Hạn chế xe cá nhân: Có lộ trình và đảm bảo lợi ích người dân

Công Nhân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội khẳng định, việc thực hiện các giải pháp nhằm hạn chế xe cá nhân trên địa bàn TP là cấp thiết, tuy nhiên sẽ được thực hiện theo lộ trình cụ thể, đảm bảo lợi ích cho người dân.

Chủ trương đúng đắn
Sáng 25/10, Sở GTVT Hà Nội đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến xây dựng hai Đề án: “Phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng tiến tới dừng hoạt động của xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030”; và “Thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào”.
Theo thống kê của Sở GTVT Hà Nội, hiện TP có trên 6,6 triệu phương tiện giao thông đường bộ; trong đó có khoảng 0,6 triệu ô tô các loại và 5,9 triệu xe máy. Phương tiện giao thông trong giai đoạn 2011-2018 bình quân: Tăng 11%/năm đối với ô tô (ô tô con là 11,5%/năm), xe máy là 6,75%/năm.
Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện khẳng định: “Tốc độ tăng trưởng của Hệ thống đường bộ không theo kịp với sự phát triển của phương tiện giao thông dẫn tới quá tải cho hệ thống đường bộ làm cho tình trạng ùn tắc giao thông ngày càng diễn biến phức tạp, ô nhiễm môi trường tăng lên”.
 Phương tiện giao thông ngày càng nhiều trong khi đó hệ thống đường bộ phát triển chậm chạp.
Trước tình hình đó, Hà Nội đã có chủ trương xây dựng lộ trình nhằm hạn chế xe cá nhân một cách hữu hiệu. Cụ thể là các Đề án nêu trên. Đây là 2 Đề án rất quan trọng nhằm hạn chế phương tiện giao thông cá nhân góp phần giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường.
Tuy nhiên, đây là những vấn đề phức tạp, nhạy cảm liên quan đến cuộc sống của đại bộ phận Nhân dân trong và ngoài TP cũng như động chạm đến các nhóm lợi ích khác nhau trong xã hội. Vì vậy, quá trình nghiên cứu đề xuất xây dựng Đề án có rất nhiều ý kiến khác nhau.
Tiến sỹ Giao thông đô thị Lê Đỗ Mười nhận định: “Tôi hoàn toàn ủng hộ các Đề án thu phí ô tô vào khu vực có nguy cơ ùn tắc giao thông và hạn chế hoạt động của xe máy. Nếu Hà Nội không làm, giao thông sẽ đối diện với thảm hoạ thực sự”.
Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến cho rằng Để thay hẳn thói quen đi lại của người dân từ phương tiện cá nhân sang phương tiện giao thông công cộng là một cuộc cách mạng.
“Để làm cuộc cách mạng này có hiệu quả đòi hỏi mỗi người dân cần có nhận thức đúng dắn, vì lợi ích chung; đòi hỏi các cấp chính quyền ưu tiên đầu tư hơn nữa vào kết cấu hạ tầng, cải thiện và nâng cao năng lực để thu hút người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng” - ông Tiến chia sẻ.
 Để có thể giảm thiểu phương tiện cá nhân thì phương tiện công cộng phải đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân.
Hạn chế theo khu vực
Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện khẳng định, sẽ có một lộ trình rõ ràng, cụ thể để đưa hai Đề án vào thực tế, trên cơ sở nguyên tắc phải đảm bảo đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
Thạc sỹ Đinh Thị Thanh Bình - Giảng viên Đại học GTVT nhận định, việc thu phí vào một số khu vực là giải pháp kinh tế nhằm hạn chế phương tiện giao thông tại các khu vực có nguy cơ ùn tắc giao thông. Mặc dù đã được nhiều nước trên thế giới và trong khu vực áp dụng có hiệu quả, tuy nhiên đối với nước ta là một vấn đề mới.
Vì vậy, việc xây dựng Đề án “Thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào” là hết sức cần thiết nhằm xác định cụ thể về nội dung, bản chất của loại phí mới (để không trùng lặp với các loại phí khác).
“Trong đó, các chi tiết như: Phạm vi, đối tượng, mức thu và công nghệ thu phí… cần đảm bảo tính khả thi, được cấp có thẩm quyền phê duyệt và trình Chính phủ báo cáo Quốc hội cho bổ sung loại phí mới” – bà Bình nói.
Ông Lê Đỗ Mười phân tích thêm, với mỗi loại phương tiện giao thông, cần có những biện pháp hạn chế khác nhau. “Lâu nay chúng ta đã áp dụng nhiều biện pháp kinh tế nhằm kìm chế sự gia tăng của ô tô. Việc thu phí vào nội đô cũng là một biện pháp tương tự. Còn với xe máy, về lâu dài thì chỉ nên hạn chế khu vực hoạt động”.
Thạc sỹ Đinh Thị Thanh Bình cho biết, việc áp dụng các biện pháp hạn chế xe cá nhân chỉ nên thực hiện theo từng khu vực, nhất là vùng đô thị trung tâm Hà Nội, nơi mà ùn tắc giao thông và ô nhiễm không khí đang diễn biến phức tạp. Đặc biệt, một trong những điều kiện quan trọng để hạn chế xe cá nhân là vận tải công cộng phải đáp ứng được nhu cầu đi lại.
Theo tính toán, từ nay đến năm 2030, khi vận tải công cộng đáp ứng được từ 35 – 40% nhu cầu đi lại, Hà Nội mới thực hiện các biện pháp hạn chế xe cá nhân theo từng khu vực.