Người lao động nộp hồ sơ đăng ký dự thi tiếng Hàn tại Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội. (Ảnh: Hữu Việt/TTXVN)
Cục Quản lý Lao động ngoài nước cũng cho biết, về phía Hàn Quốc cũng đã có một số biện pháp khuyến khích người lao động về nước đúng hạn. Đối với những lao động về nước đúng thời hạn thì được tham gia kiểm tra tiếng Hàn trên máy tính vào hàng quý, không phải đợi đến những đợt thi lớn và được giới thiệu tới những người sử dụng lao động tiếp nhận.
Bên cạnh đó, từ 1/7/2012, phía Hàn Quốc có chính sách mới là: Với những lao động mà Hàn Quốc đánh giá là lao động trung thành (trong suốt thời gian làm việc, chỉ làm cho 1 chủ doanh nghiệp, về nước đúng thời hạn) thì sẽ được sang lại Hàn Quốc mà không phải qua kỳ kiểm tra tiếng Hàn.
Việt Nam đã tiến hành đưa lao động sang xuất khẩu tại Hàn Quốc theo chương trình EPS từ cuối năm 2004. Theo thỏa thuận, cứ hai năm một lần phía Hàn Quốc và Việt Nam sẽ ký lại bản thỏa thuận để chương trình được triển khai liên tục.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, tỷ lệ người lao động đã hết hạn hợp đồng phải về nước nhưng không về tương đối cao (gần 50%), cao hơn nhiều tỷ lệ của các nước khác đưa lao động sang Hàn Quốc. Vì vậy, phía Hàn Quốc đề nghị tạm hoãn việc ký kết thỏa thuận giữa hai bên về chương trình cấp phép việc làm cho lao động Việt Nam để cùng thực hiện các biện pháp giảm tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước.
Cũng theo Cục Quản lý Lao động ngoài nước, từ đầu năm 2011, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và các cơ quan chức năng đã có những biện pháp nhằm hạn chế lao động bất hợp pháp và kêu gọi các lao động hết hạn hợp đồng về nước.
Bộ đã chỉ đạo Cục Quản lý Lao động ngoài nước phối hợp với các địa phương, các tổ chức, đoàn thể triển khai các chương trình thông tin, tư vấn trực tiếp đến lao động và gia đình của họ.
Trong tháng 10/2012, Cục Quản lý lao động ngoài nước sẽ tổ chức tư vấn trực tiếp đến các gia đình có nhiều lao động không về nước đúng thời hạn và gia đình có lao động chuẩn bị về nước tại các xã, huyện tại tỉnh Hải Dương.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng đề nghị các địa phương rà soát chặt chẽ, không để lao động ở các huyện có tỉ lệ lao động bỏ trốn cao được dự kiểm tra tiếng Hàn, đi làm việc tại thị trường Hàn Quốc.
Hiện, các cơ quan quản lý lao động Việt Nam đang tiếp tục trao đổi với Hàn Quốc nhằm giải quyết tình trạng trên.