản sẽ được xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực." - Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải
Nông nghiệp Việt Nam phải chủ động thay đổi "Cơ hội mở cửa vào các thị trường lớn cho hàng nông sản Việt với các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA… là rất lớn. Nhưng để tận dụng được cơ hội này thì nền sản xuất nông nghiệp Việt Nam phải chủ động thay đổi và khắc phục những hạn chế cố hữu là sản xuất nhỏ, yếu kém trong chế biến. Ngoài ra để phát triển bền vững trong hội nhập, DN cần phải nâng cao năng lực phòng vệ trước sự thâm nhập hàng hóa, sự cạnh tranh với các DN nước ngoài thông qua đẩy mạnh liên kết sản xuất, xây dựng thành công chuỗi giá trị cho sản phẩm nông sản." - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư TS Võ Trí Thành Theo các chuyên gia kinh tế, mặc dù Hiệp định EVFTA và các hiệp định FTA mà Việt Nam đã ký kết tạo cơ hội cho DN mở rộng thị trường XK nhưng đây là những thị trường yêu cầu khắt khe về chất lượng, an toàn thực phẩm. DN nếu không nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng được yêu cầu sẽ mất cơ hội khai thác thị trường. |
Hạn chế phụ thuộc xuất khẩu nông sản vào Trung Quốc: Vận dụng các hiệp định thương mại tự do, khai thác thị trường mới
Kinhtedothi - Những năm gần đây, nông sản Việt Nam mặc dù đã xuất khẩu (XK) đi nhiều nước trong khu vực và thế giới, nhưng vẫn phụ thuộc khá nhiều vào thị trường Trung Quốc.
Mỗi khi thị trường hơn một tỷ dân này "hắt hơi, sổ mũi", hàng nông sản Việt lại bị ùn ứ tại các cửa khẩu. Do đó, để tránh phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, trong thời gian tới DN Việt Nam cần mở rộng thị trường XK thông qua khai thác các Hiệp định thương mại tự do (FTA).
Phụ thuộc nhiều, rủi ro lớn
Ngay sau Tết Nguyên đán, dịch viêm đường hô hấp cấp (Covid - 19) lan rộng, Trung Quốc đã tạm đóng cửa biên giới nên hoạt động XK sang thị trường này phải tạm dừng, nông sản ùn ứ. Cập nhật mới nhất của Bộ Công Thương cho thấy, tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn) tồn đọng 106 xe vận tải nông sản, trái cây như thanh long, mít, ớt, nhãn.
Cửa khẩu Tân Thanh và Cốc Nam còn tồn 109 xe thanh long, 10 xe nông sản, tạp hóa, da bò, mỹ phẩm và ngưng trệ hoạt động xuất nhập khẩu. Cửa khẩu Chi Ma, tồn đọng là 2 xe (1 xe thạch đen, 1 xe hồ tiêu); cửa khẩu Ga Đồng Đăng còn tồn 41 toa (7 toa thanh long chờ xuất khẩu, 37 toa thép chờ nhập khẩu). Trong khi đó, tại cửa khẩu Kim Thành II (tỉnh Lào Cai) tồn hơn 300 xe trái cây gồm thanh long, mít, dưa hấu, chuối.
Tại tỉnh Quảng Ninh, đang tồn 36.800 tấn tinh bột sắn tại cảng Vạn Gia và cảng thủy nội địa, bên cạnh đó còn khoảng 20.000 tấn tinh bột sắn đã ký hợp đồng và đang trên đường vận chuyển ra TP Móng Cái. Ngoài ra, tại địa bàn TP Móng Cái hiện tồn 30 xe trái cây các loại, tương đương khoảng 450 tấn chưa xuất khẩu và 500 tấn trái cây DN đã có hợp đồng thu mua từ các phía phía Nam, chuẩn bị vận chuyển lên cửa khẩu.
Thực tế cho thấy việc ùn ứ nông sản XK sang Trung Quốc đã khiến người sản xuất, DN XK “điêu đứng”. Giám đốc Sở Công Thương Đồng Tháp Nguyễn Hữu Dũng cho biết, các sản phẩm nông sản của địa phương XK chủ yếu vào thị trường Trung Quốc. Khoảng một tháng nữa, sản phẩm chủ lực của Đồng Tháp là xoài với sản lượng khoảng hơn 90.000 tấn và 11.000 tấn khoai lang sẽ thu hoạch, nếu Trung Quốc kéo dài thời gian đóng biên sẽ ảnh hưởng lớn đến tiêu thụ nông sản.
Không chỉ tỉnh Đồng Tháp mới gặp khó khăn khi phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc để XK nông sản, Phó Giám đốc Sở Công Thương Bình Thuận Hà Lê Thanh Chung than thở trong tháng 2 và 3, Bình Thuận dự kiến thu hoạch hơn 96.000 tấn thanh long, nhưng dịch bệnh đang gây khó cho việc XK nông sản.
Mặc dù chưa bị ảnh hưởng nhiều trong thời điểm hiện tại, nhưng Sở Công Thương Bắc Giang cũng lo ngại nếu dịch không được kiểm soát ở Trung Quốc thì sẽ ảnh hưởng lớn đến tiêu thụ mặt hàng vải thiều bởi hàng năm thị trường Trung Quốc tiêu thụ từ 45 - 60% sản lượng.
Còn theo bà Phạm Thị Doan, Giám đốc Sở Công Thương Sơn La, tỉnh có 10 mặt hàng nông sản tham gia xuất khẩu, trong đó Trung Quốc là thị trường chính. Việc Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu, nhiều mặt hàng như xoài, nhãn, mận, chuối, thanh long, chanh leo… đang vào mùa thu hoạch sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.
Mở rộng thị trường xuất khẩu hay là “chết”
Thực tế cho thấy, nông sản Việt Nam nhiều lần rơi vào tình trạng ùn ứ khi phía Trung Quốc có động thái ngừng thu mua, điều đó cho thấy DN Việt Nam quá phụ thuộc vào một thị trường, khiến nông sản Việt rơi vào thế bị động.
Để giải quyết nút thắt này đòi hỏi DN, cơ quan quản lý phải tìm đến những thị trường XK mới, bền vững, tránh tình trạng khi một thị trường dừng mua hàng thì nông sản của Việt Nam ngay lập tức rơi vào tình trạng khó khăn tiêu thụ.
Theo nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại - PGS TS Nguyễn Văn Nam, việc Trung Quốc tạm đóng cửa biên mậu cũng là cơ hội cho DN XK nông sản giảm dần phụ thuộc vào thị trường này, đồng thời tìm thị trường mới để đa dạng hóa thị trường XK. "Chẳng hạn, trong các mặt hàng nông sản như gạo, tuy có ảnh hưởng do Trung Quốc tạm thời đóng cửa biên giới nhưng tác động không quá lớn như rau củ, trái cây và có thể chủ động tìm kiếm thị trường khác để tiêu thụ" - ông Nam phân tích.
Đồng tình với ý kiến này, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công Thương) Lê Hoàng Oanh cho biết, trong thời gian tới, cùng với việc tiếp tục duy trì ổn định hoạt động XK sang Trung Quốc, cần nghiên cứu tìm thị trường XK mới cho nông sản Việt Nam. Điển hình như với mặt hàng gạo, sẽ tập trung vào các thị trường Indonesia, Philippines, Hàn Quốc hay thị trường châu Phi.
Đối với cà phê, có thể tìm kiếm thị trường mới tại khu vực Trung Đông; còn với trái thanh long, có thể mở rộng thị trường sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông và Đài Loan… “Dư địa tăng trưởng của các thị trường XK nông sản này còn rất lớn” - bà Oanh nói.
Nói về tìm kiếm thị trường XK mới cho mặt hàng nông sản, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Phan Văn Chinh chia sẻ: Hiện đơn vị đang nghiên cứu tìm kiếm, mở rộng thị trường XK, qua đó bổ sung cho sự sụt giảm của thị trường Trung Quốc.
Trước mắt, nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, Cục đã đề nghị Thương vụ tại các nước khu vực châu Á cho phép các DN XK thanh long ruột trắng, ruột đỏ của Việt Nam chủ động tổ chức làm việc, trao đổi với Hiệp hội và các DN NK uy tín ở nước sở tại để kết nối tiêu thụ.
EVFTA - cơ hội lớn để doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu
Ngày 12/2, Nghị viện châu Âu (EP) đã chính thức bỏ phiếu phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) giữa Việt Nam và EU, đây là cơ hội cho DN mở rộng thị trường XK nông sản. Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh: EU là thị trường có 508 triệu dân, GDP 18.000 tỷ USD, điều đó cho thấy EU chính là một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam.
Đặc biệt việc EP phê chuẩn EVFTA, 100% kim ngạch XK của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu ngay sau khi hiệp định có hiệu lực hoặc sau một lộ trình ngắn, đây là cơ hội để DN đẩy mạnh XK nông sản vào thị trường này.
“Với mặt hàng nông sản, EU sẽ cắt giảm thuế quan về 0% lần lượt năm đầu tiên và sau 10 năm là 74,6% và 97,3% số dòng thuế nông nghiệp cam kết. Đối với mặt hàng rau củ quả, EU cũng cam kết xóa bỏ thuế khi EVFTA có hiệu lực, với mặt hàng thủy sản, khoảng 50% số dòng thuế sẽ được xóa bỏ, 50% dòng thuế còn lại cũng sẽ được xóa bỏ trong lộ trình 5 - 7 năm”.
Việc cắt giảm thuế nhập khẩu Hiệp định EVFTA giúp mở rộng hơn nữa thị trường XK những sản phẩm mà ta có thế mạnh như nông sản (kể cả gạo, đường, mật ong, rau, củ, quả,...) và thủy sản, tạo điều kiện cho nông sản Việt Nam tiếp cận với thị trường 28 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu. Từ đó, nông sản Việt Nam có thể mở rộng thị trường XK, giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc và Đông Nam Á.
“Hiệp định EVFTA là cú hích cho XK nông sản hồi phục, là cơ hội tiềm năng để DN Việt Nam tăng trưởng XK cũng như góp phần đa dạng hóa thị trường XK các mặt hàng nông lâm thủy sản có thế mạnh của Việt Nam” - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định.
Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNT) Trần Công Thắng đánh giá: Việt Nam với vị thế là nước sản xuất và XK cà phê nhân lớn thứ 2 thế giới, trong khi EU là một trong những thị trường tiêu thụ lớn nên kim ngạch XK cà phê Việt Nam sang EU sẽ tăng lên sau khi EVFTA có hiệu lực.
“Trong thời gian vừa qua, nhiều nông sản Việt Nam đã thâm nhập được vào các thị trường chất lượng cao như EU và đã có những tín hiệu tích cực trong sản xuất để đáp ứng yêu cầu của các thị trường có tiêu chuẩn cao, việc EVFTA được phê duyệt sẽ mở ra cơ hội cho nông sản Việt Nam giảm dần sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc” - ông Thắng nói.
Cần nâng cao chất lượng nông sản
Theo các chuyên gia kinh tế, mặc dù Hiệp định EVFTA và các hiệp định FTA mà Việt Nam đã ký kết tạo cơ hội cho DN mở rộng thị trường XK nhưng đây là những thị trường yêu cầu khắt khe về chất lượng, an toàn thực phẩm. DN nếu không nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng được yêu cầu sẽ mất cơ hội khai thác thị trường.
Theo Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Lê Thành Hòa: Hiện, EU đã quy định mức giới hạn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (MRLs) được sử dụng trong và trên các sản phẩm thực phẩm. Đối với các sản phẩm rau quả tươi, DN phải tuân thủ chặt chẽ theo các quy định về MRLs và ngăn ngừa tình trạng nhiễm vi khuẩn là những điều kiện tiên quyết khi muốn thâm nhập thị trường EU. Các sản phẩm có chứa các loại thuốc bảo vệ thực vật bị cấm hoặc có hàm lượng cao hơn mức cho phép sẽ bị từ chối nhập khẩu vào thị trường này.
Đồng tình với ý kiến này, Giám đốc Trung tâm WTO&Hội nhập (VCCI) Nguyễn Thị Thu Trang cũng bày tỏ: Mặc dù EVFTA đã được phê duyệt nhưng điều đó không đồng nghĩa với giấy phép XK cho các loại hàng hoá. Hiệp định EV FTA cũng không xoá bỏ các yêu cầu về hàng rào kỹ thuật trong thương mại, truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm…
“EVFTA sẽ khiến các quy định về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc của các nước nhập khẩu ngày càng chặt chẽ và cao hơn khi giảm thuế. Việt Nam cũng sẽ phải bảo đảm tuân thủ các quy định khác về sở hữu trí tuệ, lao động, minh bạch hoá thông tin… Đặc biệt, DN Việt Nam phải tuân thủ các quy định của các nước nhập khẩu, không chỉ vấn đề an toàn thực phẩm mà còn các tiêu chuẩn về trách nhiệm xã hội, vấn đề lao động, bình đẳng giới và cùng với đó là những thách thức trong kiểm soát gian lận thương mại... những quy định này cho thấy cơ hội phải đồng nghĩa với chất lượng” - bà Trang nói.
Để nâng cao chất lượng các mặt hàng nông sản đáp ứng với điều kiện xuất khẩu theo ưu đãi của EVFTA, các chuyên gia kinh tế khuyến nghị DN và người nông dân cần có cách tổ chức kênh phân phối sao cho hiệu quả để có thể cạnh tranh với hàng nhập khẩu, nhất là đối với các mặt hàng tương đồng.
Thông tin sản phẩm phải minh bạch để người tiêu dùng trong nước tin tưởng sản phẩm trong nước hơn sản phẩm nhập khẩu. Để làm được điều này, đòi hỏi các ngành hàng cần tiếp tục tổ chức lại sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm; tổ chức lại các hiệp hội, ngành hàng để có sự liên kết chặt chẽ giữa các nhà xuất khẩu, liên kết chuỗi giá trị sản xuất giữa người sản xuất và DN. Qua đó khai thác tốt thế mạnh, làm ra sản phẩm chất lượng, bảo đảm tiêu chuẩn thì không sợ không có thị trường XK nông sản.