Hàng gian sẽ hết đất sống ở “chợ Giời”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Báo Kinh tế & Đô có bài “Công an Hà Nội điều tra các vụ trộm phụ tùng ô tô dịp Tết” thông tin về việc khám phá “nóng” về tình trạng buôn bán, tiêu thụ đồ không rõ nguồn gốc tại chợ Hòa Bình (chợ Giời, quận Hai Bà Trưng).

Với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng trong những ngày qua, người dân kỳ vọng, vấn nạn buôn bán đồ trộm cắp tại “chợ Giời” sớm được dẹp bỏ.

Vào cuộc quyết liệt

Ngày 18/2, trong vai người đi mua lại đồ của mình bị mất trộm, chúng tôi vừa rẽ vào phố Thịnh Yên, phố Huế đã được mời chào của nhiều nhân viên cửa hàng kinh doanh các loại đồ phụ tùng xe máy, ô tô. Khi đặt vấn đề về việc mua lại gương ô tô bị mất, những nhân viên này đều tỏ vẻ ái ngại và từ chối. Chúng tôi tiếp tục dạo qua khu vực phố Chùa Vua (phường phố Huế, quận Hai Bà Trưng) cũng tương tự khi phần lớn các chủ cửa hàng đều lắc đầu khi được hỏi mua lô gô, gương xe. Dò hỏi một số người chạy xe ôm khu vực này thì được một người đàn ông trung tuổi cho biết: “Thời gian gần đây, lực lượng công an kiểm tra nhiều nên các đối tượng tiêu thụ đồ “nhảy” không dám hoạt động…”.
Một góc kinh doanh buôn bán tại “chợ Giời” .
Một góc kinh doanh buôn bán tại “chợ Giời” .
Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, một cán bộ Công an phường Phố Huế cho biết: Chợ Hòa Bình nằm trên địa bàn quản lý của phường Phố Huế và Đồng Nhân. Đây là địa bàn tiềm ẩn nhiều phức tạp trong buôn bán đồ điện tử, đồ phụ tùng ô tô, xe gắn máy đã qua sử dụng. Lực lượng chức năng từ trước đến nay vẫn thường xuyên tuyên truyền các cửa hàng không buôn bán đồ không rõ nguồn gốc xuất xứ. Do các tiểu thương tại đây kinh doanh đã từ nhiều đời nên hình thành một “mạng lưới” tiêu thụ đồ không rõ nguồn gốc. Khi có khách cần hỏi mua đồ tại một cửa hàng, “mạng lưới” này liên hệ với nhau qua điện thoại nhằm đáp ứng nhu cầu… Phương thức tiêu thụ hàng của họ thường qua nhiều đầu mối giao dịch hoặc chủ động liên hệ giao hàng cho khách tại nơi kín đáo do đó không dễ phát hiện, xử lý. Lực lượng chức năng đã có kế hoạch đấu tranh với nạn buôn bán tiêu thụ đồ gian, tới đây sẽ triển khai đồng bộ, ngăn chặn triệt để loại hình tội phạm này.

Trước diễn biến về tình trạng xe ô tô trên địa bàn TP bị các đối tượng vặt trộm gương, cạy nẹp, bóc lô gô, vừa qua lãnh đạo UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo lực lượng công an, cơ quan chức năng xác minh, đấu tranh với một số đối tượng liên quan đến hành vi trộm cắp và tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Ngày 14/2, Công an quận Hai Bà Trưng đã phối hợp với Phòng CSHS Công an TP; Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 5 - Chi cục QLTT Hà Nội thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành đồng loạt kiểm tra 26 cơ sở kinh doanh phụ tùng ô tô cũ tại chợ Hòa Bình. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng thu giữ hơn 500 sản phẩm là phụ tùng ô tô đã qua sử dụng gồm chân gương, gương, đèn, cần gạt nước, lô gô, ốp la zăng các loại có tổng trị giá gần 40 triệu đồng. 12/26 chủ cơ sở kinh doanh phụ tùng ô tô không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ hàng hóa. Đoàn kiểm tra đã tiến hành lập biên bản đề xuất lãnh đạo UBND TP Hà Nội ra quyết định xử phạt hành chính mức tiền 13,5 triệu đồng đối với các chủ kinh doanh về hành vi mua bán tài sản không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, không niêm yết giá bán và tịch thu toàn bộ số hàng trên.

Xử lý triệt để

Được biết, trước và sau thời điểm Tết Nguyên đán 2016, UBND quận Hai Bà Trưng đã yêu cầu công an quận phối hợp với lực lượng quản lý thị trường, Công an TP Hà Nội tăng cường kiểm tra xử lý các hộ kinh doanh các mặt hàng cũ, không rõ nguồn gốc ở khu vực “chợ Giời”. Về hoạt động mua bán hàng hóa không rõ nguồn gốc ở “chợ Giời” trong đó có hàng trộm cắp như phụ tùng ô tô vẫn diễn ra nhiều năm, lãnh đạo quận Hai Bà Trưng cho rằng: Việc phân biệt đồ cũ và đồ trộm cắp rất khó, phải qua điều tra xác minh mới xác định được đâu là hàng trộm cắp. Ngoài ra, hoạt động kinh doanh tiêu thụ mặt hàng phi pháp diễn ra lén lút trong “bóng tối”, có khi các đối tượng để hàng hóa ở chỗ khác khi khách đến tìm mua hàng thì chủ cửa hàng gọi điện thoại để mang đến, vì vậy việc tìm bằng chứng xử lý rất khó khăn.

Thượng tá Nguyễn Thành Tín - Phó Trưởng Công an quận Hai Bà Trưng cho hay, ngoài việc hướng dẫn người dân cam kết kinh doanh đúng theo quy định, công an quận vận động người dân thay đổi mặt hàng kinh doanh, không thu mua mặt hàng cũ tránh tiếp tay cho hoạt động phạm pháp. “Chúng tôi đã khuyến cáo các hộ kinh doanh không thu mua mặt hàng cũ bởi nếu mặt hàng họ thu mua là phi pháp thì khi lực lượng chức năng kiểm tra, thu giữ họ sẽ chịu thiệt hại. Bên cạnh đó, công an quận sẽ điều tra, triệt phá các ổ nhóm hoạt động thu mua các đồ trộm cắp… Những chỗ nào tiêu thụ chúng tôi sẽ xử lý ngay để các đối tượng trộm cắp không còn nơi tiêu thụ.

Theo Đại tá Dương Văn Giáp – Trưởng phòng Cảnh sát hình sự (PC45, Công an Hà Nội): Trong dịp Tết vừa qua đã có 3 trường hợp mất trộm được thông báo cho cơ quan chức năng. Hiện tại, Phòng PC45 đang phối hợp với các đơn vị để tích cực giám sát, kiểm tra không để những vụ trộm xảy ra trên địa bàn. Thực hiện kế hoạch bảo vệ an ninh trong dịp Tết Nguyên đán và ý kiến chỉ đạo của đồng chí Giám đốc Công an TP Hà Nội, trước và sau Tết, Phòng PC45 đã tăng cường lực lượng, làm công tác tuyên truyền, phối hợp với Công an quận Hai Bà Trưng để điều tra khảo sát 44 hộ kinh doanh phụ tùng ô tô xe máy ở hai phường Đồng Nhân và phường Phố Huế, yêu cầu các hộ kinh doanh này cam kết không tiếp tay, mua bán đồ cũ của các đối tượng đem đến bán. Phía lực lượng CSHS các quận và Đội 6 Phòng hình sự tăng cường kiểm tra giám sát trên địa bàn để phát hiện và bắt giữ ngay các đối tượng có biểu hiện trộm các loại phụ tùng ô tô. Ngoài ra, chỉ đạo công an các phường cùng cảnh sát hình sự khu vực gọi, hỏi các đối tượng có biểu hiện trộm cắp để răn đe. Các đối tượng có án trộm cắp các loại phụ tùng trước đây mà đã ra tù cũng được gọi lên để tuyên truyền, răn đe để không tái phạm. Theo đại tá Giáp, năm nay tình trạng trộm cắp các loại phụ tùng ô tô xe máy cơ bản là giảm.
Liên quan đến vấn nạn tiêu thụ đồ trộm cắp, trao đổi với phóng viên, Luật sư Đỗ Hữu Đĩnh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, theo điều 250 – Bộ Luật Hình sự: Người phạm tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” có thể nhận hình phạt cao nhất là 15 năm tù, tịch thu toàn bộ tài sản. Người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có, thì bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Trong trường hợp tài sản, vật phạm pháp có giá trị đặc biệt lớn (từ 500 triệu đồng trở lên) hoặc thu lợi bất chính đặc biệt lớn (từ 100 triệu đồng trở lên) thì người phạm tội có thể bị phạt tù 15 năm…