Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hạn chế tội phạm vị thành niên: Vấn đề nan giải

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Thiếu tướng Hồ Trọng Ngũ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội cho rằng, chống tội phạm vị thành niên đang là vấn đề rất nan giải, bởi lẽ hàng năm có từ 16.000 đến 18.000 trẻ em chưa thành niên phạm tội, chiếm từ 15 - 18% tội phạm.

Mới đây, ngày 21/1/2013, Tòa án Nhân dân TP Hà Nội đã xét xử vụ án giết người và gây rối trật tự công cộng xảy ra tại đường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, ngày 3/11/2011.
 
Từ xô xát giữa một nhóm khách hát và nhân viên của quán Karaoke Xóm vắng (433 đường Lĩnh Nam) đã dẫn đến nạn nhân Nguyễn Kế Toại (SN 1985) bị đâm, chém đến chết. Tại phiên tòa, có 22 bị can bị khởi tố.
 
Trong đó, tại thời điểm gây án, có 4 bị can ở tuổi vị thành niên. Qua theo dõi, tổng hợp tình hình tội phạm trong lứa tuổi vị thành niên, đáng chú ý, trong thời gian qua, nhiều vụ án có bị can ở độ tuổi chưa thành niên đã tạo ra nhiều trăn trở cho xã hội.
 
 
Hạn chế tội phạm vị thành niên: Vấn đề nan giải - Ảnh 1
Ảnh Internet.
 
 
Theo số liệu từ Tòa án Nhân dân tối cao, năm 2012, Tòa án các cấp đã đưa ra xét xử 6.425 bị cáo là người chưa thành niên. Thiếu tướng Hồ Trọng Ngũ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội cho biết, trong 5 năm, từ năm 2007 - 2012, lực lượng công an đã điều tra hơn 49.000 vụ phạm pháp hình sự với gần 76.000 đối tượng người chưa thành niên phạm pháp.
 
Dù không truy tố hết số đối tượng đó vì căn cứ vào chủ thể nhưng tất cả các vụ phạm pháp hình sự đều có các dấu hiệu tội phạm. Hơn 65% vụ phạm pháp của người chưa thành niên có sử dụng vũ khí hoặc hung khí. Đặc biệt, người chưa thành niên thực hiện phương thức, thủ đoạn nguy hiểm, tinh vi, nhiều vụ rất dã man và mất hết tính người.
 
Là người trực tiếp tham gia công tác xây dựng pháp luật, Thiếu tướng Hồ Trọng Ngũ cho rằng, về nguyên tắc thì không thể áp dụng các hình phạt nặng hơn so với quy định của Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, cũng không nên sửa Luật Hình sự theo hướng tăng nặng hình phạt, bởi điều đó trái với những cam kết quốc tế về bảo vệ người chưa thành niên.
 
Để xử lý vấn đề này, phải xem xét lại một cách căn cơ hơn, thấu đáo hơn những nguyên nhân của tình hình tội phạm chưa thành niên và xác định lại tuổi thành niên cho hợp lý. Điều này hoàn toàn có thể làm được.
 
Về mặt pháp lý, Công ước về quyền trẻ em mặc dù xác định trẻ em có nghĩa là người dưới 18 tuổi, nhưng cũng ghi rõ trừ trường hợp pháp luật áp dụng đối với các em có quy định tuổi thành niên sớm hơn.
 
Trong bản hướng dẫn của Liên Hợp quốc về phòng ngừa người chưa thành niên phạm pháp cũng không xác định tuổi thành niên và nói rằng tùy theo pháp luật của mỗi nước. "Thực tế nhiều quốc gia đã quy định tuổi thành niên từ đủ 16.
 
Pháp luật hình sự nhiều nước buộc công dân của họ phải chịu trách nhiệm từ 12 tuổi và 14 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự đầy đủ tùy theo đặc điểm nhân khẩu học, truyền thống văn hóa pháp lý của mỗi nước, trên cơ sở đánh giá năng lực hành vi dân sự và năng lực pháp luật của công dân ở các nước đó" - Thiếu tướng Hồ Trọng Ngũ nói.
 
Để hạn chế tình trạng lứa tuổi vị thành niên phạm tội, nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng, về lâu dài, chúng ta vẫn cần phải chú trọng tới giáo dục đạo đức, lối sống cho giới trẻ, cân bằng cả việc "dạy chữ" và "dạy làm người".