Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hàn Quốc: Tổng thống Park sẽ có mặt trong phiên điều trần ngày 22/2

Hà Phương (Theo Yonhap)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Những người phản đối Tổng thống Hàn Quốc hy vọng Tòa án Hiến pháp sẽ luận tội bà Park vào cuối tháng 2 tới.

Trong một cuộc thăm dò mới đây cho thấy, đa số những người phản đối Tổng thống Hàn Quốc hy vọng, Tòa án Hiến pháp sẽ đưa ra phán quyết luận tội bà Park Geun-hye vào ngày 28/2. Bởi, họ cho rằng, việc bà Park còn ở lại phủ Tổng thống càng lâu, thì khả năng miễn dịch với khả năng bị truy tố của bà càng cao.

 Quyền Chánh án Tòa án Hiến pháp Lee Jung-mi.

Tuy nhiên, đại diện Tòa án Hiến pháp cho biết, sẽ không xảy ra việc đưa ra quyết định luận tội Tổng thống Park Geun-hye trước ngày quy định, thay vào đó phiên điều trần với sự xuất hiện trực tiếp của bà Park sẽ diễn ra vào cuối tháng 2. Theo quyền Chánh án Tòa án Hiến pháp Lee Jung-mi, phiên điều trần sẽ diễn ra vào ngày 22/2.

Cũng trong cuối phiên điều trần thứ 11, Tòa án Hiến pháp đã đưa ra quyết định chỉ cho phép triệu tập 8/17 nhân chứng mà đại diện pháp lý của Tổng thống Hàn Quốc yêu cầu. Tuy nhiên, quyết định trên của Tòa án Hiến pháp đã vấp phải sự phản đối của Quốc hội Hàn Quốc. Luật gia Kwon Seong-dong, đại diện cho Quốc Hội bày tỏ: “Phía Tổng thống Park đã yêu cầu một số lượng lớn các nhân chứng phải có mặt trong phiên điều trần tới, chỉ nhằm mục đích trì hoãn các thủ tục tố tụng và Tòa án Hiến pháp đã chấp nhận một nửa trong số đó. Tôi cho rằng, chỉ cần cho triệu tập bà Choi Soon-sil và ông Ahn Chong-bum – hai nhân vật trung tâm của vụ bê bối coi như là đã đủ công bằng”, ông Kwon nói.

Theo đó, Tòa án Hiến pháp đã bác việc triệu tập lãnh đạo các tập đoàn lớn (chaebol), trong đó có tập đoàn Samsung – những người bị nghi ngờ quyên góp một khoản tiền lớn cho hai quỹ phi lợi nhuận do bà Choi sáng lập. Trước đó, Nhóm công tố viên đặc biệt đã cáo buộc, các chaebol ủng hộ tiền cho bà Choi để đổi lấy những lợi ích trong vấn đề kinh doanh. “Lãnh đạo các chaebol đã có mặt để làm chứng trong những phiên điều trần trước đó tại Quốc hội và cả trên Tòa án Hiến pháp, do vậy họ không cần thiết phải có mặt thêm”, bà Lee nói.

Trong diễn biến liên quan, cựu Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc Cho Yoon-sun và cựu Chánh Văn phòng Tổng thống Kim Ki-choon đã bị cáo buộc lập ra “danh sách đen” gồm khoảng 10.000 nghệ sĩ có lập trường phản đối chính quyền của Tổng thống Park Geun-hye. Bà Cho là Bộ trưởng đầu tiên của Hàn Quốc bị bắt giữ khi còn đang tại nhiệm. Bà này đã từ chức ngay sau khi bị tòa án ra lệnh bắt giữ.

Tổng thống Park đã bị coi là một tòng phạm trong các hành vi bị coi là sai trái nhưng vẫn có quyền miễn trừ khi còn đang tại vị. Bà vẫn luôn bác bỏ những cáo buộc chống lại mình và hiện đang chờ phán quyết của Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc về việc Quốc hội nước này thông qua đề xuất luận tội bà vào tháng 12/2016.