Trong những năm qua, khu vực tài chính chính thức tại Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả phát triển ấn tượng. Chính phủ Việt Nam cũng đã có nhiều chính sách tăng tiếp cận tín dụng chính thức cho các thành phần kinh tế khác nhau. Tuy vậy, tình trạng tín dụng đen vẫn hoành hành tại Việt nam trong suốt thời gian dài, và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Chính phủ cũng đã nhận định rất rõ: tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” xảy ra tại nhiều địa phương, gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự với thủ đoạn rất tinh vi, phức tạp.
Để “tuyên chiến” với tín dụng đen, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 12/CT-TTg về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen. Ngay sau đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành Quyết định 1178/QĐ-NHNN về kế hoạch hành động của ngành ngân hàng triển khai Chỉ thị 12. Tuy việc thực hiện các quy định trên đã có những kết quả nhất định, cuộc khủng hoảng tín dụng đen vẫn chưa được phòng ngừa và xử lý triệt để. Tín dụng đen có thể coi là vấn đề quốc gia, do vậy cần có một chương trình quốc gia để xử lý.
Tại hội thảo, các nhà khoa học, các giảng viên, các nhà nghiên cứu, các chuyên gia kinh tế, các nhà hoạch định chính sách và các nhà ngân hàng trao đổi, chia sẻ các vấn đề lý thuyết và thực tiễn nhằm hạn chế tín dụng đen một cách có hiệu quả, hệ thống. Đây cũng là diễn đàn để các nghiên cứu sinh, cao học viên và sinh viên được giao lưu, học hỏi về phương pháp nghiên cứu khoa học và lĩnh hội các tri thức khoa học cần thiết.
Hội thảo được tổ chức với 2 phiên: Phiên 1 gồm 3 tham luận chính của các chuyên gia nghiên cứu và thực tiễn từ Đại học Kinh tế Quốc dân, Bộ Công An, Đại học Khoa học xã hội nhân văn TP HCM; và Phiên 2 thảo luận với sự tham gia đóng góp ý kiến, thảo luận của các đại diện đến từ các bộ ngành có liên quan và các chuyên gia sâu trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, kinh tế số.
Hội thảo tập trung trả lời bốn câu hỏi lớn: Tại sao tín dụng đen vẫn tồn tại và phát triển? Các nguyên nhân gây ra tín dụng đen?; Các cách thức phòng ngừa tín dụng đen hữu hiệu, đặc biệt tập trung vào các cách thức sử dụng “bàn tay thị trường” từ sự phát triển của các tổ chức tín dụng chính thức? Các cách thức xử lý tín dụng đen?; Sự phối hợp giữa các bộ ngành, cơ quan quản lý, cơ quan thực tiễn cần thực hiện như thế nào trong hạn chế tín dụng đen hiệu quả?
Các phát hiện chính của hội thảo là: Tín dụng đen vẫn đang là vấn đề quốc gia, cần được phòng ngừa và xử lý triệt để bằng một chương trình quốc gia. Điều này rất cần sự chung tay của năm “nhà”: Các cơ quan quản lý; các tổ chức tín dụng; người dân; chính quyền và các tổ chức đoàn thể địa phương; và các cơ quan an ninh, truyền thông, tổ chức hỗ trợ về kỹ thuật và công nghệ.
Các vấn đề được trình bày và thảo luận tại Hội thảo sẽ góp phần là cơ sở đề xuất các khuyến nghị chính sách, định hướng cho các nghiên cứu tiếp theo đối với các cơ quan quản lý nhà nước, các ngân hàng thương mại, trung gian tài chính, các doanh nghiệp và các trường đại học ở Việt Nam.