Hàng hóa dịp Tết 2023: Nguồn dự trữ lớn, giá không tăng đột biến

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với nhiều phương án chuẩn bị kỹ lưỡng của các bộ, ngành, địa phương và DN, nguồn cung hàng hóa thiết yếu phục vụ dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 sẽ được đảm bảo với giá cả bình ổn, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng đa dạng của người dân.

Hàng hóa dồi dào, phong phú

Chia sẻ về lượng dự trữ hàng hóa phục vụ thị trường dịp Tết 2023, Giám đốc Saigon Co.op miền Bắc Lê Văn Liêm cho biết, để hỗ trợ người tiêu dùng sau đại dịch, ứng phó với việc giá cả tăng đột biến, hệ thống siêu thị Co.op mart đã làm việc với nhiều nhà cung cấp nhằm đảm bảo nguồn cung ổn định. Theo đó, nguồn hàng hóa dự kiến tăng 10 - 15% được tập trung tại 7 kho trung tâm với tổng giá trị hàng hóa tồn kho lên tới 10.000 tỉ đồng.

Người tiêu dùng mua sắm hàng hóa tại siêu thị Big C/Go Thăng Long. Ảnh: Ánh Ngọc
Người tiêu dùng mua sắm hàng hóa tại siêu thị Big C/Go Thăng Long. Ảnh: Ánh Ngọc

Đặc biệt, hệ thống siêu thị Co.op Mart cũng đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi và kích cầu mua sắm trên cơ sở phối hợp nhà cung cấp để có giá tốt, kích cầu mua sắm cuối năm cho người tiêu dùng. Các chương trình này được thực hiện dài hơi từ cuối tháng 11/2022 đến 21/1/2023 ở 800 điểm bán tại 43 tỉnh thành. Ngoài ra, Co.op Mart cũng tổ chức bán hàng lưu động, tổ chức hàng trăm chuyến hàng ở vùng sâu vùng xa, hàng tiêu dùng thiết yếu phục vụ người dân với giá hợp lý.

Theo Giám đốc Điều hành Chuỗi bán lẻ Big C/Go Lê Mạnh Phong, hệ thống siêu thị Big C/Go đang tập trung nguồn hàng mùa vụ Tết 2023 đa dạng với mức tăng trưởng cao từ 20% - 30% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, các nhóm mặt hàng phi thực phẩm như: gia dụng, dệt may dự trữ tăng khoảng 20%; các mặt hàng thực phẩm Tết tập trung cung ứng trong hai tuần cao điểm trước và sau Tết Nguyên đán, gồm các sản phẩm như: bánh chưng, bánh tét, lạp xưởng, trái cây...

Bên cạnh đó, hệ thống Big C/Go sẽ tung ra chương trình khuyến mãi từ 30 - 50% với hàng nghìn mặt hàng xuyên suốt trong dịp Tết. Đồng thời, tăng thêm thời gian bán hàng và nhân sự để phục vụ Nhân dân mua sắm.

"Nguồn hàng dồi dào nên người dân hoàn toàn yên tâm bởi giá cả trước và trong dịp Tết sẽ ổn định. Chúng tôi cũng lên kế hoạch thỏa thuận với các nhà cung cấp cố gắng cung ứng đủ mặt hàng thực phẩm tươi sống, rau xanh vào thời điểm ngay sau Tết Nguyên đán nhằm hạn chế tối đa tình trạng giá cả những mặt hàng này thường tăng giá đột biến sau Tết do nguồn cung ít” - ông Lê Mạnh Phong cho hay.

Báo cáo của Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho thấy, tại các địa phương trên cả nước, công tác dự trữ hàng hóa chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán 2023 đã triển khai với lượng tăng khoảng 10 - 15% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tập trung chủ yếu đối với một số mặt hàng thiết yếu như: Gạo, thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến, dầu ăn, đường...

Mặc dù, năm nay giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, nhưng để chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng, nhiều DN bán lẻ, nhà phân phối cam kết đối với giá các mặt hàng thiết yếu chỉ tăng nhẹ so với năm trước.

Không để hàng kém chất lượng tuồn vào thị trường

Thông tin về tình hình kiểm soát thị trường, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) Trần Hữu Linh cảnh báo, tình trạng hàng lậu, hàng giả, hàng nhái, xâm phạm sở hữu trí tuệ vẫn diễn ra không chỉ ở TP lớn mà còn đi về các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Hàng hóa phục vụ nhu cầu mua sắm Tết Nguyên đán 2023 tại các siêu thị trên địa bàn Hà Nội dồi dào, phong phú. Ảnh: Ánh Ngọc
Hàng hóa phục vụ nhu cầu mua sắm Tết Nguyên đán 2023 tại các siêu thị trên địa bàn Hà Nội dồi dào, phong phú. Ảnh: Ánh Ngọc

Đáng lo ngại, hàng lậu không đi đường tiểu ngạch mà đi từ miền Trung, miền Nam ra Bắc rất nhiều, lực lượng đã nhiều lần bắt giữ qua vận chuyển đường sắt với số lượng hàng rất lớn, gồm cả hàng cấm, không rõ xuất xứ.

Do đó, từ nay đến Tết Nguyên đán, lực lượng Quản lý thị trường 63 tỉnh, thành sẽ tập trung ngăn chặn hàng kém chất lượng tuồn vào thị trường tiêu thụ trong dịp Tết. Tuy nhiên, để công tác đạt hiệu quả, các nhà bán lẻ, hệ thống phân phối cần nêu cao trách nhiệm vì cộng đồng, cam kết chỉ cung ứng hàng đảm bảo chất lượng.

Để chủ động trong mọi tình huống, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị Bộ NN&PTNT chỉ đạo ngành nông nghiệp các địa phương có kế hoạch, giải pháp đẩy mạnh sản xuất, bảo đảm cân đối cung cầu mặt hàng lương thực, thực phẩm để ổn định giá cả.

Cùng với đó, phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức thực hiện những biện pháp kiểm soát hoạt động buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm và sản phẩm liên quan, nhất là tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới. Trong đó, chú trọng tới mặt hàng thịt lợn để phục vụ nhu cầu người dân trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán.

Bộ Công Thương kiến nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo Ngân hàng thương mại tại các địa phương triển khai chính sách hỗ trợ cho các DN tham gia chương trình bình ổn thị trường trong dịp Tết Nguyên đán với lãi suất ưu đãi để tạo điều kiện cho DN tăng nguồn vốn dự trữ hàng hóa, bình ổn thị trường.

Hiện tại, Bộ Công Thương đang phối hợp với Bộ Tài chính theo dõi sát diễn biến giá cả, thị trường nhất là hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu, các mặt hàng thuộc diện bình ổn giá; phối hợp xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật về giá.

 

Hà Nội đang triển khai Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu năm 2022 (từ tháng 7/2022 đến hết tháng 5/2023) với sự tham gia của 32 đơn vị sản xuất, kinh doanh, thực hiện cung ứng hàng hóa tới hơn 12.000 điểm bán trên toàn TP, trong đó gồm: 132 siêu thị; trên 8.000 cửa hàng kinh doanh tổng hợp và chuyên doanh; 1.269 sạp hàng tại các chợ truyền thống; 517 bếp ăn tập thể.

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan