Hạn chế tiêu cực trong hành nghề luật sư

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 17/3, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp T.Ư đã c...

Kinhtedothi - Ngày 17/3, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp T.Ư đã chủ trì Phiên họp thứ 25 Ban chỉ đạo, cho ý kiến vào Đề án phòng, chống tiêu cực trong hoạt động hành nghề luật sư.

Cho ý kiến về Đề án, Thường trực Ban Chỉ đạo cho rằng, Đề  án cần nêu và phân tích được tác hại lớn, thậm chí rất lớn và có tính nhân quả của hành vi tiêu cực trong hành nghề luật sư có thể làm tha hóa một bộ phận cán bộ, công chức trong các cơ quan Nhà nước (nhất là cán bộ điều tra, kiểm sát, tòa án, thi hành án) trong quá trình bào chữa, tư vấn, trợ giúp pháp lý. Tuy vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, cần loại bỏ những luật sư yếu kém chuyên môn, có hiện tượng chạy chọt, lo lót tiêu cực và công bố rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng, không được bao che cho hành vi tiêu cực…

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nêu rõ: Việc xây dựng Đề án là cần thiết để có đội ngũ và hoạt động luật sư vì công lý, không tiêu cực, góp phần xây dựng “nền tư pháp vì dân”. Đề án đã nêu vẫn còn một bộ phận không nhỏ luật sư vi phạm đạo đức hành nghề, nên bản thân đội ngũ luật sư cần tiếp tục rèn luyện, nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm xã hội… Luật sư phải luôn đứng về lẽ phải, công lý, bảo vệ chế độ, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân; góp phần chống oan, sai, bỏ lọt tội phạm. Về các nhóm giải pháp Đề án đưa ra, Chủ tịch nước cho rằng: Cần chú trọng  tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng trong Đảng đoàn luật sư; tăng cường vai trò giám sát của cơ quan Nhà nước, mặt trận, Nhân dân; xử lý nghiêm khắc luật sư vi phạm pháp luật, quy tắc đạo đức trong luật sư; đồng thời chú trọng đến việc tôn vinh, khen thưởng, xây dựng hình ảnh cho các luật sư…