Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hàng hóa rục rịch tăng giá theo xăng, dầu: Điều hành “hụt hơi” trước diễn biến thị trường

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với 3 lần điều chỉnh liên tục, tổng cộng mỗi lít xăng tăng 3.500 đồng, đã gây áp lực lớn lên giá cước vận tải, hàng tiêu dùng. Điều đáng nói là việc tăng giá này đang đi ngược với đà "lao dốc" của thị trường xăng, dầu thế giới. Điều đó cho thấy việc điều hành giá xăng, dầu càng bộc lộ rõ những bất hợp lý, chưa phù hợp với diễn biến thị trường.

Tăng giá điện, xăng dầu liên tiếp sẽ làm giá hàng hóa tiêu dùng tăng theo. Ảnh: Việt Dũng
“Ăn theo” giá xăng dầu

Chỉ trong vòng hơn một tháng (từ 18/3 đến 2/5), giá xăng đã tăng mạnh 3 lần liên tiếp, hiện xăng E5RON92 ở mức 20.688 đồng/lít; xăng RON95-III 22.191 đồng/lít và dầu diesel 0.05S ở mức 17.695 đồng/lít, cộng với hoá đơn tiền điện tăng cao khiến giá nhiều mặt hàng tiêu dùng cũng rục rịch tăng theo.
DN không phàn nàn về giá xăng, dầu quá cao vì nếu điều tiết theo đúng thị trường xăng, dầu quốc tế, vấn đề là cách điều hành giá xăng dầu của Việt Nam hiện nay không hợp lý. Khi giá xăng, dầu trên thị trường thế giới tăng, cơ quan điều hành lại dùng quỹ bình ổn kìm hãm lại, dồn đến đợt sau tăng quá cao, ảnh hưởng trực tiếp lên DN. Bên cạnh đó, công thức tính giá xăng, dầu không minh bạch nên DN không dự trù trước được giá tăng/giảm của nhiên liệu để chốt khi ký hợp đồng vận tải với khách hàng.

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền

Ghi nhận tại các chợ dân sinh Hà Nội như chợ Thành Công, Kim Liên, chợ Hôm… cho thấy, sau khi giá xăng dầu tăng lần thứ 2, giá nhiều mặt hàng thịt, rau, củ, quả và thủy hải sản đã tăng; đến lần tăng giá thứ 3 (ngày 2/5), cùng với tác động của hoá đơn tiền điện tăng, giá các mặt hàng lại càng được cớ tăng mạnh hơn. Chị Minh Loan kinh doanh rau, củ tại chợ Thành Công cho biết: Đa số các mặt hàng rau củ đều đã tăng giá so với cuối tháng 4, giá hành từ 16.000 đồng/kg đã tăng lên 25.000 đồng/kg, su hào 8.000 đồng/củ, củ cải trắng 18.000 đồng/kg, rau muống 17.000 – 18.000 đồng/mớ (tăng 3.000 đồng). Tương tự với mặt hàng rau, củ, giá thịt bò bán lẻ tăng 20.000 đồng/kg; thịt gà lông tăng 10.000 đồng/kg... Theo lý giải của các tiểu thương, việc tăng giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm như hiện nay là do giá xăng, dầu tăng mạnh khiến nhiều chi phí đầu vào tăng đặc biệt là phí vận chuyển.

Trong khi đó, dịch vụ vận tải đã nhấp nhổm tăng giá từ 15 - 20%. Chị Thanh Thủy ở ngõ 85 Nguyễn Lương Bằng phản ánh khi đặt một chuyến xe đi từ ngõ 85 đến đường Quang Trung (Hà Đông) qua ứng dụng Grab giá cước cũng tăng gần 10.000 đồng so với giá thường ngày chị đi. Tương tự Grab, các DN taxi cũng lo lắng có nên tăng giá cước vận chuyển hay giữ nguyên trong khi xăng dầu liên tục tăng giá. Tổng Giám đốc Công ty CP Phát triển Thương mại và Du lịch quốc tế Ngôi Sao (DN sở hữu hãng Taxi VIC) Trương Quốc Hùng chia sẻ: Giá xăng chiếm khoảng 35 - 40% trong cấu thành giá cước vận tải, nên việc giá xăng tăng 3.500 đồng/lít khiến DN chỉ có thể hòa vốn bởi trong 4 năm qua taxi VIC chưa tăng giá lần nào, trong kỳ điều hành giá sắp tới, nếu giá xăng không giảm mà tiếp tục tăng sẽ buộc DN phải điều chỉnh giá cước khoảng 10%.

Điều hành chưa sát thực tế

Trong kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 2/5 vừa qua, với lý do giá xăng, dầu trên thị trường thế giới tăng mạnh nên liên Bộ Công Thương - Tài chính đã điều chỉnh tăng gần 1.000 đồng/ lít. Song thực tế, thông tin về giá mặt hàng này trên một số thị trường giao dịch lớn vào thời điểm những ngày đầu tháng 5 lại đang “lao dốc”.
Để khắc phục tình trạng quản lý “nửa vời” như hiện nay không có cách nào khác ngoài việc chấm dứt độc quyền. Phải để điều hành xăng, dầu hoàn toàn theo cơ chế thị trường, từ đó phá vỡ thế độc quyền trong kinh doanh, qua đó giải bài toán minh bạch giá của các mặt hàng xăng, dầu và điện.

PGS. TS Phạm Tất Thắng - Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công Thương)

Cụ thể chốt phiên giao dịch ngày 2/5, thời điểm giá xăng trong nước điều chỉnh tăng gần 1.000 đồng/lít, giá dầu thô ngọt nhẹ trên thị trường Mỹ (WTI) giảm đến 1,86 USD xuống còn 61,74 USD/thùng. Tương tự, giá dầu Brent biển Bắc cũng giảm 1,62 USD/thùng xuống 70,56 USD/thùng, cả hai loại dầu này đã giảm gần 3% giá trị so với phiên giao dịch trước đó. Bảng giá năng lượng thế giới ngày 3/5 cũng tiếp tục giảm, dầu WTI tiếp tục giảm mỗi thùng 0,06% và dầu Brent giảm 0,27% so với ngày 2/5.

Đây không phải là lần đầu tiên giá xăng trong nước tăng trong bối cảnh giá dầu trên thị trường thế giới giảm. Tại kỳ điều chỉnh trước (ngày 17/4), giá xăng tăng 1.200 đồng/lít. Cùng ngày, giá dầu Bent trên thị trường thế giới giảm 0,1%, đến ngày 18/4, giá dầu Bent giảm 0,2% so với phiên trước, dầu WTI giảm 9 cent/thùng. Thực tế trên cho thấy, việc điều hành giá xăng, dầu trong nước đang bộc lộ những bất hợp lý, chưa phù hợp với diễn biến thị trường. Điều hành giá xăng, dầu tại Việt Nam về giá được chỉnh giá theo chu kỳ 15 ngày/lần, không theo nhịp tăng giảm của thế giới. Phân tích về thực trạng này, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, giá xăng, dầu trên thị trường trong nước chưa phản ánh đầy đủ biến động giá xăng, dầu trên thị trường thế giới. Không hẳn là đi ngược thế giới nhưng rõ ràng giá mặt hàng này trên thị trường thế giới biến động từng ngày, trong nước không theo kịp. Để khắc phục điểm yếu này ông Ngô Trí Long đề xuất cơ quan quản lý phải tính được giá cơ sở, theo công thức có sẵn, từ đó có chính sách quản lý rủi ro theo sát giá xăng, dầu nhập khẩu. Tuy nhiên, để làm được điều này đòi hỏi liên bộ Công Thương - Tài chính phải nâng cao năng lực bám sát và dự đoán diễn biến thị trường, từ đó đưa ra phương án điều hành phù hợp với biến động liên tục của thị trường.