Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hạn chế tuyển sinh trái tuyến năm học 2019 - 2020: Không để học sinh thiếu chỗ học

Trần Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm học 2019 - 2020, Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các trường hạn chế tuyển sinh trái tuyến nhằm tránh tình trạng trường quá nhiều học sinh, trường không đủ học sinh gây ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học. Đến thời điểm này, nhiều quận, huyện đã dự thảo phương án tuyển sinh đầu cấp trên địa bàn với phương châm “không để học sinh thiếu chỗ học”.

 Học sinh khối lớp 1 trường Tiểu học Kim Đồng, quận Ba Đình. Ảnh: Thanh Hải
Loay hoay tìm chỗ học cho con
Có hộ khẩu thường trú tại huyện Đông Hưng (tỉnh Thái Bình) nhưng anh Lê Văn N. và cả gia đình thuê một phòng trọ tại phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội) để tiện cho công việc. Tháng 9 tới con gái anh đến tuổi vào lớp 1, không đủ kinh phí cho con học trường ngoài công lập nên anh N. phải tìm mọi cách để con có suất học trong trường công lập gần nhà. Do quy định hạn chế tuyển sinh trái tuyến nên những trường hợp như con anh N. muốn vào được trường công lập buộc phải có sổ tạm trú. Từ đầu năm 2019, anh N. đã phải “tìm cửa” để làm tạm trú cho gia đình. Thế nhưng, đến giờ anh N vẫn lo lắng: “Các trường đều ưu tiên tuyển học sinh có hộ khẩu thường trú trên địa bàn trước rồi mới đến lượt học sinh tạm trú. Nếu số lượng học sinh có hộ khẩu thường trú đã đủ chỉ tiêu của trường thì con tôi sẽ phải sang trường công lập khác trong quận để học”.
Sở GD&ĐT sẽ đề xuất UBND TP ban hành quy định về việc các DN khi đầu tư xây dựng các khu đô thị phải dành quỹ đất và có trách nhiệm xây dựng trường học, thu hồi các dự án đối với nhà đầu tư cố tình trì hoãn, làm chậm tiến độ thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng trường học.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Văn Đại

Cùng nỗi lo với anh N., gia đình chị Lê Minh T. (khu đô thị Xa La, quận Hà Đông) vừa mới chuyển đến ở một tuần đã phải gấp rút lên phường làm tạm trú để chuẩn bị cho con đi học lớp 1 năm học tới. Chị T. thú nhận, trước ở chỗ trọ cũ con chưa đến tuổi đi học chị không để ý đến việc làm tạm trú, bây giờ khi các trường đều hạn chế tuyển sinh trái tuyến chị mới thấy được giá trị của quyển sổ này.

Dự kiến, năm học 2019 - 2020, Hà Nội tuyển khoảng 167.000 học sinh vào lớp 1, giảm 13.000 học sinh so với năm trước nhưng lại tăng hơn 30.000 học sinh so với số học sinh lớp 5 ra trường. Tuyển vào lớp 6 khoảng 132.000 học sinh, tăng 2.000 học sinh so với năm trước, tăng khoảng 30.000 học sinh so với số học sinh lớp 9 ra trường. Tuyển sinh lớp 10 có khoảng 101.000 học sinh, giảm 4.000 học sinh so với năm học trước và tăng khoảng 25.000 học sinh so với số học sinh lớp 12 ra trường. Tuy số liệu tuyển sinh ở cả ba cấp không cao bằng năm học trước nhưng so với số học sinh cuối cấp sẽ ra trường ở mỗi cấp thì số học sinh tuyển vào đầu cấp năm học 2019 - 2020 là rất cao.

Chủ động phân tuyến

Hoàng Mai là một trong những địa bàn “nóng” mỗi mùa tuyển sinh do tốc độ đô thị hóa nhanh. Trưởng phòng GD&ĐT quận Hoàng Mai Phạm Đàm Thục Hạnh cho biết, số lượng học sinh vào lớp 1 và lớp 6 năm học 2019 - 2020 trên địa bàn quận tăng so với năm trước. Riêng tại phường Hoàng Liệt, theo số liệu điều tra đến tháng 4/2019 dự kiến có khoảng 1.820 trẻ đến tuổi vào lớp 1, trong khi số học sinh lớp 5 ra trường chỉ khoảng 500 em. Đặc biệt, 3/4 số trẻ nhập học năm tới thuộc diện hộ khẩu tạm trú. Mặc dù trên địa bàn phường có 2 trường tiểu học là Hoàng Liệt và Chu Văn An với 72 phòng học nhưng nếu không có phương án điều chỉnh sẽ không thể đáp ứng được nhu cầu của người dân.

Theo bà Hạnh, để giải quyết tình trạng trên, phòng GD&ĐT quận sẽ làm việc với trường và xin ý kiến của UBND quận, Sở GD&ĐT Hà Nội để bố trí mô hình học hợp lý giữa các khối trong trường nhằm đảm bảo học sinh đều có chỗ học, không để sĩ số vượt quá 50 em/lớp. Nhắc đến tình trạng trái tuyến, bà Hạnh cho hay, số lượng học sinh trái tuyến trên địa bàn không nhiều, chỉ tiêu tuyển sinh các trường được giao cơ bản đều đáp ứng số học sinh có hộ khẩu thường trú và tạm trú.
Phụ huynh nộp hồ sơ tuyển sinh đầu cấp cho con vào trường THCS - THPT Nguyễn Tất Thành (Đại học Sư phạm Hà Nội) năm 2018. Ảnh: Bích Nguyễn
Tại quận Hà Đông, trưởng phòng GD&ĐT quận Phạm Thị Lệ Hằng cho biết, dự kiến số học sinh nhập học đầu cấp năm nay trên địa bàn quận tăng khoảng 7.500 em so với năm trước. Tuy nhiên, trong năm học 2019 - 2020 sẽ có thêm 3 trường mới xây đi vào hoạt động và 5 trường được bổ sung các đơn nguyên với 70 phòng học. Do vậy, số phòng học cơ bản đáp ứng nhu cầu tuyển sinh. Tuy nhiên, do trên địa bàn có khoảng 15 khu chung cư, song mới 1/2 số này có trường học nên phòng GD&ĐT đã dự thảo phương án phân tuyến giữa các khu vực lân cận. Bà Hằng dẫn chứng, như năm học trước, do khu đô thị Xa La chưa có trường học nên học sinh trong độ tuổi đi học của khu này được hướng dẫn phân tuyến sang trường Tiểu học Kiến Hưng và Mậu Lương. Dự kiến trong năm học tới, trường Tiểu học Văn Yên (phường Phúc La) gần khu đô thị này cũng sẽ đi vào hoạt động. “Về cơ bản chúng tôi dựa vào kết quả rà soát dân số để xây dựng phương án tuyển sinh hợp lý. Sắp tới có thể sẽ có những biến động nhẹ, những trường hợp trẻ tăng thêm do gia đình mới chuyển về sẽ được phòng GD&ĐT căn cứ theo những trường còn chỉ tiêu tuyển sinh và giới thiệu về” - bà Hằng cho hay.

Còn tại quận Tây Hồ, nhờ vào Đề án xây dựng và phát triển mạng lưới trường học trên địa bàn giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030 nên công tác tuyển sinh được duy trì ổn định trong những năm gần đây. Do đó, mặc dù tỷ lệ trái tuyến năm học trước tại quận khoảng 22% nhưng số phòng học vẫn đủ đáp ứng nhu cầu của trẻ đến tuổi đi học.

Đôn đốc tiến độ xây trường học

Áp lực gia tăng dân số cơ học là một trong những nguyên nhân gây áp lực về chỗ học cho học sinh. Cùng với đó, quá trình đô thị hóa nhanh, nhiều khu chung cư, khu công nghiệp mọc lên nhưng lại không thực hiện xây trường học theo đúng thiết kế ban đầu. Đến nay, Hà Nội đã cơ bản đáp ứng được mỗi xã, phường, thị trấn có ít nhất một trường mầm non, một trường tiểu học và một trường THCS công lập. Tuy nhiên, tại một số quận, huyện, thị xã còn hiện tượng quy mô học sinh/lớp cao hơn so với điều lệ. Nguyên nhân là thiếu trường cục bộ, phần còn lại do tâm lý chọn “trường điểm” của một số phụ huynh.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Văn Đại cho biết, với số lượng hơn 2.700 trường học như hiện nay thì Hà Nội không thiếu trường học. Tình trạng quá tải chỉ xảy ra cục bộ. Do vậy, Sở GD&ĐT Hà Nội cùng các sở, ngành đang hoàn thiện trình UBND TP phê duyệt quy hoạch điều chỉnh mạng lưới trường học đến năm 2030 và những năm tiếp theo. Trong đó, xác định rõ số lượng, lộ trình xây dựng trường học tại từng xã, phường, thị trấn… Dự kiến năm 2019, Hà Nội sẽ xây mới 87 trường học, trong đó ưu tiên cho cấp mầm non. Số trường trong kế hoạch cải tạo, nâng cấp là 284 trường, tập trung ở 18 huyện.

Cũng theo ông Phạm Văn Đại, hạn chế tuyển sinh trái tuyến là một nội dung của chủ trương “ba tăng, ba giảm” đã được Hà Nội triển khai nhiều năm nay, gồm: Tăng quy mô tuyển sinh, tăng chất lượng công tác tuyển sinh, tăng cường cơ sở vật chất cho các trường học; giảm số học sinh trái tuyến, giảm số học sinh/lớp, giảm số lớp/trường có quy mô vượt quá quy định. Để hạn chế tình trạng này, Sở GD&ĐT Hà Nội đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện tốt công tác điều tra số lượng học sinh trong độ tuổi tuyển sinh; rà soát kỹ điều kiện cơ sở vật chất về phòng học, trang thiết bị và đội ngũ giáo viên, nhằm xác định mức độ đáp ứng về số lượng học sinh, từ đó xây dựng kế hoạch phân tuyến tuyển sinh phù hợp. Ngoài ra, Hà Nội sẽ chú trọng giải pháp giảm sĩ số học sinh/lớp ở các trường có sức hút cao sang các trường có sức hút thấp, gắn với việc nâng cao chất lượng dạy học tại các trường này bằng cách tăng cường nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, luân chuyển cán bộ, giáo viên…