Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hạn chế phương tiện giao thông cá nhân: Cấp bách và phức tạp

Yến Dư
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực trạng ùn tắc giao thông (UTGT) và ô nhiễm môi trường trên địa bàn Hà Nội do số lượng phương tiện cơ giới quá lớn, gia tăng không ngừng nghỉ đã đến mức báo động.

Việc hạn chế phương tiện giao thông, đặc biệt là xe cá nhân rất cấp bách, đòi hỏi nhóm giải pháp toàn diện trên mọi lĩnh vực kinh tế, tổ chức giao thông, tuyên truyền…
Thực trạng nhức nhối
Thời gian qua, vấn UTGT, ô nhiễm môi trường do quá tải lượng xe cơ giới đã cho thấy những hệ lụy nhãn tiền. UTGT đã lan rộng từ các tuyến đường trục chính đô thị, đường vành đai đến cả những ngóc ngách nhỏ trong khu vực trung tâm TP.
Ô nhiễm không khí có thời điểm khiến người dân TP hoang mang. Do đó, chính quyền, Nhân dân Hà Nội và giới chuyên gia đều có nhận thức chung về việc cấp thiết phải có giải pháp trước khi những vấn đề này trở thành “thảm họa” với Thủ đô.
 Ùn tắc giao thông trên đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân. Ảnh: Phạm Hùng
Theo thống kê, Hà Nội hiện có khoảng 6,01 triệu xe máy, chưa tính số lượng phương tiện đăng ký tại các địa phương khác thường xuyên lưu thông trên địa bàn. Tỷ lệ sở hữu xe máy đạt mức 760 xe/1.000 dân, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011 - 2018 đạt 6,7%/năm.
Trong khi đó, diện tích đất dành cho giao thông của Hà Nội mới chỉ đạt 9,38%. Diện tích chiếm dụng của phương tiện giao thông đã vượt năng lực đáp ứng của hạ tầng giao thông 1,34 lần; trong khu vực Vành đai 3 là 3,7 lần. TP hiện còn 27 điểm “đen” UTGT và 80% trong số đó nằm tại khu vực nội thành.
Nhiều chuyên gia cho rằng, những năm tới, những con số này sẽ còn tăng cao hơn nữa, chênh lệch giữa khả năng đáp ứng của hạ tầng và nhu cầu di chuyển bằng xe cá nhân sẽ còn bị khoét sâu.
Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cho hay, trước thực trạng đó, năm 2017, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết số 04/2017/NQ - HĐND, về việc thực hiện Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông nhằm giảm UTGT và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP Hà Nội, giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. “Hiện Sở GTVT Hà Nội đang cùng các đơn vị liên quan nghiên cứu, xây dựng một số Đề án cụ thể nhằm triển khai Nghị quyết 04 trên thực tế” - ông Viện cho hay.
Mỗi bước mỗi gian na
Từ khi Nghị quyết 04 được thông qua, nhiều giải pháp đã được đưa ra bàn thảo nhưng chưa thể triển khai trên thực tế. Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Vận tải Hà Nội Nguyễn Công Nhật nhận định, công tác kiểm soát tiến tới hạn chế phương tiện cá nhân trong khu vực nội đô nhằm giảm UTGT là nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng và cấp bách trong giai đoạn hiện nay. Nhiều giải pháp đã được các chuyên gia, các nhà quản lý đưa ra, tuy nhiên hiệu quả thực tiễn đem lại vẫn còn nhiều hạn chế.
Các phương tiện leo lên cả vỉa hè do ùn tắc giao thông trên đường Phạm Văn Đồng. Ảnh: Công Hùng
Thạc sĩ quản lý đô thị Phan Trường Thành chia sẻ: “Để giảm UTGT, ô nhiễm môi trường phải làm được 3 công tác cơ bản: Phân vùng, hạn chế xe máy hoạt động; kiểm soát khí thải xe máy; thu phí ô tô vào khu vực có nguy cơ UTGT cao”.
Ông Thành phân tích thêm, muốn đạt được các mục tiêu trên lại cần hàng loạt các điều kiện, giải pháp khác như: Phát triển vận tải công cộng (VTCC) đến mức có thể đáp ứng nhu cầu của người dân, thay thế xe cá nhân; tuyên truyền có hiệu quả nhằm dành lấy sự ủng hộ của người dân; được Chính phủ và các bộ, ngành T.Ư hỗ trợ tối đa về cơ chế chính sách…
Hà Nội hiện đang gặp rất nhiều khó khăn khách quan trong việc thực hiện các giải pháp đồng bộ, hạn chế xe cá nhân. Ví dụ như việc kiểm soát khí thải xe máy vẫn chưa được luật hóa thành các quy định cụ thể. Hay việc thu phí vào nội đô là loại phí chưa có tiền lệ, cần được Quốc hội thông qua, đưa vào luật mới thực hiện được. Đặc biệt, hệ thống VTCC còn đang trong giai đoạn phát triển, chưa có VTCC khối lượng lớn, chưa đủ điều kiện tác động đến sự lựa chọn phương tiện di chuyển của người dân.
Vừa qua, hai Đề án: “Phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng tiến tới dừng hoạt động của xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030”; và “Thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn TP có nguy cơ UTGT và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào” đã được Sở GTVT Hà Nội đưa ra bàn thảo, lấy ý kiến người dân.
Nhưng do chưa có những kịch bản rõ ràng, thiếu chi tiết cụ thể mà các đề án chưa thu hút được sự quan tâm rộng rãi của người dân. Có thể thấy, Hà Nội còn quá nhiều việc, quá nhiều khó khăn phải vượt qua nếu muốn thực sự đưa chủ trương hạn chế xe cá nhân từ văn bản ra thực tế.
Quyết liệt và đồng thuận
Thạc sĩ Đinh Thị Thanh Bình - giảng viên Đại học GTVT đã đưa ra hai điều kiện quan trọng để thực hiện đề án hạn chế xe cá nhân, đó là sự quyết liệt của chính quyền và đồng thuận của người dân. Bà Bình phân tích, nhiều TP trên thế giới có hệ thống hạ tầng giao thông và VTCC rất tốt nhưng UTGT vẫn xảy ra vì số lượng xe cá nhân phát triển quá nhanh, hạ tầng không theo kịp.
Do vậy không thể chỉ trông chờ vào các điều kiện hạ tầng, VTCC mà có thể hạn chế được xe cá nhân. “Phải song song cả hai giải pháp “kéo và đẩy”. “Kéo” người dân sang sử dụng VTCC đồng thời “đẩy”, nhằm tách người dân ra khỏi phương tiện cá nhân. Bằng cách, chúng ta không cấm sở hữu phương tiện nhưng thu phí và phân vùng hạn chế sử dụng, khiến người dân phải cân nhắc giữa VTCC và xe cá nhân” - bà Bình lý giải.
Nhiều chuyên cho rằng, hiện công tác tuyên truyền về hạn chế sử dụng xe cá nhân chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Bên cạnh nguyên nhân chính là người dân quá lệ thuộc vào thói quen sử dụng xe cá nhân, còn có phần do các hình thức tuyên truyền chưa đúng, chưa trúng và khó khơi dậy sự tự giác của người dân.
Chuyên gia giao thông Nguyễn Văn Dư đặt vấn đề, trong chiến tranh gian khổ chúng ta còn kêu gọi được người dân đồng lòng, nhất trí, vì sao việc hạn chế xe máy lại không làm? Nguyên nhân chính là ở phương pháp tuyên truyền chưa đúng.
Tiến sĩ giao thông đô thị Lê Đỗ Mười cho rằng, Nghị quyết 04 của HĐND TP Hà Nội là một áp lực rất lớn đối với Chính quyền TP hiện nay và trong nhiều năm nữa. Nếu không có giải pháp quản lý thì sự bùng nổ phương tiện sẽ dẫn đến thảm họa giao thông và ô nhiễm môi trường.
Nhưng muốn thực hiện đề án, hạn chế xe cá nhân phải có sự đồng lòng của cả chính quyền và người dân. Cần nhận thức rõ, các giải pháp này hướng đến mục tiêu cao nhất là phục vụ chính lợi ích của người dân, nhằm tạo nên môi trường sống chất lượng ngày càng tốt hơn cho người dân.

"Việc hạn chế xe cá nhân nhằm giảm UTGT và ô nhiễm môi trường đối với Hà Nội là rất cấp bách. Tuy nhiên đây là những vấn đề phức tạp, nhạy cảm liên quan đến cuộc sống của đại bộ phận Nhân dân trong và ngoài TP cũng như động chạm đến các nhóm lợi ích khác nhau trong xã hội. Vì vậy, quá trình nghiên cứu đề xuất xây dựng đề án có rất nhiều ý kiến khác nhau. Do đó, quá trình thực hiện phải có lộ trình và đầy đủ các điều kiện." - Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện