Rừng khô nước cạn
Ngày 30/3, trao đổi với báo Kinh tế và Đô thị, ông Lê Thanh Hải Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau cho biết, tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, nắng nóng gay gắt đã làm gia tăng nhanh diện tích 45.600 hec ta rừng bị khô hạn trên toàn tỉnh. Trong đó, 25.000 hec ta rừng ngập ngọt và rừng trên các cụm đảo đang ở mức cảnh báo cháy từ cấp 4 (cấp nguy hiểm) trở lên, đặc biệt hơn 8.726 hec ta ở U Minh Hạ và cụm đảo Hòn Khoai đang ở mức cấp 5 (cấp cực kỳ nguy hiểm).
Theo đó, diện tích báo cháy cấp 5 tập trung chủ yếu trên lâm phần rừng tràm thuộc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ (hơn 3.500 hec ta); Vườn quốc gia U Minh Hạ (hơn 1.400 hec ta); Sở Chỉ huy thời chiến (khoảng 1.000 hec ta); Hạt Kiểm lâm rừng cụm đảo Hòn Khoai (hơn 570 hec ta) và lâm phần rừng sản xuất thuộc các xã Nguyễn Phích (huyện U Minh), Trần Hợi, Khánh Bình Tây Bắc (huyện Trần Văn Thời)…
Ngoài ra, còn khoảng hơn 7.100 hec ta rừng ngập ngọt còn lại của Cà Mau đang cảnh báo cháy cấp 3 (cấp cao) nhưng đang có xu hướng chuyển nhanh sang cấp độ cháy cao hơn (cấp 4 và 5) theo nắng hạn.
Thực trạng hiện nay, nắng nóng đang khiến mực nước dưới kênh, rạch ở cánh rừng ngập ngọt tại Cà Mau đang bốc hơi rất nhanh, nơi cao nhất hiện được ghi nhận từ 2,2m đến 2,4m, trong khi mực nước nơi thấp nhất chỉ khoảng 0,2m. Đặc biệt mực nước dưới kênh, rạch ở các cánh rừng đang rút nhanh, nhất là tại các khu vực rừng sản xuất thuộc các xã Khánh Bình Tây Bắc và Trần Hợi, mực nước trung bình chỉ còn từ 0,3-0,6m. Với nắng nóng và nước bốc hơi nhanh như hiện nay, trong thời gian ngắn khu vực trên sẽ không còn nước phục vụ phòng cháy, chữa cháy rừng khi có cháy xảy ra. Do đó, trong thời gian tới, một vài nơi tại lâm phần rừng ngập ngọt Cà Mau sẽ gặp rất nhiều khó khăn về nguồn nước phục vụ phòng cháy chữa cháy rừng.
Yêu cầu các chủ rừng và địa phương thực hiện nghiêm các giải pháp PCCC rừng theo quy định
Đứng trước nguy cơ cháy rừng đang ở mức độ ngày càng cao, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau vừa có chỉ đạo khẩn. Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với UBND huyện U Minh, Công an tỉnh và cơ quan, đơn vị chức năng tổ chức điều tra, làm rõ nguyên nhân, xác định đối tượng vi phạm, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Đồng thời, yêu cầu các chủ rừng, địa phương, đơn vị có liên quan nêu cao tình thần cảnh giác, tăng cường theo dõi, tuần tra, canh gác, thực hiện nghiêm các giải pháp phòng cháy, chữa cháy rừng theo quy định. Chỉ đạo rà soát, xác định các khu vực có nguy cơ cao xảy ra cháy rừng. qua đó chủ động bố trí lực lượng, phương tiện phù hợp nhằm chủ động ngăn ngừa, không để tiếp tục xảy ra cháy rừng.
Yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện U Minh, Trần Văn Thời, Ngọc Hiển và các lực lượng làm nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy rừng, theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Bộ, ngành Trung ương về phòng cháy, chữa cháy rừng; nêu cao vai trò, trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã trong công tác phòng ngừa, ứng phó với các tình huống xảy ra cháy rừng.
Vườn Quốc gia U Minh Hạ, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ tập trung củng cố, xây dựng lực lượng chữa cháy rừng tại chỗ, đảm bảo phương tiện, kịp thời ứng cứu khi có tình huống xảy ra, kiên quyết không để xảy ra cháy rừng; tăng cường kiếm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, kiên quyết không đế người dân vào rừng săn bắt động vật, lấy mật ong,... gây nguy cơ cháy; đồng thời, chỉ đạo, hướng dẫn các chủ rừng còn lại chuẩn bị tốt lực lượng, phương tiện tại chỗ để xử lý kịp thời, hiệu quả khi có sự cố xảy ra.
Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm, ý thức sử dụng lửa của từng cá nhân, hộ gia đình sống trong và ven rừng.
Những ngày qua, mặc dù trên địa bàn tỉnh xuất hiện một vài cơn mưa trái mùa với lượng mưa ít và phân bổ không đồng đều, nhưng nhiều diện tích rừng thuộc Công ty Lâm nghiệp U Minh Hạ, Hạt Kiểm lâm rừng cụm đảo Hòn Khoai và một số xã thuộc huyện U Minh vẫn đang tăng cảnh báo cấp độ cháy cực kỳ nguy hiểm lên đến hơn 8.000 hec ta.
Trước tình hình trên, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã đề nghị lực lượng làm nhiệm vụ của các địa phương, đơn vị chủ rừng có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, sẵn sàng trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng theo phương châm bốn tại "4 tại chỗ."
Theo đó, đã đề nghị các cấp, các ngành, các chủ rừng và chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động sâu rộng trong cán bộ, nhân dân nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức chấp hành và thực hiện tốt các quy định an toàn về phòng cháy, chữa cháy rừng, nhất là ý thức sử dụng lửa của từng cá nhân, hộ gia đình sống trong và ven rừng.
Các đơn vị quản lý, bảo vệ rừng ngập ngọt tại Cà Mau bố trí 73 chòi quan sát lửa kiên cố và tạm thời; trang bị 115 máy bơm nước (66 máy công suất lớn), hơn 57.000 m ống chữa cháy cùng nhiều thiết bị chuyên dụng phục vụ công tác phòng cháy chữa cháy rừng. Nhờ vậy, trong tình huống khẩn cấp có cháy xảy ra, lực lượng phản ứng nhanh có thể huy động tức khắc từ 400-500 lực lượng tham gia dập lửa, quyết không để cháy lan, cháy lớn.
“Nắng nóng tiếp tục kéo dài bên cạnh đó nguồn nước dự trữ trong các lâm phần bị cạn kiệt sẽ dẫn đến khó khăn do thiếu hụt nguồn nước phục vụ phòng cháy, chữa cháy rừng. Do đó, nguy cơ cháy rừng vẫn đang ngày càng cao” - ông Lê Văn Hải Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau nhận định.
Hiện tại vào mùa khô, nắng nóng, mực nước chân rừng xuống thấp, nguy cơ cháy rừng rất cao. Vào lúc 13 giờ 15 phút ngày 22/3/2024 đã xảy ra vụ cháy rừng tại thửa đất của 03 hộ dân, thuộc ấp 16, xã Khánh An, huyện U Minh, diện tích thiệt hại 1,5 hec ta, rừng tràm 05 năm tuổi.