70 năm giải phóng Thủ đô

Hạn chế sử dụng túi nilon: Tăng thuế cao để thay đổi thói quen

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là ý kiến của TS Vũ Đình Ánh về giải pháp làm sao hạn chế sử dụng túi nilon và tăng sử dụng các loại vật liệu thân thiện với môi trường thay thế.

Theo ông Ánh, giải pháp tăng thuế bảo vệ môi trường với túi nilon không giải quyết được vấn đề vì tăng thu từ khoản thuế này không đủ để bù đắp các tác hại của túi nilon với môi trường.
Không đủ bù hậu quả về môi trường
Tháng 9/2018, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Biểu thuế bảo vệ môi trường, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019. Theo đó, từ ngày 1/1/2019, mức thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng túi nilon là 50.000 đồng/kg, tăng so với mức thuế hiện hành là 10.000 đồng/kg. Việc này được coi là để góp phần hạn chế việc sản xuất, sử dụng túi nilon khó phân hủy, gây ô nhiễm môi trường.
 Nhiều siêu thị trên địa bàn Hà Nội đã sử dụng lá chuối, lá dong gói thực phẩm thay cho túi nilon.  Ảnh:  Việt Dũng
Số liệu tổng hợp của Bộ Tài chính cho biết, số thu thuế bảo vệ môi trường đối với túi nilon những năm qua không nhiều, chỉ khoảng hơn 70 tỷ đồng. Kim ngạch nhập khẩu túi ni lông thuộc diện chịu thuế bảo vệ môi trường năm 2016 là 65,63 triệu USD, số thuế bảo vệ môi trường phải thu là 20,1 tỷ đồng; năm 2017 là 64,61 triệu USD, số thuế bảo vệ môi trường phải thu là 22,7 tỷ đồng; 8 tháng năm 2018 là 45,68 triệu USD, số thuế bảo vệ môi trường phải thu là 19,1 tỷ đồng. Số thu thuế bảo vệ môi trường đối với túi nilon sản xuất trong nước năm 2016 khoảng 56 tỷ đồng; năm 2017 là khoảng 54 tỷ đồng.
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, TS Vũ Đình Ánh cho biết, để hạn chế sử dụng túi nilon, vấn đề không nằm ở chính sách thuế. Câu chuyện nằm ở việc sản xuất, kinh doanh các sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế. Ông Ánh cho rằng, việc tăng thuế dẫn đến tăng giá túi nilon không giải quyết được vấn đề. Hơn nữa, tăng thuế bao nhiêu cho đủ.
“Vì thế, nên cấm sử dụng triệt để túi nilon. Khi đó, thị trường sẽ tự khắc tìm sản phẩm thay thế. Điều này sẽ kích cầu và kích cung được việc sử dụng và sản xuất các loại vật liệu thay thế thân thiện với môi trường. Ngoài ra, việc tăng thuế bảo vệ môi trường với túi nilon, nguồn thu này không đủ để bù đắp những tác hại của túi nilon mang lại với môi trường”- ông Ánh nhấn mạnh.
Quản lý và giám sát chặt
Một trong những nguyên nhân khiến số thu thuế bảo vệ môi trường với túi nilon không nhiều là do theo quy định, DN nhập khẩu nguyên liệu nhựa PE về để sản xuất túi ni lông thì lượng nguyên liệu này không thuộc đối tượng chịu thuế theo quy định của Luật Thuế bảo vệ môi trường. Mặt khác, nếu túi ni lông sản xuất ra đáp ứng tiêu chí thân thiện với môi trường hoặc trường hợp sản xuất, nhập khẩu túi ni lông để làm bao bì đóng gói sản phẩm cũng không phải nộp thuế bảo vệ môi trường.
Theo đại diện Bộ Tài chính, quy định nêu trên nhằm đảm bảo nguyên tắc thuế bảo vệ môi trường chỉ thu đối với hàng hóa gây ô nhiễm môi trường, khuyến khích sản xuất và sử dụng hàng hóa thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, quy định này cũng dẫn tới việc nhiều DN lách luật khi không kê khai nộp thuế bảo vệ môi trường, từ đó dẫn đến thất thu ngân sách. Bên cạnh đó, hiện nay, các cơ sở sản xuất túi nilon không thân thiện với môi trường, chất lượng thấp chủ yếu là các cơ sở sản xuất nhỏ, thực hiện nộp thuế khoán (số thuế này không được thống kê vào số thu thuế bảo vệ môi trường).
Đề xuất giải pháp để hạn chế sử dụng túi nilon, PGS.TS Nguyễn Xuân Trường - Trưởng khoa Thuế - Hải quan - Học viện Tài chính nêu lên 3 giải pháp. Thứ nhất, tăng khung thuế bảo vệ môi trường với túi nilon không thân thiện với môi trường, buộc giá thành sản phẩm phải tăng. Khi giá thành quá cao, người dùng sẽ buộc phải cân nhắc từ bỏ dần thói quen dùng túi nilon. Tuy nhiên hiện mức thuế này đã kịch khung nhưng giá thành vẫn chưa tăng đáng kể.
Thứ hai, công tác quản lý và giám sát phải làm sao để các cơ sở sản xuất túi nilon thực hiện đúng các quy định. Một cân túi nilon hiện tại chỉ vài ba chục nghìn đồng, trong khi thuế đã chiếm tỷ lệ cao. Điều này chứng tỏ, các cơ sở này không đóng góp thuế bảo vệ môi trường, mua bán trôi nổi, không hóa đơn chứng từ. Cơ quan quản lý phải quản lý được nguồn thu từ các cơ sở đó để tạo nguồn bù đắp các tổn hại môi trường. Thứ ba là cần tăng cường các giải pháp tuyên truyền để người dân hiểu và hạn chế sử dụng túi nilon.