Hãng Christie thu được 1,54 tỷ USD trong 3 ngày nhờ bán tranh

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - ​Trong 3 ngày đầu tuần qua, hãng đấu giá Christie (Mỹ) đã thu được 1,54 tỷ USD nhờ bán các tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng, cho thấy, thị trường kinh doanh tác phẩm nghệ thuật đang hút khách.

Christie đã tổ chức 9 cuộc đấu giá trong tuần này, trong đó có 2 cuộc đấu giá các tác phẩm nghệ thuật đương đại đã thu được số tiền lần lượt là 705,9 triệu USD và 658,5 triệu USD. Trước đó, hôm 11/5, một bức tranh của Picasso đã được nhà đấu giá này bán với mức hơn 179 triệu USD, ghi nhận kỷ lục mới nhất về giá bán dành cho một tác phẩm nghệ thuật.

 
Bức tranh "Những người phụ nữ ở Thủ đô Algier" của danh họa Picasso được bán với giá hơn 179 triệu USD.
Bức tranh "Những người phụ nữ ở Thủ đô Algier" của danh họa Picasso

được bán với giá hơn 179 triệu USD.
Christie hoàn toàn có thể hoàn thành mục tiêu thu được 2,5 tỷ USD trong tuần này khi còn 6 cuộc đấu giá được thực hiện vào hôm nay và ngày mai ở cả London và New York.
Ngoài Christie, các hãng đấu giá lớn khác như Sotheby cũng thực hiện thành công nhiều cuộc đấu giá trong tuần này. Hôm 13/5, viên hồng ngọc hiếm xuất xứ từ Myanmar có tên "Bình minh" đã được bán với mức giá 30,3 triệu USD, ghi nhận mức giá kỷ lục đối với viên đá quý không phải là kim cương.

Thị trường mua bán các tác phẩm nghệ thuật và trang sức quý nở rộ trong thời gian gần đây song hành với những lo ngại về tình trạng rửa tiền khi cá nhân có thể mua một tác phẩm nghệ thuật trị giá hơn 1 triệu USD mà không để lại bất kỳ dấu vết nào trên hệ thống tài chính toàn cầu.

GS kinh tế học của ĐH New York Nouriel Roubini đã cảnh báo sự hồi sinh của một ngành kinh doanh nghệ thuật bất chính nhằm rửa tiền bẩn một cách hợp pháp. Đây không phải là cảnh báo đầu tiên về hiện tượng này. Năm 2012, Viện Basel về Quản trị (Thụy Sĩ) đã cảnh báo ngành công nghiệp nghệ thuật đang có một khối lượng lớn các giao dịch bất hợp pháp và đáng ngờ.

Trên thực tế, năm 2007, Edemar Cid Ferreira, cựu nhân viên ngân hàng Brazil từng đem bức tranh tên Hannibal của họa sĩ Jean-Michel Basquiat vào Mỹ như một phần của kế hoạch rửa tiền.