Hàng hóa phục vụ Tết Canh Dần: Hàng nội đã được tín nhiệm

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Hiện trong cơ cấu hàng phục vụ tết của các siêu thị lớn của Hà Nội như: Big C Thăng Long, Fivi Mart, Hapro Mart… sản phẩm hàng Việt Nam đang chiếm đa số.

KTĐT - Hiện trong cơ cấu hàng phục vụ tết của các siêu thị lớn của Hà Nội như: Big C Thăng Long, Fivi Mart, Hapro Mart… sản phẩm hàng Việt Nam đang chiếm đa số.

Doanh nghiệp tăng cường khai thác hàng trong nước


Ông Nguyễn Thái Dũng-Phó Tổng giám đốc siêu thị Big C Thăng Long cho biết: Năm nay, hệ thống siêu thị Big C dự trữ một lượng hàng hoá trị giá tới 1.500 tỷ đồng, trong cơ cấu hàng hoá có đến  95% là hàng do doanh nghiệp trong nước sản xuất. Ông Trương Minh Thanh- Phó tổng giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) đơn vị quản lý hệ thống siêu thị Hapro Mart cũng cho biết: Trong đợt chuẩn bị hàng hoá cung ứng cho thị trường trong dịp Tết Nguyên đán, Hapro đã nâng cao cơ cấu hàng Việt Nam trong hệ thống kinh doanh của mình. Theo bà Vũ Thị Hậu- Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Nhất Nam (sở hữu chuỗi siêu thị Fivimart):  Hiện nay, tỷ trọng hàng Việt Nam trong hệ thống siêu thị Fivimart chiếm trên 80% hàng Việt Nam trong tổng số 25.000 mặt hàng đang kinh doanh.

Nhận định của Sở Công thương Hà Nội: Có được như vậy là bởi các doanh nghiệp trong nước đã tăng cường cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm khiến hàng hoá  nội địa đã phần nào cạnh tranh được với hàng ngoại nhập. Ngoài ra, những thông tin về chất lượng sản phẩm hàng hoá ngoại nhập không đảm bảo VSATTP, xuất xứ không rõ ràng đã khiến người tiêu dùng quay lại với hàng nội địa. Phó giám đốc kinh doanh hệ thống CitiMart, ông Ngô Văn Hải cũng nhận xét: Một trong những nguyên nhân khiến hàng nội được tiêu thụ nhiều trong dịp Tết 2010 là giá bán hàng nội rẻ hơn hàng ngoại khá nhiều, nhất là mặt hàng bánh kẹo. “Giá hầu hết các loại bánh kẹo nhập khẩu hiện nay đều đã tăng 10%-15% so với cùng kỳ. Chính vì thế, hiện nay thị phần bánh kẹo ngoại tại các siêu thị cũng dần bị thu hẹp. Tại hệ thống CitiMart, có đến 80% là bánh kẹo nội”, ông Hải nói.

Hướng về thị trường nông thôn

Theo bà Nguyễn Thị Như Mai-Phó giám đốc Sở công thương Hà Nội: Một trong những nhân tố quan trọng khiến hàng nội được tiêu thụ mạnh là bởi, trong thời gian qua phong trào “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” được phát động rộng rãi đã tác động đến tâm lý người tiêu dùng. Nhiều doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư phát triển hệ thống phân phối ra các vùng nông thôn với quy mô lớn, hiện đại, có chính sách bán hàng ưu đãi nhằm chiếm lĩnh thị phần, nhờ đó phẩm trong nước cũng được tiêu thụ nhiều hơn bởi chính khách hàng Việt.

Ông Phan Bội Ngọc, Giám đốc Công ty Lan Chi cho biết, công ty đã phát triển 5 siêu thị với 53.000 mã hàng các loại ra các huyện phía Tây Hà Nội, kịp phục vụ bà con nông thôn dịp Tết Canh Dần. Để thu hút khách hàng vùng nông thôn, công ty điều chỉnh giá bán tới mức thấp nhất. Giá hàng hóa ở đây thấp khoảng 10% so với mức trung bình trên thị trường. Trong đợt phục vụ nhu cầu mua sắm Tết 2010, từ ngày 1-3/2, công ty còn tổ chức 4 điểm bán hàng tại các xã Ba Trại, Tản Lĩnh, Khánh Thượng, Vân Hòa (huyện Ba Vì).

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp thương mại Thủ đô cũng đã có kế hoạch phục vụ hàng Tết tại địa bàn các huyện ngoại thành. Ông Lê Mạnh Phong-Phó giám đốc Siêu thị Big C Thăng Long cho biết: Từ ngày 28/1 đến ngày ½, siêu thị Big C Thăng Long sẽ tổ chức bán hàng  tại 3 xã Yên Chung, Yên Bình, Tiến Xuân ( huyện Thạch Thất) với lượng hàng trị giá khoảng 500 triệu đồng, trong đó có trên 90% là hàng nội. Trong các ngày 26, 29/1và 1/2 , siêu thị Fivimart cũng tổ chức đưa lượng hàng trị giá 250 triệu đồng, về phục vụ bà con các xã Phú Mãn, Đông Xuân (Quốc Oai), An Phú (Mỹ Đức). “ Đây là hàng phục vụ nhu cầu mua sắm của bà con trong dịp Tết 2010 nên giá bán sẽ hạ từ 10-15% so với giá kinh doanh tại các siêu thị Fivimart tại Hà Nội”, bà Hậu nói.

Ông Chu Xuân Kiên- Phó tổng giám đốc Hapro cho biết thêm: Nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm của bà con nông dân và kích cầu tiêu dùng vùng nông thôn, từ ngày 4 đến 8/2, Hapro sẽ tổ chức 7 đoàn đưa lượng hàng tết trị giá từ 12-14 tỷ đồng về tiêu thụ tại các quận, huyện  như Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín, Sóc Sơn, Đông Anh... Trong cơ cấu hàng hoá phục vụ bà con có trên 60% là hàng nội do các doanh nghiệp thành viên và các doanh nghiệp trong nước sản xuất./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần