KTĐT - Không thể từ bỏ thói quen xài hàng hiệu trong thời buổi kinh tế hạn hẹp, nhiều tín đồ dần chuyển sang các sản phẩm xách tay được bán online vì giá ‘mềm’ hơn và nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá.
Chị Hiếu, người chuyên bán các mặt hàng thương hiệu Louis Vuitton, Channel, Hermes, Gucci trên mạng… cho biết việc kinh doanh vẫn khá, tuy nhiên, thay vì những mặt hàng cao cấp, giờ chị bán được nhiều những chiếc túi vừa tầm tiền, cỡ chục triệu đổ lại.
Chị Quỳnh, người bán hàng xách tay cao cấp, có trụ sở giao dịch ở khu Thanh Xuân (Hà Nội) cho hay, đợt nào hàng về cũng nhanh hết. “Đợt vừa rồi về có 5 chiếc, mình nhắn tin cho mấy khách quen, họ đến lấy luôn. Những người đến chậm hơn một, hai hôm cũng không còn hàng”, chị nói.
Có nhiều lý do để các tín đồ hàng hiệu, nhất là những người ngân sách không quá dư dả, dần chuyển sang mua sắm hàng online. Sau nhiều lần mua hàng hiệu ngoài shop, chị Tuyết đã chuyển sang sắm hàng online từ hơn hai năm nay. Theo chị, hàng hiệu trên mạng Internet thường có giá rẻ hơn đôi chút so với giá ngoài thị trường.
Chị đưa ví dụ, đơn cử như một chiếc túi Louis Vuitton monogram papillon chị mua hàng online có giá 450 USD, nhưng ra các trung tâm thương mại, giá không dưới 550 USD.
Chị Hương (nhân viên truyền thông) còn xính hàng hiệu online vì các đợt khuyến mãi, giảm giá liên tục. Chị tâm sự, mỗi năm hãng thường chỉ giảm giá một đến hai lần nhưng hàng xách tay trên các web có tần suất khuyễn mãi hơn gấp nhiều lần.
Điều khiến chị thích thú nhất khi mua hàng hiệu online là được thỏa sức fix (mặc cả) giá, điều không thể khi bước chân vào các cửa hàng thương hiệu, nên nếu may mắn có thể mua được sản phẩm rất hời. Hôm trước chị dạo qua mấy trang rao vặt, thấy có người bán chiếc kính Gucci GG chính hãng, mới 100%, giá 4 triệu đồng. Gọi điện hỏi, chị được biết người đó được tặng nhưng không có nhu cầu sử dụng nên mới bán với giá rẻ.
Thế là chị ra sức ì èo, mặc cả và mua được chiếc kính xịn chỉ với 3,2 triệu. “Tuy nhiên, những thông tin rao vặt vì được tặng mà không dùng kiểu đó thì rất ít sản phẩm, thậm chí chỉ có một chiếc nên mua được cái vừa rẻ vừa đẹp còn phải có duyên nữa”, chị Tuyết nói.
Giải thích về mức giá hàng hiệu trên các trang online, chủ bán hàng ở khu Thanh Xuân (Hà Nội), chị Quỳnh nói, hầu hết các sản phẩm bán trên mạng đều là hàng xách tay nên không phải qua thuế, cũng không mất tiền mặt bằng nên giá rẻ hơn vài trăm nghìn đến một triệu mỗi chiếc là chuyện bình thường.
Chị Quỳnh cung cấp thêm, giá bán ra bao nhiêu còn tùy thuộc vào nguồn nhập. Tuy là hàng chĩnh hãng nhưng xuất xứ từ nhiều nước khác nhau. Cùng là hàng Louis Vuitton nhưng nhập từ Nhật, từ Pháp hay từ Mỹ, cộng thêm với chi phí vận chuyển thì giá ở những địa chỉ khác nhau cũng không giống nhau.
“Việc giảm giá thường chỉ diễn ra ở những web bán hàng hiệu chuyên nghiệp để giải quyết lượng hàng tồn và xoay vòng vốn. Do là hàng xách tay, mang về nước với tư cách là người mua bán cá nhân nên không thể điều đình với ai nếu hàng không tiêu thụ được. Vì vậy, chỉ còn cách giảm giá để đẩy nhanh sản phẩm”, chị lý giải.
Không chỉ vì lý do giá cả, nhiều người tìm đến hàng hiệu online còn bời chủng loại trên đó khá đa dạng. Lướt tìm trên các website rao mặt, người tiêu dùng không khó để tìm được những sản phẩm fake loại một của các thương hiệu trên thế giới hay thậm chí là một số mặt hàng cao cấp secondhand hoặc đã bị sờn, rách một ít và được bán với giá rẻ chỉ bằng một phần tư đến một nửa giá trị thực.
Tuy nhiên, do hàng online đều chủ yếu là hàng xách tay từ việc có người thân thường xuyên đi nước ngoài nên ngoài một số địa chỉ kinh doanh chuyên nghiệp, còn lại nguồn hàng đều rất ít nên khó lựa chọn. Thêm vào đó, người tiêu dùng cũng khó lòng kiểm chứng được hàng fake cao cấp hay hàng chính hãng vì không được bán trong các cửa hàng do thương hiệu ủy nhiệm.