Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

HANEL Plastics - Thương hiệu uy tín trong ngành công nghiệp phụ trợ

Bích Huyền (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Là một trong những Công ty cổ phần đầu tiên của Hà Nội, Công ty cổ phần Hanel xốp nhựa, một thành viên thuộc Hanel, đã trở thành một thương hiệu uy tín hàng đầu trong ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam.

Tự hào là nhà cung cấp cấp 1 của các tập đoàn nước ngoài lớn tại Việt Nam như Canon, Panasonic, Brother, Sam Sung, Ariston...ông Nguyễn Quốc Cường - Giám đốc Hanel Plastics chia sẻ về những yếu tố quan trọng hàng đầu giúp họ đạt được vị thế vững chắc trong ngành công nghiệp hỗ trợ.
Hanel Plastics đã được tổ chức JETRO Nhật bản lựa chọn thuộc Top 100 DN đạt tiêu chuẩn là nhà sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam đáp ứng được yêu cầu của Nhật Bản. Vậy ông có thể cho biết quy trình sản xuất và quản lý chất lượng của Hanel Plastics được bảo đảm như thế nào để đạt được tiêu chuẩn này?

- Theo các tiêu chí của tổ chức JETRO Nhật bản và các tổ chức, tập đoàn lớn tại Việt Nam yêu cầu đối với sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, phải bảo đảm đầu tiên là chất lượng, thứ hai là chi phí, thứ ba là thời gian giao hàng, thứ tư là môi trường (QCDE). Trong quản lý sản xuất nội bộ thì cần thêm 4 tiêu chí chủ chốt gồm năng suất, công nghệ, an toàn và động lực (PTSM). Đó là 8 tiêu chí bắt buộc mà đơn vị sản xuất công nghiệp hỗ trợ cần đạt được để có thể hợp tác sản xuất cho các DN lớn của Nhật Bản và DN FDI tại Việt Nam.
 Công nhân làm việc tại nhà máy Hanel Plastics. Ảnh: Bích Huyền
Trong các tiêu chí trên, Hanel Plastics tập trung nhất vào quản lý chất lượng - đây là tiêu chí quản lý xuyên suốt trong quá trình sản xuất ở công ty.

Là một DN sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, theo ông, các DN của Việt Nam muốn tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của các tập đoàn lớn trên thế giới cần phải có sự chuẩn bị và đầu tư như thế nào?

- Các tập đoàn lớn, các DN FDI tại Việt Nam rất mong chờ các nhà cung cấp nội địa để nội địa hóa nhiều hơn. Thực tế thì các DN lớn như Samsung, Canon có hàng trăm nhà cung cấp nhưng hiện chỉ có dưới 10 nhà cung cấp nội địa (cung cấp trực tiếp) là DN Việt Nam. Để có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, các DN Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cần bảo đảm đáp ứng được các tiêu chí, tiêu chuẩn quốc tế đối với lĩnh vực này như: phải có chiến lược đầu tư về công nghệ bảo đảm đáp ứng yêu cầu chất lượng tiêu chuẩn quốc tế; phải bảo đảm tiêu chuẩn của hệ thống quản lý sản xuất, ví dụ như: sản phẩm sản xuất ra phải đạt tiêu chuẩn của Hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001: 2015, đồng thời phải cập nhật các công cụ trong quản lý sản xuất như TQM – Quản lý chất lượng toàn diện, TPM – Quản lý thiết bị toàn diện và các hệ thống quản lý trong sản xuất như là hệ thống Barcode - Kiểm tra từng công đoạn sản xuất, 5S, Kaizen, QCC- nhóm cải tiến chất lượng, Lean – Chuyển đổi nhanh, 6 Sigma…

Bên cạnh đó, quan trọng nữa là yếu tố giao hàng đúng giờ “track – in - time”, nghĩa là hàng phải được giao vào đúng thời điểm đầu dây chuyền của khách hàng nhận hàng để sản xuất, không lưu kho. Nếu việc giao hàng của Hanel Plastics gặp trục trặc dẫn đến dừng chuyền của khách hàng thì công ty sẽ phải bồi thường thiệt hại rất lớn.

Với những sản phẩm là linh kiện xốp nhựa thì đâu là yêu cầu khắt khe nhất từ các đối tác (độ chính xác, chi phí rẻ hay tuổi thọ sử dụng của từng sản phẩm)? Hanel Plastics làm thế nào để đáp ứng được những yêu cầu đó?

- Đối với linh kiện, điều đầu tiên khách hàng yêu cầu là tiêu chuẩn về chất lượng, đây là yêu cầu số 1. Chất lượng sản phẩm liên quan đến 4 yếu tố (4M): Thiết bị (Machine), Nguyên liệu (Material), Con người (Man), Phương pháp (Method).

Sau đó là yêu cầu về giá thành. Giá thành phải cạnh tranh, nhưng đối với DN Nhật Bản thì giá thành còn phải xây dựng trên chi phí thực. Chi phí thực gồm chi phí nguyên vật liệu, chi phí gia công, quản lý sản xuất. Khách hàng Nhật Bản luôn yêu cầu nhà cung cấp phải cải tiến quy trình để giảm chi phí trên từng sản phẩm, mỗi năm tối thiểu 2 lần phải kiểm tra, rà soát để cắt giảm chi phí cho từng công đoạn sản xuất. Yêu cầu quan trọng khác là về tuổi thọ sản phẩm. Mà tuổi thọ sản phẩm muốn được bảo đảm, thì cần bảo đảm chất lượng nguyên liệu đầu vào, và kiểm soát quá trình sản xuất. Đối với nguyên liệu đầu vào các hãng lớn đều yêu cầu xuất xứ rõ ràng, có các tiêu chí bảo đảm môi trường. Tại Hanel Plastics, trong sản xuất xốp, ngay từ đầu chúng tôi đã sử dụng công nghệ Nhật Bản, sau đó chuyển sang công nghệ của Đức. Nhà máy xốp Hanel Plastics có thể nói là hiện đại và có công suất lớn bậc nhất tại miền Bắc hiện nay, có thể cạnh tranh sòng phẳng với các DN nước ngoài, với công nghệ sản xuất ngang hàng thế giới.

Đối với sản xuất nhựa, Hanel Plastics cũng thực hiện chuyển đổi từng bước về công nghệ để tương thích với yêu cầu của khách hàng. Bên cạnh đó, chúng tôi cải tiến nhiều khâu trong quy trình sản xuất để tiết kiệm năng lượng: từ việc sử dụng máy chạy bằng thủy lực, bằng dầu tốn năng lượng, motor lớn, hiện nay chúng tôi đã sử dụng máy chạy điện của Nhật Bản với độ chính xác cao, tiết kiệm diện tích, tiết kiệm tới 40% năng lượng.

Hanel Plastics cũng định hướng để nâng cấp các quy trình điều hành, quản lý sản xuất, kết nối toàn bộ hệ thống và truyền thông tin về trung tâm quản lý, phát triển theo hướng nhà máy thông minh của kỷ nguyên cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Việc mở rộng thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu được Hanel Plastics triển khai như thế nào, thưa ông?

- Ở thị trường trong nước, mặt hàng nhựa và xốp Hanel Plastics tập trung vào các khách hàng lớn và truyền thống như Vietnam Airlines, Viettel, các DN FDI tại VN… Về thị trường xuất khẩu, Hanel Plastics chủ yếu xuất khẩu tại chỗ, cho các khu công nghiệp, khu chế xuất, các tập doàn lớn như Canon, Samsung, Panasonic, LG, Brothers... Chúng tôi cũng đang sản xuất một số sản phẩm xuất khẩu trực tiếp sang thị trường Nhật Bản.

Trong những năm tới, Hanel Plastics sẽ tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực về công nghệ (tự động hóa cao, tiết kiệm năng lượng), đầu tư nâng cao năng lực sản xuất của nhà máy khuôn mẫu nhằm chủ động trong việc thiết kế, chế tạo sản phẩm; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực theo kịp những tiến bộ khoa học kỹ thuật và đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng; phát triển sản xuất một số sản phẩm mới trong ngành ô tô, điện tử (EPP, EPE); hướng tới xuất khẩu trực tiếp trên thị trường quốc tế, trở thành một khâu của chuỗi cung ứng toàn cầu;

Bằng chiến lược xây dựng công ty phát triển ổn định và bền vững, với phương châm ‘Chất lượng sản phẩm là yếu tố quyết định sự sống còn của DN”, Hanel Plastics luôn chú trọng công tác đầu tư đổi mới công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao năng lực quản lý để luôn giữ vững niềm tin của khách hàng.

Xin cảm ơn ông!