Chính trường “dậy sóng”
Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye. |
2016 được coi là năm chính trường Hàn Quốc rơi vào một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong lịch sử đất nước này, khi vụ bê bối tham nhũng liên quan đến Tổng thống Hàn Quốc.
Chấn động chính trị này bắt nguồn từ cáo buộc các quan chức cấp cao Phủ Tổng thống lợi dụng chức quyền, áp đặt các tập đoàn lớn thuộc Liên đoàn Công nghiệp Hàn Quốc phải ủng hộ hàng chục triệu USD cho 2 quỹ phi lợi nhuận, do bà Choi Soon-sil, người bạn thân lâu năm của Tổng thống Park, đứng đằng sau. Dù không giữ chức vụ nào trong chính quyền, song bà Choi bị nghi ngờ lợi dụng mối quan hệ với tổng thống để can thiệp vào các công việc nhà nước.
Ngay sau khi vụ việc “bung bét”, bà Choi Soon-sil cùng hai cựu trợ lý Tổng thống Hàn Quốc đã bị bắt giữ. Bên cạnh đó, hàng loạt lãnh đạo các tập đoàn lớn nhất của Hàn Quốc (chaebol) như Samsung, Huyndai, LG, Lotte... đã bị thẩm vấn vì nghi ngờ liên đới trách nhiệm trong vụ bê bối. Những tập đoàn này bị tình nghi ủng hộ một khoản tiền lớn cho hai quỹ phi lợi nhuận Mir và K-Sports do bà Choi sáng lập để đổi lấy lợi ích trong việc kinh doanh.
Vụ bê bối lên tới đỉnh điểm, khi Quốc hội chính thức thông qua đề xuất luận tội Tổng thống Park Geun-hye vào hôm 9/12 và số người dân biểu tình đòi nữ Tổng thống từ chức lên tới mức cao nhất. Ngay sau đó, bà Park đã tạm thời bị đình chỉ chức vụ và giao lại mọi công việc điều hành quốc gia cho quyền Tổng thống, Thủ tướng Hwang Kyo-ahn. Vụ bê bối “cố vấn bóng tối” đã khiến chính quyền Tổng thống Park Geun-hye rơi vào khủng hoảng lớn nhất từ trước tới nay, kể từ sau vụ chìm phà Sewol vào năm 2014 khiến hơn 300 người thiệt mạng. Đến thời điểm hiện tại, các phe đối lập vẫn đang tiếp tục cáo buộc bà Park vô trách nhiệm trong việc đưa ra quyết định giải cứu chiếc phà Sewol.
Kinh tế lao đao vì các chaebol
Lotte là một trong những chaebol gặp biến. |
Không chỉ trên chính trường, mà cả kinh tế Hàn Quốc cũng rơi vào tình trạng lao đao, do tác động từ nhiều phía. Một nền kinh tế đầy bất ổn với hàng loạt những phi vụ kinh doanh khổng lồ của các chaebol bị đổ vỡ xảy ra cùng lúc chỉ trong một thời gian ngắn, đó là tất cả những gì mà thế giới có thể nói về kinh tế Hàn Quốc trong năm 2016. Việc tổng thống Park Geun-hye vừa chính thức bị Quốc hội Hàn Quốc tuyên bố ngưng chức vào ngày 9/12 vừa qua để chuẩn bị luận tội là một trong những scandal lớn nhất trong nền chính trị nước này nhiều năm qua. Nó cũng là mảnh ghép cuối cùng cho bức tranh vô cùng ảm đạm của nền kinh tế xứ sở kim chi.
Năm 2016 có thể coi là một năm thất bại điển hình của các chaebol, trong đó tràn ngập những vụ bê bối và những dự án kinh doanh thất bại đáng xấu hổ. Nó bắt đầu ngay từ tháng 2, khi hãng xe lớn nhất Hàn Quốc là Hyundai với công ty con Kia Motor đã dự báo tốc độ tăng trưởng doanh số bán hàng thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây do sụt giảm nhu cầu từ thị trường Trung Quốc và đồng won tăng giá. Vài ngày sau đó, CHDCND Triều Tiên tiến hành thử quả bom hydrogen đầu tiên gây ra sự sụt giảm mạnh của thị trường chứng khoán Hàn Quốc do lo ngại.
Sự suy giảm tăng trưởng và nhu cầu của Trung Quốc – thị trường xuất khẩu lớn nhất của Hàn Quốc đã khiến nền kinh tế xứ sở kim chi sụt giảm mạnh trong cả năm 2016. Căng thẳng gia tăng với CHDCND Triều Tiên cũng khiến nền kinh tế Hàn Quốc lãnh đủ, khi sau một vụ phóng tên lửa khác của Bình Nhưỡng, Seoul đã chấm dứt các hoạt động tại khu công nghiệp Gaesong chung giữa hai miền, theo thống kê gây ra thiệt hại khoảng hơn 1.000 tỉ won (tương đương 858 triệu USD) cho kinh tế Hàn Quốc. Trong 7 tháng đầu năm 2016, xuất khẩu của Hàn Quốc đã sụt giảm khoảng 21 - 23%, thì đến tháng 8, hãng vận tải lớn nhất cả nước là Hanjin nộp đơn xin phá sản, với khoản nợ lên tới khoảng 14 tỉ USD.
Sau Hyundai, đến lượt một tập đoàn khổng lồ khác là Lotte gặp hạn khi các công tố viên buộc tội chủ tịch Shin Dong-bin và 4 thành viên khác trong gia đình chủ sở hữu tập đoàn bán lẻ này về hành vi trốn thuế và tham ô. Scandal này khiến cổ phiếu của Lotte giảm chóng mặt và tác động tiêu cực tới hoạt động kinh doanh của tập đoàn này, rất nhiều dự án lớn trên thế giới của Lotte đã bị đình trệ.
Tuy nhiên, đó vẫn chưa phải là quả bom lớn nhất của nền kinh tế Hàn Quốc trong năm 2016. Nó thuộc về tập đoàn lớn nhất cả nước là Samsung, với sự cố mang tên Galaxy Note 7. Những vụ nổ điện thoại do lỗi pin diễn ra trên khắp thế giới buộc Samsung phải tiến hành thu hồi khoảng 2 triệu sản phẩm trong sự cố lớn nhất trong lịch sử của mình, với tổng thiệt hại lên tới khoảng 5 tỉ USD và cổ phiếu của Samsung giảm hơn 20%.
An ninh bị đe dọa
Bình Nhưỡng phỏng thử tên lửa. |
Năm 2016, CHDCND Triều Tiên đã thử nghiệm và phóng tên lửa mang đầu đạn hạt nhân. Việc này diễn ra trong bối cảnh Bình Nhưỡng muốn chạy đua với thời gian để nâng cao trình độ vũ khí hạt nhân của mình nhằm tạo sức nặng cho các cuộc đàm phán trong tương lai. Việc CHDCND Triều Tiên tăng tốc đi theo hướng quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân bằng hai vụ thử vào tháng 1 và tháng 9/2016 khiến tình hình an ninh, chính trị ở Đông Bắc Á một lần nữa xấu đi. Thêm một năm nữa vấn đề hạt nhân CHDCND Triều Tiên trở thành vấn đề nan giải và thậm chí là bế tắc.
Bên cạnh đó, việc Hàn Quốc hợp tác với Mỹ triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) đã bị Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên phản đối. Trong khi Hàn Quốc và Mỹ cho rằng hệ thống THAAD là hệ thống vũ khí phòng thủ đơn thuần, nhưng Trung Quốc lại không nghĩ như vậy. Bắc Kinh coi hệ thống này với tầm bắn tới nhiều nơi của Trung Quốc đang làm suy yếu ảnh hưởng của họ trong khu vực. Kết quả là, Trung Quốc quyết định ngăn chặn các chương trình hợp tác quân sự song phương để phát triển loại vũ khí này.
Trong khi đó, sự hợp tác tích cực của Mỹ - Nhật Bản; Mỹ - Hàn Quốc; hay Mỹ - Nhật - Hàn trong vai trò đồng minh với những hợp tác quân sự ngày càng theo hướng mở rộng hơn càng khiến Trung Quốc, CHDCND Triều Tiên bất an. Thêm vào đó, quan hệ Mỹ - Nhật, Hàn - Nhật xuất hiện những dấu hiệu xích lại gần nhau trong lĩnh vực quân sự, tình báo càng khiến tâm lý lo ngại của Trung Quốc gia tăng. Thay vì giải quyết vấn đề bằng các biện pháp “mềm”, trong năm 2016, Trung Quốc, Nhật Bản và cả Hàn Quốc… đều có xu hướng chi tiêu nhiều hơn cho quốc phòng, xây dựng quân đội theo hướng tinh gọn, hiện đại, có khả năng tác chiến xa đã làm dấy lên những quan ngại và tâm lý nghi kỵ. Không khí chính trị, an ninh của khu vực cũng vì vậy mà luôn “nóng bỏng”, căng thẳng.