Rau xanh, thực phẩm tăng giáNhững ngày qua, giá rau xanh kể cả các loại rau chính vụ Đông tại các chợ truyền thống đồng loạt tăng giá nên nỗi lo thực phẩm tăng giá trong dịp Tết Kỷ Hợi 2019 của người dân là hoàn toàn có cơ sở. Khảo sát của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị tại hệ thống chợ truyền thống cho thấy, giá nhiều loại rau như bắp cải trắng cũng đã tăng nhẹ so với ngày thường khoảng 1.000 đồng/kg hiện bán với giá 10.000 đồng/kg, súp lơ xanh cũng lên mức 40.000 đồng/kg, su hào cũng tăng lên 10.000 đồng/kg, cà chua 10.000 đồng/kg. Các mặt hàng thực phẩm khô, không thể thiếu trong ngày Tết cổ truyền như măng, miến, mộc nhĩ, nấm hương,... cũng tăng nhẹ. Hiện măng nứa khô giá 300.000 đồng/kg, miến dong 90.000 đồng/kg, nấm hương rừng 300.000 đồng/lạng, mộc nhĩ rừng 170.000 đồng/lạng. Tương tự như mặt hàng rau, các loại trái cây cũng đã bắt đầu rục rịch tăng giá. Năm nay, giá bưởi Diễn tăng mạnh, hiện bưởi Diễn loại 1 tại vườn 70.000 - 80.000 đồng/quả, loại 2 từ 40.000 - 50.000 đồng/quả, loại nhỏ xấu mã chỉ 15.000 - 35.000 đồng/quả. Một số loại trái cây như táo xanh to có giá 45.000 đồng/kg, tăng 1.000 đồng/kg so với trước đây; xoài ngọt 50.000 đồng/kg, tăng 1.000 đồng/kg; vú sữa 55.000 đồng/kg, tăng 2.000 đồng/kg.Trong khi đó, mặt hàng thịt lợn cũng tăng giá mạnh. Theo Sở Công Thương Hà Nội, do nhiều tỉnh, thành dịch lở mồm long móng diễn biến phức tạp, khiến giá lợn hơi đã có dấu hiệu tăng trở lại. Cụ thể tại các tỉnh Thái Nguyên, Phú Thọ, Tuyên Quang, Bắc Giang, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nội, giá tăng từ 2.000 - 4.000 đồng/kg, hiện giá bán dao động từ 43.000 - 47.000 đồng/kg. Điều này khiến giá thịt lợn những ngày đầu tháng 1/2019 tăng 5 - 7% so với tháng 12/2018. Hiện thịt vai 80.000 - 85.000 đồng/kg, thịt thăn 90.000 - 95.000 đồng/kg, thịt ba chỉ 100.000 - 110.000đồng/kg … Tương tự, thịt bò thăn cũng đã ở mức 275.000 - 290.000 đồng/kg; giá gà lông cũng đã tăng ở mức 105.000 - 110.000 đồng/kg, trong khi tháng 12/2018 chỉ ở mức 95.000 - 105.000 đồng/kg gà ngon.Nhiều chuyên gia dự báo, sau Rằm tháng Chạp giá thịt lợn, thịt bò và gia cầm sẽ tiếp tục tăng mạnh. Tuy nhiên, theo các DN bán lẻ, việc giá thực phẩm dịp Tết Nguyên đán tăng 10 - 15% đã trở thành thông lệ bởi nhu cầu tiêu dùng vào dịp này tăng cao.Doanh nghiệp cam kết không tăng giáMặc dù đưa ra dự báo giá các mặt hàng thực phẩm, rau xanh... sẽ tăng giá nhưng các DN bán lẻ, siêu thị đều cam kết không tăng giá, đồng thời tổ chức các chương trình khuyến mại, giảm giá.Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, dự báo sức mua thị trường Tết Kỷ Hợi 2019 sẽ tăng 30%, vì vậy, đến thời điểm này, các DN sản xuất, kinh doanh trên địa bàn đã triển khai hoạt động sản xuất, ký kết hợp đồng khai thác hàng hóa dự trữ, phục vụ nhu cầu của người dân trong dịp Tết. Ước tính, tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn Hà Nội đạt khoảng 28.500 tỷ đồng, trong đó DN kinh doanh thương mại dự trữ và đưa ra thị trường lượng hàng hóa trị giá khoảng 15.300 tỷ đồng.Giám đốc ngành hàng hệ thống siêu thị Vinmart Trần Cứu Quốc cho biết, để bình ổn thị trường, năm nay DN đã ký hợp đồng với các đơn vị cung cấp và đưa hàng về dự trữ tại các kho tổng, sẵn sàng nguồn hàng hóa Tết. Nói về hoạt động dự trữ hàng hóa phục vụ Tết Kỷ Hợi 2019, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội Vũ Thanh Sơn nhấn mạnh: Hiện DN bán lẻ đã chốt giá với nhà cung cấp từ trước và phối hợp với nhà cung cấp chuẩn bị chuỗi khuyến mãi kéo dài từ đầu tháng Chạp nên giá cả hàng hóa bán tại kênh bán lẻ hiện đại sẽ không tăng, thậm chí nhiều mặt hàng còn giảm giá. DN cũng cam kết giữ giá ổn định trước và sau Tết Nguyên đán cho các mặt hàng thiết yếu, tiêu dùng nhiều dịp Tết như thịt lợn, gia cầm, trứng gia cầm, rau củ… bán tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi.Mặc dù các DN bán lẻ cam kết không tăng giá lương thực, thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới nhưng tại các chợ truyền thống việc tăng, giảm giá hàng hóa do thị trường tự quyết. Vì vậy để ngăn chặn tình trạng tăng giá bất hợp lý những ngày áp Tết đòi hỏi cơ quan quản lý phải quyết liệt trong công tác điều hành cung cầu.