Hàng hóa phục vụ Rằm tháng 7 đồng loạt giảm nhiệt

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tuần này, thị trường hàng hóa phục vụ Rằm tháng 7 đã rất sôi động. Dù sức mua tăng nhưng nhưng giá bán các mặt hàng thực phẩm lại giảm nhiệt.

Rau xanh, thịt lợn giảm giá

Ghi nhận của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị tại một số chợ trên địa bàn TP Hà Nội như: Hàng Bè (Hoàn Kiếm), Khương Thượng (Đống Đa)…, không khí mua sắm đồ cúng Rằm tháng 7 khá nhộn nhịp. Giá nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu đã hạ nhiệt.

Chị Quỳnh Hương (kinh doanh thịt lợn tại chợ Khương Thượng) cho biết, mặc dù sức mua mặt hàng này tăng cao nhưng giá lại giảm nhẹ từ 10.000-20.000 đồng/kg. Cụ thể, thịt ba chỉ, nạc vai, sườn thăn loại ngon giảm 10.000 đồng/kg so với trước, hiện được bán với giá 110.000-160.000đồng/kg. Thịt gà là một trong những mặt hàng luôn được “ưu tiên” có mặt trong mâm cỗ cúng ngày Rằm tháng 7 nhưng giá bán lại giảm nhẹ, hiện được bán với giá từ 110.000-140.000 đồng/kg. 

Người tiêu dùng mua rau xanh tại chợ truyền thống
Người tiêu dùng mua rau xanh tại chợ truyền thống

Những ngày này, các cửa hàng kinh doanh gà luộc sẵn trên chợ Hàng Bè (Hoàn Kiếm) luôn tấp nập người mua, chị Dung chủ cửa hàng kinh doanh gà luộc tại chợ  cho biết, mặt hàng gà luộc sẵn năm nay không tăng giá được bán từ 350.000-600.000 đồng/con, tùy trọng lượng.

Tương tự, các mặt hàng thịt bò, thủy sản vẫn giữ giá không tăng so với trước, hiện, thịt gầu bò 280.000 đồng/kg, thịt phi lê 350.000 đồng/kg, riêng các loại cá, tôm, mực, bạch tuộc còn giảm giá từ 5-10%. Giá tôm sú ở mức 350.000-500.000 đồng/kg, tôm thẻ 220.000-260.000 đồng/kg, cá trắm đen từ 75.000 - 120.000 đồng/kg, cá diêu hồng từ 80.000 đồng/kg giảm xuống 70.000 đồng/kg…

Không chỉ thực phẩm, hải sản giảm giá, mặt hàng rau xanh cũng trong tình trạng tương tự. Tiểu thương kinh doanh mặt hàng này cho biết, hiện giá bán rau xanh đã giảm từ 10-20% so với trước. Theo đó, xà lách từ 45.000 đồng/kg giảm xuống còn 18.000 đồng/kg, cải thảo từ 24.000 đồng/kg giảm còn 14.000 đồng/kg, cải canh từ 15.000 đồng/mớ xuống 7.000 đồng/mớ, rau ngót từ 10.000 đồng/mớ xuống 6.000 đồng/mớ, bí xanh từ 25.000 đồng/kg xuống 15.000 đồng/kg, cà rốt từ 8.000 đồng/củ xuống 2.000 đồng/củ, rau muống từ 25.000 đồng/mớ xuống 10.000 đồng/mớ, dưa chuột từ 25.000 đồng/kg xuống 13.000 đồng/kg.

Lý giải nguyên nhân khiến đa phần các loại rau xanh giảm giá, tiểu thương có chung ý kiến, do thời tiết thuận lợi nên nguồn cung cấp rau xanh dồi dào, đặc biệt, giá cước vận chuyển giảm kéo theo giá rau giảm tương ứng. Tương tự, giá các loại hoa quả nhìn chung đều giảm từ 5.000- 10.000 đồng/kg so với trước, theo đó cam Sài Gòn được bán với giá 45.000 đồng/kg, lê ta 40.000 đồng/kg, nhãn lồng Hưng Yên 35.000 đồng/kg, dưa hấu 25.000-30.000 đồng/kg, na dai 60.000-95.000 đồng/kg, na bở đầu mùa loại ngon 160.000 đồng/kg, thanh long đỏ loại to 68.000 đồng/kg…

Người tiêu dùng mua rau xanh tại chợ truyền thống
Người tiêu dùng mua rau xanh tại chợ truyền thống

Không chỉ chợ truyền thống mới giảm giá thực phẩm, rau xanh, hoa quả, tại hệ thống siêu thị, cửa hàng kinh doanh nông sản sạch cũng tổ chức chương trình khuyến mại nông sản.

Giám đốc Truyền thông Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam Nguyễn Thị Bích Vân cho biết, hiện chuỗi siêu thị Big C và GO áp dụng giảm giá cho hơn 300 dòng sản phẩm ưu đãi lên đến 50%, trong đó, ngành hàng thực phẩm tươi sống có mức giảm giá lên đến 50%. Không chịu thua kém hệ thống siêu thị Co.op Mart cũng đang tổ chức chương trình khuyến mại, giảm giá từ 10-50% cho hàng nghìn sản phẩm nhu yếu gồm thịt heo, thủy hải sản, rau củ quả, trái cây. Trên trang web của cửa hàng Sói Biển cũng đưa ra chương trình giảm giá lên đến 42% mặt hàng trái cây như nhãn lồng Hưng Yên chỉ còn 85.000 đồng/3kg, chôm chôm nhãn 79.000 đồng/kg, táo Envy 119.000 đồng/kg…

Hoa tươi, vàng mã tăng giá, sức mua giảm

Trong khi các mặt hàng thực phẩm, rau xanh đồng loạt giảm giá, hoa tươi, vàng mã đồng loạt tăng giá khiến sức mua giảm sút. Nhiều người tiêu dùng phản ánh, hiện giá ly vàng loại 5 tai được các cửa hàng kinh doanh hoa rao bán với giá 250.000 đồng/bó 10 bông, tăng 50.000 đồng/bó so với trước, ly đỏ 85.000 đồng/10 bông tăng từ 20.000-25.000 đồng/10 bông...

Không chỉ hoa ly mới tăng giá mà các loại hoa khác như: hoa hồng, cúc lưới, mẫu đơn cũng trong tình trạng tương tự. Cụ thể,  hoa hồng và cúc lưới cùng có giá 5.000-8.000 đồng/chục, mẫu đơn 8.000 đồng/bông, cúc mai 35.000-40.000 đồng/bó…Lý giải nguyên nhân khiến giá hoa tươi tăng trong thời điểm cận kề ngày Rằm tháng 7, chị Mai Dung kinh doanh hoa tươi trên phố Lương Đình Của (quận Đống Đa) cho biết, nhu cầu của thị trường tăng cao khi đang vào Rằm tháng 7, trong khi đó, thời tiết miền Bắc nắng nóng khiến hoa tươi mất lứa.

Đối với nguồn hoa tươi từ Đà Lạt, do dịch Covid-19 bùng phát kéo dài nên nhiều nhà vườn phải nhổ bỏ hoa liên tục, nên "cạn" vốn không thể xuống giống một số loại khiến sản lượng thu hoạch giảm sút không đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng nên việc tăng giá là điều khó tránh khỏi.

Cửa hàng kinh doanh vàng mã trên phố Hàng Mã (quận Hoàn Kiếm) ế ẩm vắng khách
Cửa hàng kinh doanh vàng mã trên phố Hàng Mã (quận Hoàn Kiếm) ế ẩm vắng khách

Với mặt hàng vàng mã, bà Lê Thị Tuyết (tiểu thương kinh doanh vàng mã trên phố Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm) cho biết, khoảng hai năm trở lại đây giá nguyên vật liệu sản xuất vàng mã đắt đỏ nên giá thành tăng từ 10-20% so với năm 2021. Hiện ngựa giấy giá dao động từ 35.000 - 500.000 đồng/con, tùy kích cỡ, các mặt hàng quần áo, giày dép, mũ nón có giá dao động từ 40.000- 50.000 đồng/bộ, các đồ phụ kiện như: vòng vàng, đồng hồ, điện thoại…20.000-30.000 đồng/bộ. Giá bán tăng trong khi thu nhập giảm sút nên các cửa hàng kinh doanh vàng mã ế ẩm, chị Thu Hoài ở số 8 phố Hàng Mã thông tin, Rằm tháng 7 năm nay sức mua sụt giảm 40-50% về lượng khách cũng như lượng hàng bán ra nên giờ chỉ có chờ vào đúng sát ngày lễ thì may ra mới bán được hàng.

Lý giải nguyên nhân khiến sức tiêu thụ mặt hàng này giảm sút nhiều tiểu thương chia sẻ, những năm gần đây các cơ quan chức năng và các chùa kêu gọi người dân hạn chế đốt vàng mã nên thị trường “giảm nhiệt”. Bên cạnh đó, nhiều người dân có xu hướng hạn chế mua đồ vàng mã về “hóa” vì vừa tiết kiệm vừa bảo vệ môi trường dẫn đến việc các cửa hàng kinh doanh vàng mã vắng khách nên việc buôn bán khá chậm.